TP Hồ Chí Minh nỗ lực trong phòng, chống thiên tai

Thực hiện Quyết định số 02 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai 2019 và kế hoạch số 66 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Bộ Xây dựng đã tổ chức đoàn kiểm tra theo sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương kiểm tra công tác phòng chống thiên tai tại TP Hồ Chí Minh.

Đoàn công tác Bộ Xây dựng đánh giá cao những nỗ lực của TP Hồ Chí Minh trong công tác phòng, chống thiên tai.

Tại buổi họp, đại diện Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Hồ Chí Minh đã báo cáo công tác phòng, chống, ứng phó thiên tai của TP Hồ Chí Minh năm 2019. Theo đó, năm 2019, TP Hồ Chí Minh đã chuẩn bị các phương án ứng phó với các loại hình thiên tai chính như bão, ngập lụt, động đất, sóng thần, phương án an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động trên sông, trên biển…

Các phương án đều được xác định khu vực xung yếu, vị trí an toàn để sơ tán, di dời dân, phương tiện, trang thiết bị và lực lượng dự kiến huy động ứng phó khi xảy ra thiên tai. Chuẩn bị phương án bảo vệ đê điều, hồ đập, công trình xung yếu; công tác khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai… TP Hồ Chí Minh cũng đã có kế hoạch ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu hộ đến năm 2020.

Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh tham gia vào công tác phòng, chống thiên tai thông qua chuyên môn, nhiệm vụ được giao. Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền biện pháp phòng, chống thiên tai theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng đến hộ gia đình, khu dân cư đô thị, nông thôn và các công trình xây dựng, các công trình có tác dụng phòng, chống thiên tai… thì Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý các công trình xây dựng lấn chiếm hành lang bảo vệ an toàn bờ sông, suối, kênh, rạch, mương, hồ… đảm bảo an toàn cho người, nhà ở, công trình xây dựng, an toàn giao thông trong mùa mưa bão năm 2019 và triển khai chương trình giảm ngập nước.

Sau khi nghe báo cáo, đoàn công tác đã đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong công tác phòng, chống, ứng phó thiên tai của TP Hồ Chí Minh.

Bên cạnh ghi nhận những cố gắng của TP Hồ Chí Minh về công tác phòng chống thiên tai, đại diện Tổng cục Phòng chống thiên tai đề nghị TP Hồ Chí Minh tiếp tục kiện toàn Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp; Cần đầu tư, nâng cao năng lực và cơ sở vật chất cho Ban chỉ huy phòng chống thiên tai TP Hồ Chí Minh, rà soát và củng cố, triển khai các hoạt động của lực lượng xung kích với mục tiêu năm 2020 được thành lập và hoạt động có hiệu quả.

Tính đến nguồn nước sạch cho người dân TP Hồ Chí Minh khi xảy ra thiên tai, bà Mai Thị Liên Hương – Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) đưa ra những vấn đề cần lưu ý: TP Hồ Chí Minh là hạ lưu của 2 con sông lớn vì vậy cần có phương án bảo vệ 16 tuyến đê và cần đảm bảo cấp nước sạch cho người dân khi xảy ra ngập lụt do hồ Trị An và Dầu Tiếng xả lũ gây ngập lụt; Cần phải đẩy mạnh công tác quy hoạch hệ thống thoát nước, đẩy nhanh việc đấu hệ thống thoát nước trong toàn thành phố.

Đoàn công tác Bộ Xây dựng đi thực địa tại cống ngăn triều rạch Gò Dưa.

Với vai trò đại diện cơ quan lập quy hoạch, Ths.TKS Nguyễn Thành Hưng - Phó Viện trưởng VIUP thì khẳng định: Quy hoạch và lồng ghép các giải pháp quy hoạch để ứng phó với các tai biến của thiên nhiên là quan trọng. Đây là giải pháp lâu dài, hiệu quả kinh tế cao hơn các giải pháp công trình nhưng phải có chiến lược sớm và kiên trì với chiến lược này. Giải pháp về quy hoạch và giải pháp công trình là 02 giải pháp cần luôn song hành.

TP Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế cả nước và cũng đi tiên phong trong công tác phát triển đô thị do vậy quy hoạch có tính đến việc ứng phó với các tai biến và tình hình bất lợi của thiên tai là rất cần thiết và TP Hồ Chí Minh cần là địa phương tiên phong.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phạm Minh Hà - Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước, Bộ Xây dựng khẳng định: Những việc đã làm được của Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Hồ Chí Minh trong hai năm 2018 và 2019 là rất nỗ lực và có giá trị cao. Tuy nhiên, với thực trạng do vị trí địa lý tự nhiên cùng biến đổi khí hậu, TP Hồ Chí Minh phải đối mặt với nhiều khó khăn như ngập lụt triều cường, mưa bão, sạt lở đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa cả về nhân lực và kinh phí của TP Hồ Chí Minh, đặc biệt cần giải quyết triệt để những vấn đề về đô thị như quản lý quy hoạch, hoạt động xây dựng.

Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương để hoàn thành nhiệm vụ theo chức năng của Ngành trong công tác phòng, chống thiên tai.

Sau buổi làm việc với Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đoàn công tác Bộ Xây dựng đã đi thực địa tại cống ngăn triều rạch Gò Dưa (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) và tuyến kè chống sạt lở khu phố 8, phường Linh Đông, quận Thủ Đức.

Mai Thanh

Theo

Link gốc:

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/tp-ho-chi-minh-no-luc-trong-phong-chong-thien-tai.html