TP Hồ Chí Minh chính thức gắn biển tên cầu Ba Son và cầu Thủ Thiêm

Kinhtedothi – Việc dùng địa danh Thủ Thiêm, Ba Son đặt tên 2 cây cầu bắc qua sông Sài Gòn không những góp phần giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa, mà còn tăng cường thu hút đầu tư để hoàn thành mục tiêu đầu tư xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm trước năm 2030.

Sáng 14/6, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức lễ công bố gắn biển tên cầu Ba Son và cầu Thủ Thiêm. Đến dự có Phó Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng; Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức; lãnh đạo UBND TP Thủ Đức và quận 1, quận Bình Thạnh.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết, địa danh Thủ Thiêm, Ba Son gắn với quá trình hình thành, phát triển của vùng đất Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh và đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân TP.

Các đại biểu tại lễ công bố gắn biển tên cầu Ba Son, cầu Thủ Thiêm.

Vì vậy, để lưu lại những giá trị lịch sử - văn hóa, năm 2022, UBND TP Hồ Chí Minh ban hành quyết định bổ sung tên hai địa danh này vào ngân hàng tên đường và công trình công cộng trên địa bàn TP; đồng thời, HĐND TP đã thông qua nghị quyết đặt tên cho hai cây cầu là Thủ Thiêm và Ba Son.

Việc sử dụng địa danh Thủ Thiêm và Ba Son để đặt tên 2 cây cầu bắc qua sông Sài Gòn không những đóng góp phần giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong các hoạt động kết nối, trao đổi về kinh tế, văn hóa - xã hội, tăng cường thu hút đầu tư, tạo sức hút để hoàn thành mục tiêu đầu tư xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm trước năm 2030 theo Nghị quyết 26-NQ/TU ngày 14/10/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hồ Chí Minh.

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức phát biểu tại lễ công bố gắn biển tên cầu Ba Son và cầu Thủ Thiêm.

Cầu Thủ Thiêm kết nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm (thuộc TP Thủ Đức) với quận Bình Thạnh, có chiều dài 1.250m, gồm 6 làn xe, tổng chi phí đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, đã góp phần tăng cường khả năng kết nối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Cầu Ba Son nối TP Thủ Đức với quận 1, tổng kinh phí đầu tư gần 3.100 tỷ đồng. Cầu có chiều dài hơn 1.400m, với 6 làn xe, thiết kế dây văng với trụ tháp chính được xem là biểu tượng cổng chào từ trung tâm TP Hồ Chí Minh qua khu đô thị mới Thủ Thiêm với hệ thống chiếu sáng mỹ thuật. Cầu Ba Son được kỳ vọng là điểm nhấn kiến trúc nổi bật trên sông Sài Gòn.

Cầu Ba Son thiết kế dây văng, với hệ thống chiếu sáng mỹ thuật về đêm, được kỳ vọng là điểm nhấn kiến trúc nổi bật trên sông Sài Gòn.

Việc hoàn thành đưa vào sử dụng cầu Thủ Thiêm, cầu Ba Son có ý nghĩa lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội khu phía Đông TP Hồ Chí Minh. Đồng thời, là niềm tự hào của người dân TP, qua đó góp phần hoàn thành các mục tiêu của Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.

“Tôi đề nghị ngành giao thông vận tải TP thực hiện tốt công tác duy tu, bảo trì hệ thống hạ tầng kỹ thuật, chăm sóc cây xanh, vệ sinh môi trường để hai công trình thực sự trở thành điểm nhấn hài hòa trong không gian kiến trúc cảnh quan đô thị, luôn là một điểm đến hút dẫn thu hút khách trong và ngoài nước”, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức yêu cầu.

Về địa danh Ba Son có 4 giả thiết về nguồn gốc tên gọi, nhưng đều cùng chỉ một nơi Chúa Nguyễn Ánh đặt “Xưởng Chu sư” dân gian gọi là “Xưởng Thủy” bên bờ sông Sài Gòn vào năm 1790 phục vụ cho sở trường thủy chiến của mình trong cuộc chiến với nhà Tây Sơn. Năm 1792, xưởng hạ thủy 5 chiếc thuyền (Hoàng Long, Xích Nhạn, Thanh Tước. Bạch Yến, Huyền Hạc). Năm 1793, Chúa Nguyễn Ánh mua một chiến hạm cũ của châu Âu về tháo ra từng mảnh để lấy mẫu, đích thân chỉ đạo thợ theo đó chế tác ra các loại chiến hạm mới gọi là Tây dương dạng thuyền. Thủy xưởng đã đóng được 9 chiến hạm kiểu châu Âu (mang tên Loan Phi, Ưng Phi, Long Ngư, Long Phượng, Long Hưng, Long Phi, Bằng Phi, Phụng Phi và Hùng Phi). Về sau Gia Long thiết lập triều Nguyễn, “Xưởng chu sư” còn đóng được tàu đồng, phỏng theo thiết kế những tàu đồng thuê của Bồ Đào Nha. Đặc biệt, xưởng còn đóng và hạ thủy thành công tàu chạy bằng hơi nước không thua kém tàu nước ngoài. Đội hải thuyền trang bị cho các Đội dân binh Hoàng Sa, Bắc Hải đi khai thác sản vật tại Hoàng Sa.

