TP Hồ Chí Minh hướng tới 'đại đô thị thông minh' đẳng cấp quốc tế

Ngày 5/5, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo khoa học về định hướng phát triển TP Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong khẳng định, TP Hồ Chí Minh xác định mục tiêu đến năm 2025 là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Một góc khu vực trung tâm thành phố.

Một góc khu vực trung tâm thành phố.

Hội thảo là một trong số những giải pháp để TP Hồ Chí Minh lắng nghe các ý kiến, hiến kế của chuyên gia nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển, vươn lên mạnh mẽ của TP Hồ Chí Minh, đưa thành phố hướng tới là một “đại đô thị thông minh”, năng động, sáng tạo, mang đẳng cấp khu vực và quốc tế.

Tại hội thảo, TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế cho rằng, quá trình phát triển TP Hồ Chí Minh trong 20 năm gần đây đã bộc lộ nhiều vấn đề đối với phát triển bền vững của một "siêu đô thị" mà đến nay không những không giải quyết được, mà ngày càng gay gắt hơn.

“Ngay từ những năm 1990, với định hướng về quy hoạch không gian đô thị theo hướng đa trung tâm với hệ thống giao thông kết nối theo đường vành đai để gắn TP Hồ Chí Minh với cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Song đến nay chưa có một tuyến vành đai nào dược hình thành trọn vẹn. Giao thông như vậy thì không thể nói chuyện liên kết vùng. Nếu không có sự đột phá vào giao thông liên vùng, TP Hồ Chí Minh sẽ bị bó và không phát triển được”, TS Trần Du Lịch nói.

Tư duy của TP Hồ Chí Minh là vùng đô thị và kinh tế vùng chứ không phải chỉ có riêng thành phố. Theo TS Trần Du Lịch, sự bất cập trong mô hình quản lý với một đô thị loại đặc biệt như TP Hồ Chí Minh cũng đã được nêu ra từ những năm 2000 bằng hình tượng là chiếc áo cơ chế chung đã quá chật nhưng phải đến gần đây thành phố mới được trao cơ chế đặc thù.

“Luật Tổ chức chính quyền địa phương có 3 cơ chế rất rõ, thế nào là phân cấp, thế nào là phân quyền, thế nào là ủy quyền nhưng trong các luật chuyên ngành thì không. Vì vậy cần rà lại những luật chuyên ngành liên quan, những gì cần phân cấp, những gì cần phân quyền, những gì cần ủy quyền cho TP Hồ Chí Minh trong từng lĩnh vực giúp thành phố có thể chủ động hơn”, TS Trần Du Lịch gợi ý.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho biết, hội thảo đã nhận được hơn 80 tham luận từ các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các trường đại học, các sở, ngành và doanh nghiệp. Các ý kiến đều đề cập đến khát vọng, triển vọng phát triển kinh tế TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn sắp tới.

Trong đó lưu ý thành phố phát triển theo hướng đô thị bền vững, đô thị thông minh; tập trung đẩy nhanh chính quyền số, xã hội số, nâng cao chất lượng dịch vụ công; định hướng cơ cấu kinh tế thành phố trên quan điểm kinh tế vùng, thể hiện vai trò hạt nhân trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Đông Nam bộ.

Các chuyên gia, nhà khoa học cũng cho rằng, chỉ có phát triển khoa học công nghệ, nâng cao năng suất lao động để tăng trưởng theo chiều sâu, tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó là triển vọng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phát triển đô thị thông minh, xã hội số.

Đ.Thắng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/thoi-su/tp-ho-chi-minh-huong-toi-dai-do-thi-thong-minh-dang-cap-quoc-te-640018/