TP Hồ Chí Minh gia tăng hiệu quả liên kết du lịch - Bài 1: Bắt tay làm mới các sản phẩm du lịch Tây Bắc

Việc liên kết du lịch đã tạo ra một sức bật mới cho từng tỉnh, thành, góp phần nâng cao sức cạnh tranh và thương hiệu du lịch không chỉ cho từng địa phương mà cả Việt Nam nói chung, đồng thời trên thị trường du lịch quốc tế. Vì vậy, TP Hồ Chí Minh đã tiên phong đi đầu trong việc đẩy mạnh liên kết du lịch với gần 50 tỉnh thành, phố trên cả nước.

Du khách bay dù lượn trên các cánh đồng lúa ruộng bậc thang ở đèo Khau Phạ, Yên Bái.

Bài 1: Bắt tay làm mới các sản phẩm du lịch Tây Bắc

Trong thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã thực hiện các chương trình liên kết với các tỉnh Tây Bắc. Qua đó, ngành du lịch của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Bắc đã có nhiều chuyển biến tích cực khi liên tục có nhiều sản phẩm du lịch mới, du lịch liên kết được ra đời.

Khai thác nguồn khách phong phú

Theo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, vùng đất Tây Bắc có tiềm năng du lịch phong phú với thiên nhiên kỳ vĩ, văn hóa đặc sắc và lịch sử hào hùng. Nơi đây còn có đỉnh Fansipan được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương, Sapa, danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Căng Chải... Vì vậy, việc TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh hoạt động liên kết chặt chẽ hơn với các tỉnh, thành vùng Tây Bắc sẽ giúp các tỉnh Tây Bắc đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nâng cao hiệu quả quản lý, xúc tiến, phát triển nhân lực…

Thực tế, chương trình hợp tác phát triển du lịch của 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng (Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Phú Thọ, Hòa Bình, Hà Giang, Yên Bái) và TP Hồ Chí Minh trong những năm qua phù hợp với xu hướng liên kết phát triển du lịch trong giai đoạn mới và đang thể hiện là mô hình hiệu quả để hình thành các sản phẩm du lịch liên tuyến, liên vùng, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử, tài nguyên du lịch của từng địa phương.

Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Du lịch Lào Cai cho biết, sau khi đẩy mạnh hoạt động liên kết du lịch với TP Hồ Chí Minh, cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch và nguồn nhân lực làm du lịch tại các tỉnh Tây Bắc đã từng bước mở rộng và được quan tâm đầu tư nhiều hơn. Đặc biệt, các sản phẩm du lịch Tây Bắc liên kết với TP Hồ Chí Minh luôn được làm mới và giới thiệu rộng rãi đến các du khách trong và ngoài nước nước.

Du khách TP Hồ Chí Minh tìm hiểu các sản phẩm quà tặng làm từ chè san tuyết tại Hà Giang.

"Những năm qua, chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa 8 tỉnh và TP Hồ Chí Minh đã giúp các tỉnh Tây Bắc mở rộng tìm kiếm được nguồn khách phong phú, đồng thời hỗ trợ các tỉnh Tây Bắc khai thác, kết nối thị trường du lịch TP Hồ Chí Minh liên tục, chặt chẽ hơn, từ đó giúp các tỉnh Tây Bắc mở rộng khai thác được các đặc trưng, lợi thế du lịch của mình. Thông qua chương trình liên kết với TP Hồ Chí Minh, 8 tỉnh Tây Bắc còn có thể quảng bá, giới thiệu các điểm đến du lịch nổi tiếng của mình đến du khách trong và ngoài nước. Sắp tới, 8 tỉnh Tây Bắc sẽ tiếp tục tăng cường quảng bá du lịch TP Hồ Chí Minh đến với người dân trong 8 tỉnh, từ đó giúp cho việc liên kết du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và 8 tỉnh Tây Bắc hiệu quả hơn”, ông Hà Văn Thắng cho biết thêm.

Tương tự, ông Bùi Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, vừa qua việc liên kết giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Bắc đã cho nhiều kết quả khả quan và đi vào thực chất hơn. Sắp tới, các tỉnh Tây Bắc cũng sẽ cam kết tăng cường hơn nữa thu hút du khách, kêu gọi các nguồn lực đầu tư đến với vùng Tây Bắc để giao thông thông suốt, sản phẩm du lịch đổi mới, nâng chất... nhằm giữ chân du khách trong nước, khách quốc tế lâu hơn. Đối với tỉnh Phú Thọ, tỉnh cam kết sẽ chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị tích cực hợp tác, hoàn thành mục tiêu đề ra; tăng cường đầu tư kết nối hạ tầng với các địa phương; xây dựng nhiều hơn nữa sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương để khai thác nguồn khách hai chiều hiệu quả và thiết thực, bền vững.

