TP.Hồ Chí Minh: Nông nghiệp công nghệ cao đem lại nhiều hiệu quả thiết thực

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP. Hồ Chí Minh luôn khuyến khích kêu gọi đầu tư nông nghiệp trong và ngoài nước trên địa bàn thành phố, tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và liên kết phối hợp với các tỉnh khác để tạo nguồn nguyên liệu ổn định và chất lượng cho người dân thành phố.

Đó là nhấn mạnh của ông Nguyễn Phước Trung – Giám đốc NN&PTNT TP. Hồ Chí Minh tại Hội nghị “Gặp gỡ doanh nghiệp nông nghiệp năm 2019”, với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao”, tổ chức sáng nay 12/9 tại TP.Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Anh Dũng – Chi cục trưởng Chi cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản vùng I cho biết, nông nghiệp Việt Nam có nhiều thuận lợi khi tham gia các hiệp định thương mại tự do FTAs. Cụ thể khi tham gia hiệp định thương mại tự do FTAS, các DN sẽ có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu với các mặt hàng chiến lược và có lợi thế nhờ các cam kết cắt giảm thuế quan; Đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp; Đa dạng hóa các thị trường đầu tư tiềm năng ở nước ngoài cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam, cơ hội thu hút đầu tư từ nước ngoài.

Ông Nguyễn Anh Dũng – Chi cục trưởng Chi cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản vùng I phát biểu tại hội nghị

Ông Nguyễn Anh Dũng – Chi cục trưởng Chi cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản vùng I phát biểu tại hội nghị

Ngoài ra khi tham gia các hiệp định thương mại sẽ giúp cho các DN tiếp cận tốt hơn với công nghệ, cải thiện năng lực quản lý, khả năng tự đổi mới của DN, nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa nhờ cắt giảm thuế nhập khẩu của Việt Nam và tuân thủ các quy định SPS và TBT.

Tuy nhiên theo ông Dũng, bên cạnh những lợi thế trên vẫn tồn tại một số thách thức như gia tăng cạnh tranh với hàng nhập khẩu do hàng rào thuế dần được cắt giảm. Quy định SPT/TBT hay quy định về truy xuất nguồn gốc của các nước nhập khẩu ngày càng chặt chẽ và cao hơn khi giảm thuế.

Bên cạnh đó, các DN tuân thủ các quy định của các nước nhập khẩu không đảm bảo chất lượng VSATTP mà còn các tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội, lao động…. Ngoài ra còn gặp nhiều thách thức trong kiểm soát gian lận thương mại.

Ông Dũng cho rằng, tùy theo mặt hàng nông sản xuất khẩu mà có những cơ hội và thách thức khác nhau. Cụ thể như xuất khẩu gạo, CPTPP và EU không phải là thị trường chính mà ASEAN và Trung Quốc là thị trường chính, trong khi CPTPP giảm thuế thì EU mở hạn ngạch dẫn đến khả năng cạnh tranh xuất khẩu gạo với Thái Lan. Tuy nhiên, về mặt hàng xuất khẩu gạo của các DN Việt Nam vẫn gặp một số thách thức như vẫn cạnh tranh với Thái Lan, Campuchia, Myanmar. Ngoài ra các DN nước ta còn gặp khó khăn trong tiêu chuẩn, chứng nhận chất lượng, thu nhập thấp không ổn định dẫn đến phải chuyển đổi…

Trong thời gian tới ông Nguyễn Anh Dũng cho rằng, các DN nông sản của Việt Nam phải tập trung phát triển thị trường, đẩy mạnh chế biến rau củ quả, thủy sản… Xây dựng chuỗi phân phối ra nước ngoài, xây dựng thương hiệu, mở cửa thị trường và thúc đẩy xuất khẩu. Phát triển và quản lý sản xuất, tăng quy mô, nâng cao năng lực cạnh tranh của gia trại, sản xuất theo chuỗi giá trị, kiểm soát chặt chẽ sử dụng hóa chất trong sản xuất…

Bên cạnh đó, cần thu hút FDI, công nghệ cao, đầu vào cơ bản, giống, công nghệ hỗ trợ… Nâng cao năng lực cạnh tranh DN trong nước. Hỗ trợ phát triển các chuỗi phân phối trong nước, thúc đẩy DN Việt Nam đầu tư sang các nước trong khối.

Tại hội nghị, đại diện phòng Khoa học Công nghệ, Sở NN&PTNT TP. Hồ Chí Minh đã hướng dẫn các văn bản thủ tục công nhận DN nông nghiệp và tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đang là thế mạnh của thành phố về chất lượng và giá bán như rau, hoa, sữa tươi, tôm, cá cảnh, heo, tổ chim yến

Ông Nguyễn Phước Trung – Giám đốc NN&PTNT TP. Hồ Chí Minh cho biết, những năm qua, Sở luôn coi trọng và ưu tiên chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học. Do đó, nhiều giống cây, vật nuôi, thủy sản có chất lượng cao, nhiều quy trình công nghệ sản xuất thâm canh tiên tiến được ứng dụng rộng rãi vào thực tiễn góp phần tăng năng suất sản lượng cây trồng, vật nuôi và nâng cao giá trị gia tăng.

Bên cạnh đó nhiều cơ sở công nghệ cao được xây dựng để thực hiện định hướng và đầu tư hoạt động nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố.

Theo Sở NN&PTNT TP. Hồ Chí Minh, giá trị sản xuất nông nghiệp 9 tháng đầu năm 2019 ước đạt 15.236,6 tỉ đồng, tăng 6,1% so cùng kỳ (các nhóm sản phẩm chủ lực chiếm tