Tp Hồ Chí Minh: Gỡ khó, thúc đẩy thực hiện 'mục tiêu kép'

Tp. Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải nhằm thực hiện 'nhiệm vụ kép' vừa ngăn chặn, xử lý tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn, vừa phát triển kinh tế.

Một góc Khu Công nghệ cao, hạt nhân của Khu đô thị sáng tạo phía Đông đang được TP Hồ Chí Minh triển khai. Ảnh: Hoàng Tuấn-Tiến Lực/TTXVN

Một góc Khu Công nghệ cao, hạt nhân của Khu đô thị sáng tạo phía Đông đang được TP Hồ Chí Minh triển khai. Ảnh: Hoàng Tuấn-Tiến Lực/TTXVN

Nhằm thực hiện "nhiệm vụ kép" vừa ngăn chặn, xử lý tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn, vừa phát triển kinh tế, Tp. Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; trong đó, tập trung vào các nhóm giải pháp như nỗ lực cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh; phát triển thị trường trong nước, kích thích tiêu dùng nội địa trong dịp Tết sắp tới.
*Phát triển mạnh thị trường trong nước
Theo Giám đốc Sở Tài chính Tp. Hồ Chí Minh Phạm Thị Hồng Hà, dưới tác động của dịch COVID-19, với sự năng động vốn có của cộng đồng doanh nghiệp thành phố đã kịp thời điều chỉnh mô hình kinh doanh, chuyển sang kinh doanh online, các loại hình kinh doanh trực tuyến, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Cơ cấu nhập khẩu hàng hóa cũng có tín hiệu tích cực, các nhóm hàng vật tư, nguyên liệu phục vụ cho sản xuất tăng trưởng khá so với cùng kỳ.
Để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, nhất là trong dịp cuối năm 2020 và Tết nguyên đán 2021, Tp. Hồ Chí Minh tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước, thực hiện có hiệu quả các giải pháp kích thích tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh phong trào "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Cùng với đó, đẩy mạnh các hình thức, phương thức kinh doanh khuyến khích tiêu dùng như kinh tế ban đêm, các hội chợ, triển lãm sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.

Người tiêu dùng mua hàng hóa tại hệ thống siêu thị Saigon Co.op tại Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Đặc biệt, Tp. Hồ Chí Minh vừa triển khai Chương trình khuyến mại tập trung – Tháng khuyến mại năm 2020 với chủ đề "Khuyến mại mùa vàng" nhằm đẩy mạnh tiêu dùng nội địa vào dịp cuối năm. Chương trình được triển khai kịp thời góp phần thúc đẩy tiêu dùng nội địa, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh để khắc phục tác động của đại dịch COVID-19, đồng thời đã tạo hiệu ứng và sức lan tỏa ra nhiều địa phương khác.
Song song đó, Tp. Hồ Chí Minh xây dựng kế hoạch dự trữ nguyên liệu và hàng hóa, đẩy mạnh sản xuất, phát triển điểm bán và tổ chức bán hàng lưu động kết hợp triển khai các chương trình khuyến mại... nhằm đảm bảo cân đối cung-cầu hàng hóa thiết yếu, giá cả ổn định đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Tân Sửu năm 2021.
Cụ thể, Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành, làm việc với các doanh nghiệp để chuẩn bị nguồn hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Các doanh nghiệp đã chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng Tết là hơn 19.679 tỷ đồng, tăng 652 tỷ đồng so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Canh Tý 2020.

Trong đó, giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là 7.132,6 tỷ đồng. Riêng tháng cao điểm phục vụ Tết, tổng giá trị hàng hóa của các doanh nghiệp chuẩn bị là 10.425,6 tỷ đồng, hàng bình ổn thị trường là 4.172,4 tỷ đồng.
Về thị trường xuất khẩu, Tp. Hồ Chí Minh thúc đẩy xuất khẩu theo hướng xác định cụ thể mặt hàng gắn kết theo từng thị trường, trong đó chú trọng đến các thị trường đã kiểm soát cơ bản được dịch bệnh và các thị trường mà Việt Nam ký kết các Hiệp định Thương mại Tự do như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)…
Cùng với đó, phối hợp Cục Xúc tiến thương mại, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương, Hiệp hội thương mại điện tử, hội ngành hàng, các sàn thương mại điện tử… xây dựng các chương trình thúc đẩy hình thức xúc tiến trực tuyến để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện hoạt động xúc tiến, bán hàng thông qua phương thức thương mại điện tử.
*Gỡ khó cho doanh nghiệp
Để tiếp tục phấn đấu đạt kết quả cao nhất các "mục tiêu kép", nhiệm vụ đề ra của năm 2020, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh Lê Thị Huỳnh Mai cho biết: Trong thời gian tới, Tp. Hồ Chí Minh chủ động phối hợp tích cực với các cơ quan Trung ương kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình triển khai và tổ chức thực hiện dự án, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản. Tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước, thực hiện có hiệu quả các giải pháp kích thích tiêu dùng nội địa; triển khai Chương trình khuyến mại tập trung.
Cụ thể, tiếp tục đẩy mạnh Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp. Trong đó, tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, nắm rõ tình hình, thực trạng các doanh nghiệp, chủ động giải quyết ngay các nội dung hỗ trợ thuộc thẩm quyền; hạn chế, giảm tối đa tần suất, số lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.

