TP Hồ Chí Minh: Cảnh báo gia tăng trẻ bị viêm màng não dịp cận Tết

Những tuần gần đây, một số bệnh viện nhi trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận nhiều trẻ đến khám và điều trị bệnh viêm màng não. Trong đó, có nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Theo các bác sĩ, bệnh viêm màng não xuất hiện quanh năm nhưng thường tăng cao hơn vào mùa đông, dịp cận Tết.

Trẻ nhập viện tăng

Theo các bác sĩ, bệnh viêm màng não ở trẻ chủ yếu là các ca riêng lẻ và xuất hiện quanh năm. Tuy nhiên, vài tuần gần đây số ca bệnh đã bắt đầu có chiều hướng tăng mạnh. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh), số bệnh nhi đến khám và điều trị bệnh viêm màng não tăng 50% so với những năm trước đó.

Bệnh nhi viêm màng não nằm điều trị tại khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2.

Bệnh nhi viêm màng não nằm điều trị tại khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2.

ThS.BS Nguyễn Đình Qui, phó khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, số bệnh nhi đến khám và điều trị do bệnh viêm màng não tăng từ đầu tháng 10 đến nay. Mỗi ngày tại khoa tiếp nhận và điều trị 20 - 25 bệnh nhi, đỉnh điểm có ngày lên đến 30 ca.

Trong số những ca nhập viện, có những ca biến chứng nặng như tụ mủ dưới màng cứng, cần ngoại khoa can thiệp để dẫn lưu tháo mủ, bơm rửa kết hợp truyền thuốc. Các ca bệnh nặng và gặp biến chứng thường mất nhiều thời gian điều trị và lâu hơn nhiều so với viêm não do các vi khuẩn và các tác nhân khác gây bệnh viêm não.

Chẳng hạn, trường hợp của một bệnh nhi 5 tháng tuổi ngụ tại TP Hồ Chi Minh nhập viện trong tình trạng sốt cao, tím tái và co giật. Bệnh nhi này được chẩn đoán bị viêm màng não và phải trải qua 2 lần phẫu thuật để lấy mủ trong màng cứng. Tuy sức khỏe bệnh nhi đã ổn định, cơ thể đáp ứng thuốc tốt nhưng bệnh nhi này phải dùng kháng sinh từ 6 - 8 tuần.

Tương tự, theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng 1, số trẻ đến khám và điều trị viêm màng não cũng gia tăng trong thời gian gần đây. Có những ngày tại khoa Nhiễm – Thần kinh của bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho trên 20 trẻ, trong đó có trường hợp nặng phải phẫu thuật.

Theo ThS.BS Nguyễn Đình Qui, bệnh viêm màng não xuất hiện ở tất cả các lứa tuổi và lứa tuổi nào cũng đều có nguy cơ bệnh nặng. Tuy nhiên, lứa tuổi bị biến chứng nặng thường dưới 12 tuổi. Triệu chứng của bệnh gồm sốt, quấy khóc nhiều ở trẻ nhũ nhi, đau đầu ở trẻ lớn đã biết kêu đau, nôn ói, đặc biệt là tính chất ói vọt, thóp phồng hoặc cổ gượng. Bên cạnh đó, còn có triệu chứng thần kinh nặng nề hơn như: co giật, yếu liệt khu trú, rối loạn tri giác như kích thích, li bì, hôn mê….

Nhiều di chứng nặng nề

Các chuyên gia y tế cho rằng, viêm màng não là bệnh nguy hiểm vì những triệu chứng ban đầu thường gây nhầm lẫn với các bệnh cúm thông thường, khó được phát hiện sớm. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ và gây ra tỷ lệ tử vong cao, thậm chí để lại di chứng nặng nề cho người bệnh.

Hầu hết các tác nhân gây viêm màng não có thể phòng ngừa bằng vaccine.

Theo đó, mức độ tổn thương đến hệ thần kinh và não bộ và các cơ quan khác phụ thuộc vào thời điểm phát hiện và điều trị tích cực cho trẻ. Các biến chứng trẻ có thể phải đối mặt khi bị viêm màng não như mất thính giác, suy giảm trí nhớ, khả năng tư duy kém, trí tuệ chậm phát triển, trổn thương não vĩnh viễn,suy thận, động kinh, gặp khó khăn khi di chuyển và tử vong…

Thống kê cho thấy, virus là nguyên nhân gây viêm màng não ở trẻ phổ biến nhất, sau đó là vi khuẩn, nấm và một số bệnh lý khác. Tuy nhiên, viêm màng não do vi khuẩn là tình trạng nguy hiểm nhất với nguy cơ xuất hiện biến chứng và tử vong cao. ThS.BS Nguyễn Đình Qui cho biết, viêm màng não là tình trạng nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, cụ thể là nhiễm trùng lớp màng bảo vệ não và tủy sống, đa phần là do tác nhân vi trùng. Nguyên nhân đa phần là do vi khuẩn: E.coli, HiB, Não mô cầu, Phế cầu, Lao và một số ít do virus, ký sinh trùng, nấm…

“Nếu phụ huynh thấy con mình sốt cao kèm theo nôn ói nhiều, quấy khóc, đau đầu, cố gượng thì nên cho bé đi khám ngay. Đặc biệt, nếu trẻ có biểu hiện co giật, yếu liệt, rối loạn tri giác là các dấu hiệu chuyển nặng”, bác sĩ Nguyễn Đình Qui khuyến cáo.

Theo các chuyên gia y tế, bệnh viêm màng não có thể phòng ngừa hiệu quả bằng các loại vaccine. Chủ động tiêm đầy đủ vaccine phòng bệnh, đủ mũi, đúng lịch là biện pháp gần như duy nhất để phòng các tác nhân gây viêm màng não… Trẻ nhũ nhi từ 2 tháng tuổi trở lên và người lớn có thể tiêm vaccine viêm màng não để tăng cường miễn dịch, phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe. Bên cạnh tiêm đủ vaccine phòng bệnh, phụ huynh cần tuân thủ vệ sinh tay, mang khẩu trang, vệ sinh thân thể và nơi sinh hoạt, ăn kỹ uống chín.

Dịch sốt xuất huyết và tay chân miệng tiếp tục giảm

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, trong tuần qua, toàn thành phố ghi nhận 959 ca bệnh sốt xuất huyết, giảm 19,9% so với trung bình 4 tuần trước, số ca nội trú giảm 26,5% và ngoại trú giảm 12,1%.

Trong tuần 52, không có trường hợp tử vong do sốt xuất huyết Dengue. Tổng số ca tử vong do sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay là 29 trường hợp, tăng 22 ca so với cùng kỳ năm 2021 (7 ca).

Về bệnh tay chân miệng, trong tuần 52, thành phố ghi nhận thêm 109 ca bệnh tay chân miệng, giảm 50,2% so với trung bình 4 tuần trước đó. Trong đó, số ca bệnh giảm nhiều ở các trường hợp khám ngoại trú và ở các trường hợp nhập viện điều trị nội trú.

Thành phố ghi nhận 1 ổ dịch tay chân miệng mới trong tuần qua. Số ổ dịch tay chân miệng tích lũy đến tuần 52 năm 2022 là 91 ổ dịch.

Bài và ảnh: Đan Phương/ Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/y-te/tp-ho-chi-minh-canh-bao-gia-tang-tre-bi-viem-mang-nao-dip-can-tet-20221229200859614.htm