TP. Hồ Chí Minh: Dịch tả heo châu Phi lan tới khu vực quận 9

Ngày 11/6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) TP. Hồ Chí Minh đã công bố phát hiện ca bệnh dịch tả heo châu Phi (ASF) tại một hộ chăn nuôi heo ở phường Phú Hữu, quận 9, TP. Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Phước Trung - Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố - cho biết, ngày 10/6/2019, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cùng với chính quyền địa phương đã ghi nhận một trường hợp đàn heo nuôi tại hộ bà Lê Thị Ngọc Cẩm có triệu chứng điển hình của bệnh dịch tả heo châu Phi. Chi cục Chăn nuôi Thú y đã lấy mẫu xét nghiệm gửi Chi cục Thú y Vùng 6 chẩn đoán xác định bệnh và triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Ngày 11/6/2019, kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm dương tính với bệnh ASF.

Cơ quan chức năng tổ chức tiêu hủy heo mắc dịch bệnh ASF xuất hiện ở quận 9, TP. Hồ Chí Minh

Theo ông Trung, ngay khi có kết quả xét nghiệm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với UBND quận 9, UBND phường Phú Hữu triển khai tiêu hủy đàn heo của hộ Lê Thị Ngọc Cẩm với tổng đàn 166 con và toàn bộ thức ăn thừa tại hộ chăn nuôi tại khu vực cách xa khu dân cư tại phường Phú Hữu, quận 9. Đoàn công tác chống dịch đã tổ chức rải vôi bột tại khu vực hộ chăn nuôi, khu vực xử lý , hố chôn, tiêu độc khử trùng liên tục 10 ngày kể từ ngày xử lý heo bệnh.

Đại diện UBND phường Phú Hữu cho biết, Phú Hữu hiện có 7 hộ chăn nuôi heo với tổng đàn 506 con. Để phòng chống dịch ASF lây lan, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với UBND quận 9 triển khai cấp thuốc sát trùng cho các hộ tiêu độc khử trùng liên tục mỗi ngày trong 7 ngày kể từ ngày 11/6/2019; tiêu độc định kỳ 3 lần/tuần trong 3 tuần tiếp theo, tạm thời các hộ này không được xuất bán heo trong vòng 30 ngày.

Riêng các hộ chăn nuôi thuộc vùng bị uy hiếp, có bán kính 3km từ khu vực hộ có heo bệnh, gồm các phường Long Trường, Trường Thạnh (quận 9) và Bình Trưng Đông (quận 2) có 29 hộ chăn nuôi, tổng đàn 2.422 con, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với UBND quận 9, quận 2 triển khai cấp thuốc sát trùng cho các hộ tiêu độc khử trùng định kỳ 3 lần/tuần trong 4 tuần kể từ ngày 11/6/2019.

Nhằm phòng dịch ASF từ xa, UBND quận 9 thành lập 2 chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại khu vực cầu Ông Nhiêu và cầu Xây Dựng gồm các lực lượng Thú y, Cảnh sát giao thông, Thanh niên xung phong, Công an phường và Dân quân tự vệ để kiểm soát vận chuyển động vật và tiêu độc khử trùng phương tiện.

Ông Nguyễn Phước Trung đánh giá, do quận 9 nói riêng và TP. Hồ Chí Minh nói chung có nguồn cung heo cho thị trường thành phố tương đối nhỏ so với nguồn heo từ các tỉnh thành khác, vì thế ổ dịch vừa phát hiện tại quận 9 không ảnh hưởng đến nguồn cung thịt heo của thành phố.

Lực lượng Thú y tổ chức khử trùng tại khu vực xảy ra dịch ASF ở quận 9, TP. Hồ Chí Minh

Theo Cục Thú y, cho đến nay TP. Hồ Chí Minh là địa phương thứ 55 của Việt Nam có dịch ASF và nguy cơ lây truyền dịch vẫn chưa được kiểm soát. Tính đến ngày 10/6, dịch ASF đã xảy ra tại 3.918 xã, 402 huyện của 54 tỉnh thành, các cơ quan chức năng buộc phải tiêu hủy 2.457.383 con heo với trọng lượng 146.149 tấn.

Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Hồ Chí Minh nhìn nhận, dịch ASF đang lan rộng, tình hình ứng phó với dịch tại nhiều địa phương đã được tăng cường với nhiều biện pháp, tuy nhiên hiệu quả ngăn dịch là chưa cao và nguy cơ lây lan vẫn còn tiềm ẩn. Đáng lưu ý, tại các tỉnh phía Bắc dịch xảy ra ở các hộ nhỏ lẻ nhưng ở miền Nam như Đồng Nai, Bình Dương, Hậu Giang… dịch ASF lại xuất hiện ở các trại nuôi lớn, quy mô hơn 1.000 con. Vì vậy, nhiều tỉnh đã bị vỡ mọi phương án ứng phó với dịch. Chẳng hạn như tỉnh Hậu Giang, ổ dịch có 1.300 con, khâu xử lý phải mất tới 4 ngày, huy động cả lực lượng công an, thương lái chuyên nghiệp mới hoàn thành việc tiêu hủy.

Các cơ quan chức năng và doanh nghiệp tổ chức kiểm soát chặt nguồn thịt heo cung cấp cho siêu thị Co.opmart

Tại TP. Hồ Chí Minh, công tác phòng chống dịch ASF đã được lên phương án phòng chống rất kỹ càng từ trước đó, nhưng vẫn không thể ngăn được dịch. Cụ thể, các quận huyện trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong thời gian qua đã phải căng mình chốt chặn để kiểm soát heo sống và sản phẩm từ heo từ các tỉnh vào TP.Hồ Chí Minh. Tại quận 2, một đoàn liên ngành đã tổ chức chốt chặn tại phà Cát Lái, trực chiến kiểm soát ngày đêm rất vất vả. Đại diện UBND quận 2 cho biết, phía bên kia phà là huyện Nhơn Trạch thuộc tỉnh Đồng Nai, nơi có dịch ASF, các đối tượng chở hàng tụ tập sẵn, chỉ cần lực lượng kiểm tra lơ là là ào qua, rất khó kiểm soát.

Theo ông Hoàng Cảnh Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh), UBND TP. Hồ Chí Minh hiện đã thống nhất với các đơn vị liên quan về việc xử lý tiêu hủy tại chỗ đối với các hộ nuôi heo nhỏ lẻ, tránh lây lan dịch bệnh do vận chuyển. Trường hợp dịch xảy ra ồ ạt, ở trại lớn quy mô 1.000 con sẽ xử lý chôn tập trung tại bãi rác dự phòng trong Khu liên hợp xử lý chất thải Phước Hiệp (huyện Củ Chi). Công ty Môi trường đô thị đã chuẩn bị sẵn vôi bột, hóa chất để sử dụng khi cần, tránh bị động.

Cùng với công tác kiểm soát dịch, Sở NN&PTNT thành phố đề nghị các lực lượng chức năng kiểm tra, hướng dẫn công tác chống dịch cho các hộ chăn nuôi. Các quận huyện tổ chức kiểm soát chặt hoạt động giết mổ lậu. Đối với tang vật tại các điểm giết mổ heo lậu sẽ áp dụng tiêu hủy tang vật ngay, không cần kiểm dịch lại.

Trần Thế

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tp-ho-chi-minh-dich-ta-heo-chau-phi-lan-toi-khu-vuc-quan-9-120926.html