Hoạt động sản xuất tại Công ty cổ phần công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên, Khu công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: An Hiếu/TTXVN

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh chỉ đạo các ngân hàng thương mại đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động với các giải pháp như cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, khoanh nợ, giãn nợ… Cũng như phối hợp triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp bị tác động bởi dịch COVID-19 của Chính phủ, không để doanh nghiệp từ tạm ngưng hoạt động trở thành giải thể do thiếu vốn.
UBND Tp. Hồ Chí Minh cho biết, đối với hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn, các ngân hàng thương mại tập trung hỗ trợ 2 nhóm chủ yếu là giảm lãi suất và cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ, đạt 727.488 tỷ đồng cho 248.180 khách hàng; trong đó cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 171.971 khách hàng với dư nợ đạt 189.267 tỷ đồng, miễn giảm lãi cho 20.809 khách hàng với dư nợ đạt 53.702 tỷ đồng và cho vay mới lũy kế từ ngày 23/1/2020 cho 55.400 khách hàng với doanh số đạt 484.519 tỷ đồng.

Thành phố đã tiếp nhận 746 trường hợp doanh nghiệp bị ảnh hưởng thiệt hại do dịch COVID-19; trong đó, đang xử lý 23 trường hợp, đã có kết quả xử lý 723 trường hợp.
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Sở Du lịch nghiên cứu thực hiện các nhóm giải pháp tái cơ cấu, đào tạo lại nguồn nhân lực trong ngành du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu, định hướng lại thị trường khách du lịch và xây dựng các sản phẩm mới tái khởi động kinh doanh khi dịch bệnh được khống chế.
Cùng đó, tập trung triển khai các giải pháp khôi phục phát triển ngành du lịch thành phố, đẩy mạnh kích cầu du lịch nội địa, kết nối các địa phương cùng phát huy thế mạnh, tập trung các hoạt động xúc tiến phát triển thị trường du lịch. Sở Du lịch được giao đẩy mạnh việc triển khai các nội dung liên kết hợp tác phát triển với các tỉnh thành đã ký kết: 5 tỉnh vùng Đông Nam Bộ; 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long và tổ chức ký kết hợp tác liên kết phát triển các tỉnh vùng Tây Bắc, Đông Bắc và Trung Trung bộ.
Sở tiếp tục triển khai Đề án Du lịch thông minh nhằm tối ưu hóa hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá và mở rộng thị trường, tạo ra nhiều sản phẩm hấp dẫn để thu hút khách du lịch; khai thác các ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá trực tuyến để giới thiệu điểm đến thân thiện – hấp dẫn – an toàn.
Ngoài ra, Tp. Hồ Chí Minh cũng tăng cường tuyên truyền, nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến đến người dân, doanh nghiệp. Tiếp tục đổi mới phương thức làm việc của cơ quan hành chính nhà nước; nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông"; rút gọn đầu mối, rút ngắn thời gian tiếp nhận, xử lý và trả hồ sơ. Đảm bảo thời gian giải quyết thủ tục hành chính đúng hạn và sớm trước quy định.
*Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công
Một trong những vấn đề được Tp. Hồ Chí Minh đang tập trung tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ là quyết liệt đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công để kích thích sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cần thiết nhằm nâng cao sức cạnh tranh, hỗ trợ các hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, thu hút các nguồn vốn đầu tư xã hội khác.

Ngã tư Hàng Xanh - một trong những nút giao thông sầm uất và lớn nhất ở Tp. Hồ Chí Minh.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh, tổng số vốn đầu tư công đã giải ngân tính đến hết ngày 19/10/2020 được Kho bạc Nhà nước thành phố xác nhận là 23.778 tỷ đồng, đạt 56,4% tổng kế hoạch vốn thành phố đã giao (42.139 tỷ đồng). Nếu tính luôn khối lượng hoàn thành nhưng chưa thực hiện xong thủ tục giải ngân tại Kho bạc Nhà nước thành phố (khoảng 2.645 tỷ đồng) thì tỷ lệ giải ngân đạt là 62,7% kế hoạch vốn đã giao (42.139 tỷ đồng).
Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân năm 2020 từ 95% trở lên, UBND Tp. Hồ Chí Minh vừa ban hành chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng còn lại của năm 2020. Đồng thời, trong tháng 10/2020, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định điều chuyển 1.076 tỷ đồng của 433 dự án giải ngân chậm, giải ngân không đạt yêu cầu sang cho 141 dự án có tỷ lệ giải ngân cao.
Sở Tài chính tập trung đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn tối đa thời gian thẩm tra và phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành. Định kỳ hàng tháng báo cáo các vướng mắc và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện công tác quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình.
Về mặt thủ tục giải ngân, UBND thành phố yêu cầu Kho bạc Nhà nước thành phố thanh toán cho các dự án khi có đủ điều kiện giải ngân trong thời gian 4 ngày làm việc; phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư xử lý các vướng mắc phát sinh, rút ngắn thời gian kiểm soát chi đối với từng dự án; thường xuyên đôn đốc các chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện việc hoàn ứng theo quy định.
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND Tp.Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan yêu cầu chủ đầu tư các dự án vốn đầu tư công khẩn trương rà soát, báo cáo UBND Tp. Hồ Chí Minh những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp giải quyết. UBND thành phố giao Sở Tài chính tập trung đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn tối đa thời gian thẩm tra và phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành.
Định kỳ hàng tháng báo cáo UBND Thành phố các vướng mắc và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện công tác quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình. UBND các quận, huyện phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư đang thực hiện dự án trên địa bàn thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đáp ứng yêu cầu tiến độ của dự án và chịu trách nhiệm trước UBND thành phố nếu việc thực hiện dự án trên địa bàn chậm tiến độ./.

Hoàng Tuấn/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tp-ho-chi-minh-go-kho-thuc-day-thuc-hien-muc-tieu-kep/178855.html