TP. Hồ Chí Minh Đổi mới tư duy quy hoạch giáo dục và công viên

UBND, sở ngành, quận, huyện phải đổi mới tư duy quy hoạch. Đảm bảo đất dành cho giáo dục, công viên để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Về phía UNBD TP. Hồ Chí Minh phải dự báo tốt để hoạch định chính sách hỗ trợ phát triển các dự án giáo dục và công viên cây xanh trên địa bàn.

Là thông tin được các đại biểu đưa ra tại phiên giải trình về quy hoạch, thực hiện quy hoạch các khu vực có chức năng giáo dục, công viên - cây xanh trong đồ án phân khu trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh do Hội đồng nhân dân (HDND) TP. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 27/11.

Các đại biểu tham dự phiên giải trình

Tham dự phiên giải trình, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh- cho biết, tổng diện tích quy hoạch chức năng giáo dục theo các đồ án quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 đã phê duyệt trên địa bàn thành phố là 3.306 ha. Diện tích quy hoạch phân khu theo 4 khu vực, khu vực 1 (10 quận nội thành 1, 3, 5, 6, 10, 11, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú) chiếm tỷ lệ 9,01% tổng diện tích; khu vực 2 (3 quận 8, Gò Vấp, Bình Thạnh) chiếm 5,87%; 6 quận mới còn lại chiếm 34%; 5 huyện chiếm 50%.

Tuy nhiên, kết quả thực hiện được lại hoàn toàn khác với quy hoạch. Khu vực 1 thực hiện quy hoạch đạt 64%, khu vực 2 đạt hơn 52%, khu vực 3 là 34%, khu vực 4 hơn 18%.

Trước thực trạng nêu trên, đại biểu Trương Lâm Danh quan ngại, đất quy hoạch dành cho giáo dục chưa được triển khai nhưng đã đến thời gian rà soát lại để điều chỉnh quy hoạch. Sắp tới có giải pháp gì với tình trạng đất dánh cho giáo dục trên thực tế thiếu nhưng trong quy hoạch lại còn?

Còn theo ông Nguyễn Minh Nhựt, Đại biểu HĐND TP. Hồ Chí Minh, điều kiện ngoại thành thuận lợi phát triển trường lớp việc phát triển các dự án giáo dục lại chậm hơn so với nội thành vì vậy nên triển khai dựa vào ngân sách.

Trả lời những câu hỏi đại biểu đặt ra, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc khẳng định đầu tư giáo dục nội thành không thể cao hơn ngoại thành nhưng do dân đông nên phải đáp ứng. Còn ngoại thành, đầu tư chậm hơn vì dân đang thưa thớt. Ngoài ra, có nhiều dự án bị “treo” vì giải phóng mặt bằng chưa sạch, chủ đầu tư thiếu năng lực tài chính,…

Ngoài thiếu đất dành cho giáo dục, việc phát triển công viên cây xanh của thành phố cũng khó khăn. Dù quy hoạch chung xây dựng TP. Hồ Chí Minh đến năm 2025 đề ra tổng diện tích quy hoạch đất công viên cây xanh trên địa bàn thành phố là 11.418 ha nhưng thực tế diện tích công viên cây xanh hiện trạng trên địa bàn thành phố chỉ mới đạt 491 ha, đạt tỷ lệ 4,30%. Như vậy, mật độ công viên cây xanh vẫn chưa đến 1m2/người.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, sắp tới thành phố sẽ khai thác vai trò của xã hội trong đầu tư giáo dục cũng như mảng xanh công viên, thay vì cứ trông chờ vào nguốn vốn ngân sách.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm- Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh cũng đề nghị UBND, sở ngành, quận, huyện phải đổi mới tư duy quy hoạch. Đảm bảo đất dành cho giáo dục, công viên để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Về phía Thành phố phải dự báo tốt để hoạch định chính sách hỗ trợ phát triển. Riêng về ngân sách thực hiện các dự án giáo dục cũng như phát triển công viên cây xanh, bà Tâm đề nghị kêu gọi các nhà đầu tư thực hiện nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách thành phố.

Mai Ca

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tp-ho-chi-minh-doi-moi-tu-duy-quy-hoach-giao-duc-va-cong-vien-112446.html