Theo báo cáo của Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, vừa qua các tỉnh Tây Bắc mở rộng luôn là điểm đến không thể bỏ qua của những du khách ưa thích mạo hiểm, muốn tìm đến thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ, trải nghiệm về văn hóa đặc sắc. Có thể thấy, có rất nhiều du khách ở TP Hồ Chi Minh và khu vực phía Nam đã đến và du lịch tại các trỉnh Tây Bắc mở rộng, nhất là trong các dịp lễ lớn và dịp hè nhờ các hoạt động quảng báo, chương trình kích cầu, sản phẩm du lịch mới... Cụ thể, trong 8 tháng qua, 8 tỉnh Tây Bắc và TP Hồ Chí Minh đã tổ chức được 16/25 hoạt động, thu hút hơn 40 triệu lượt khách du lịch, với tổng doanh thu du lịch gần 110.000 tỷ đồng.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ

Chia sẻ về hiệu quả liên kết du lịch với 8 tỉnh Tây Bắc, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, để sự liên kết du lịch đạt hiệu quả, các tỉnh, thành đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ tin vào việc quảng bá sản phẩm du lịch. Cụ thể, trong thời gian tới, các tỉnh, thành sẽ kiến nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho sử dụng chung một mã liên kết (Blockchain) nhằm tăng sức mạnh liên kết. Trong đó, TP Hồ Chí Minh sẽ nhận trách nhiệm tiên phong để triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin này.

"Sắp tới, TP Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch của 8 tỉnh Tây Bắc đến với thị trường nước ngoài, qua đó giúp du khách có nhiều lựa chọn điểm đến hơn khi đi du lịch tại Việt Nam", bà Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết thêm.

Du khách tìm mua các sản phẩm địa phương tại chợ Sapa, Lào Cai.

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, việc liên kết giữa TP Hồ Chí Minh và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng trong năm 2023 là hướng đến làm đa dạng hóa sản phẩm, không trùng lắp về dịch vụ và phong phú các trải nghiệm cho du khách. Như vậy, các địa phương được hưởng lợi chung, góp phần bảo tồn tài nguyên du lịch và giá trị văn hóa truyền thống, góp phần tạo nên sản phẩm du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm.

Ngoài ra, trong thời gian tới, TP Hồ Chí Minh và 8 tỉnh Tây Bắc cần tiếp tục phối hợp kêu gọi đầu tư về hạ tầng du lịch, trong đó tập trung vào dòng sản phẩm chủ lực của địa phương để đáp ứng phục vụ du lịch; nghiên cứu, quy hoạch và xây dựng dịch vụ giải trí đêm đạt tiêu chuẩn phục vụ du lịch để giữ chân du khách; ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá sản phẩm, giới thiệu điểm đến...

“Đặc biệt, các tỉnh, thành cũng cần chú trọng hơn về đào tạo nguồn nhân lực du lịch, bao gồm cả nhân lực lao động trực tiếp từ các cơ sở du lịch cộng đồng, người dân làm du lịch. Theo đó, ngành du lịch và các địa phương cần cung cấp thông tin các sản phẩm dịch vụ mới cho các công ty lữ hành để sớm xây dựng sản phẩm mới, chủ động giới thiệu điểm đến đáp ứng đủ tiêu chuẩn phục vụ du lịch. Nhất là, cần xây dựng chương trình hợp tác với những chính sách mở và theo chuỗi hợp tác để có khung giá chung, hợp lý, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm liên kết vùng”, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết thêm.

Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết: Chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa 8 tỉnh Tây bắc mở rộng và TP Hồ Chí Minh thời gian qua là sáng kiến có tính chiến lược, thể hiện sự chủ động, sáng tạo, tích cực và quyết tâm đẩy mạnh liên kết vùng, khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế về du lịch của mỗi địa phương, góp phần phục hồi, phát triển du lịch trong tình hình mới. Vì vậy, ngành du lịch TP Hồ Chí Minh và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng cần tiếp tục triển khai hiệu quả cơ chế liên kết giữa các thành viên của nhóm công tác; tập trung nguồn lực tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá để thu hút, khôi phục lại thị trường sau đại dịch; phối hợp chặt chẽ với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tăng cường hoạt động xúc tiến, quảng bá, đảm bảo sâu, rộng, đúng đối tượng; đồng thời, phát huy tiềm năng, điểm độc đáo trong sản phẩm du lịch tại mỗi địa phương, xây dựng tour - tuyến - điểm du lịch sáng tạo, đặc trưng giữa TP Hồ Chí Minh với 8 tỉnh Tây bắc mở rộng.

Bài 2: Du lịch vùng Đông Bắc nhiều tiềm năng

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/du-lich/tp-ho-chi-minh-gia-tang-hieu-qua-lien-ket-du-lich-bai-1-bat-tay-lam-moi-cac-san-pham-du-lich-tay-bac-20230921054732607.htm