TP. Hồ Chí Minh 'làm mới' Chương trình Hàng bình ổn

Chương trình Hàng bình ổn năm 2019 của TP. Hồ Chí Minh có nhiều doanh nghiệp (DN) lớn lần đầu tham gia và tiếp tục xã hội hóa, ưu tiên cung cấp hàng Việt Nam chất lượng cao cho người tiêu dùng.

Tiếp tục bảo đảm cân đối cung cầu thị trường

Đây là ý kiến của ông Phạm Thành Kiên - Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - tại Hội nghị sơ kết “Chương trình bình ổn thị trường năm 2018, triển khai kế hoạch năm 2019 - Tết Canh Tý 2020” diễn ra sáng ngày 29/3, tại TP. Hồ Chí Minh.

Chương trình Hàng bình ổn đã phát huy hiệu quả rõ nét trong 17 năm qua

Chương trình Hàng bình ổn đã phát huy hiệu quả rõ nét trong 17 năm qua

Theo ông Kiên, chương trình năm nay tiếp tục triển khai nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, bình ổn thị trường và góp phần thực hiện công tác đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời gắn liền với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Bà Nguyễn Huỳnh Trang - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - cho biết, năm 2019, có 79 đơn vị tham gia 4 chương trình bình ổn, gồm 38 DN lương thực, thực phẩm; 11 DN mùa khai giảng, 4 DN sữa, 14 DN dược, 12 tổ chức tín dụng.

Năm nay chương trình hàng bình ổn vẫn tiếp tục quy tụ nhiều DN lớn, trong đó có một số DN lần đầu tham gia như: C.P. Việt Nam (thịt gia súc, trứng gia cầm), Bình Minh (thịt gia cầm), Anh Hoàng Thy (thịt gia súc), Vinamit (rau củ quả tươi, trái cây sấy)…

Hàng hóa tham gia chương trình có 10 nhóm mặt hàng gồm: lương thực, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản, gia vị.

Phân tích kế hoạch cụ thể, bà Trang cho hay, các tháng thường, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 25-30% nhu cầu thị trường. Các tháng Tết, con số này nâng lên mức 30- 40%.

Ngoài DN sản xuất, kinh doanh, năm nay, chương trình có 12 tổ chức tín dụng đăng ký tham gia với tổng số vốn hỗ trợ đạt 19.650 tỷ đồng, lãi suất tương đương năm 2018 (ngắn hạn 5,5% - 7%/năm, trung và dài hạn 9-10%/năm).

“Lượng hàng phân bổ cho DN thực hiện bình ổn thị trường năm 2019 - 2020 dựa trên kết quả thực hiện năm 2018 - 2019, sự thay đổi trong tập quán, thói quen mua sắm, tiêu dùng của người dân thành phố và dựa trên kế hoạch sản xuất, kinh doanh tạo nguồn hàng, lượng hàng đăng ký của DN” - bà Trang thông tin thêm.

Nhiều nét mới

Theo Sở Công Thương thành phố, Chương trình Hàng bình ổn năm 2019 - 2020 có nhiều điểm mới. Cụ thể, chương trình sẽ tiếp tục triển khai sâu rộng các nội dung trọng tâm như kết nối cung - cầu, sơ chế tại nguồn đối với hàng nông sản thực phẩm, xây dựng các chuỗi cung ứng hiệu quả, hỗ trợ, tạo điều kiện nâng cao năng lực sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất theo tín hiệu, nhu cầu thị trường…

Bên cạnh đó, Sở Công Thương còn phối hợp Ban quản lý An toàn thực phẩm, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch triển khai thực hiện Chương trình Kết nối tiêu thụ thực phẩm an toàn, đặc sản vùng miền tại các hệ thống nhà hàng, khách sạn và điểm phục vụ du lịch.

Theo đó, các sở, ngành tổ chức xây dựng danh mục sản phẩm nông sản an toàn, đặc sản vùng miền, đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, được nuôi trồng, chế biến, sản xuất theo các quy trình hiện đại, khép kín, phù hợp. Các sản phẩm thuộc danh mục này sẽ được hỗ trợ kết nối tiêu thụ vào các hệ thống nhà hàng, khách sạn và phục vụ du lịch.

Ra đời được 17 năm, Chương trình Hàng bình ổn của thành phố đã đóng vai trò điều tiết tốt thị trường, là kênh mua sắm đáng tin cậy của người tiêu dùng. Tuy nhiên, các DN tham gia chương trình vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện như vay vốn, mặt bằng kinh doanh, lợi nhuận, khâu vận chuyển hàng hóa…

Là DN đi đầu trong thực hiện hàng bình ổn của thành phố nhiều năm qua, ông Nguyễn Trí Kiên - Tổng giám đốc Công ty TNHH may túi xách Minh Tiến (MiTi) - cho biết, mặt bằng kinh doanh hiện nay tăng giá gấp đôi so với trước đây không lâu. Ngoài ra, hàng bán vào siêu thị thực tế không có lãi vì chiết khấu cao và thực hiện khuyến mại sâu.

MiTi đầu tư công nghệ để sản xuất ba lô chống gù lưng cho học sinh và được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trên thế giới, nhưng ba lô chống gù lưng của Trung Quốc, Nhật Bản (thực tế không có chức năng này) bày bán tràn ngập các cửa hàng và hệ thống bán hàng trực tuyến. Để bảo vệ DN, ông Kiên đề xuất Nhà nước cần có tiêu chuẩn về các loại hàng hóa đặc thù như ba lô chống gù lưng để bảo vệ nhà sản xuất trong nước.

Ông Nguyễn Minh Nhựt - Giám đốc ngành gạo nội địa của Công ty TNHH Gạo Vinh Phát WILMAR - cho hay, Vinh Phát hiện có hàng chục loại gạo chất lượng cao phân phối cho thị trường trong nước và xuất khẩu nhưng một kênh quan trọng là các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tại các trường học lại chưa kết nối được, mặc dù DN rất cố gắng.

Để đưa được sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm chất lượng vào được kênh nhà hàng, khách sạn, trường học, ông Nhựt cho rằng, bản thân DN tự làm rất khó thành công mà cần có sự phối hợp chặt giữa DN với ngành du lịch, ngành giáo dục bằng những hợp đồng thương mại, từ đó DN chỉ còn lo sản xuất ra những mặt hàng chất lượng và cung cấp đúng hạn.

Tổng doanh thu hàng bình ổn thị trường năm 2018 - 2019 của TP. Hồ Chí Minh đạt 30.652,4 tỷ đồng, tăng 9,84% so năm 2017 - 2018. Riêng 2 tháng Tết Kỷ Hợi 2019, doanh thu hàng bình ổn thị trường đạt 8.450,8 tỷ đồng, tăng 882,1 tỷ đồng (11,65%) so với Tết Mậu Tuất 2018. Nhiều nhóm hàng chuẩn bị lượng lớn, chi phối từ 32 - 58% nhu cầu thị trường.

Thế Vĩnh - Nguyễn Phượng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tp-ho-chi-minh-lam-moi-chuong-trinh-hang-binh-on-117625.html