Các đại biểu cắt băng gắn biển tên cầu Ba Son.

Khi thực dân Pháp xâm lược tháng 4/1863, chính phủ Pháp chính thức tổ chức, xây dựng và điều hành nhà máy đóng tàu và cảng mang tên Arsenal de Sài Gòn, đồng thời mang tên Việt là “Thủy xưởng Ba Son”.

Ba Son được ghi nhận là cái nôi của ngành công nghiệp đóng và sửa chữa tàu Việt Nam; đồng thời là cái nôi của phong trào công nhân Việt Nam, tổ chức Công đoàn Việt Nam. Ba Son đã trở thành một phần quan trọng của lịch sử đấu tranh giành độc lập của Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh. Ba Son gắn liền với cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Từ 1863-1975, phong trào công nhân tại Ba Son được duy trì và phát triển, công nhân tại đây luôn tỏ rõ tinh thần đấu tranh cách mạng. Nhiều cuộc đình công diễn ra mang tính chính trị và ý nghĩa quốc tế. Hàng trăm công nhân Ba Son đã trở thành những cán bộ ưu tú của Đảng, Nhà nước và Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Sau năm 1975, Hải quân công xưởng Ba Son không chỉ sửa chữa mà còn đóng mới tàu và các phương tiện nổi cho Quân chủng Hải quân, Cảnh sát biển và đáp ứng nhu cầu của thị trường hàng hải nước ngoài. Ngày 1/1/1978, đổi thành Xí nghiệp Ba Son trực thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng; tháng 9/2009 đổi thành Xí nghiệp Liên hiệp Ba Son, và từ ngày 14/6/2014 đổi thành Tổng Công ty Ba Son. Ngày 18/11/2015, quy hoạch thành Khu Trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son.

Đối với địa danh Thủ Thiêm, ở Nam Bộ hiểu là ông Thủ ngự tên Thiêm (không biết họ). Thủ ngự có nghĩa trưởng trạm thu thuế trên đoạn sông Sài Gòn, ông là nhân hậu, khi thấy người buôn bán thua lỗ hay không lời, ông cho giảm hoặc miễn thuế cho họ. Người dân rất cảm kích nên sau khi ông mất, họ gọi vùng đất quanh trạm thuế sông này là bến Thủ Thiêm. Về sau cả chợ trên bờ và phà ở đoạn sông này đều mang tên Thủ Thiêm.

Các đại biểu cắt băng gắn biển tên cầu Thủ Thiêm.

Triều Nguyễn nửa đầu thế kỷ XIX cho lập đồn binh Thủ Thiêm để kiếm soát việc đi lại trên sông Sài Gòn, phòng thủ cho khu vực trung tâm. Về sau cả vùng đất này gọi là Thủ Thiêm với bến đò Thủ Thiêm, chợ Thủ Thiêm... Tu viện Dòng Mến Thánh giá có từ năm 1840 từng mang tên Tu viện Thủ Thiêm; nhà thờ đầu tiên được xây dựng vào năm 1859 mang tên Nhà thờ Thủ Thiêm...

Từ thập niên 60 của thế kỷ XX, nơi đây có phà Thủ Thiêm hoạt động đến năm 2011 thì chấm dứt khi có hầm vượt sông Sài Gòn. Về hành chính, năm 1966 chính quyền Sài Gòn cắt xã An Khánh sát nhập vào Đô thành Sài Gòn, tách thành 2 phường: An Khánh và Thủ Thiêm thuộc quận 1. Từ ngày 1/4/1997, khi các quận Thủ Đức, quận 2, quận 9 đi vào hoạt động, Thủ Thiêm trở thành phường trực thuộc quận 2.

Năm 1996, quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm được phê duyệt, TP thực hiện quy hoạch này từ năm 2005, hình thành bán đảo Thủ Thiêm và khu Đông TP thành một đô thị mới hiện đại với nhiều khu chung cư mang tên Thủ Thiêm.

Tân Tiến

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tp-ho-chi-minh-chinh-thuc-gan-bien-ten-cau-ba-son-va-cau-thu-thiem.html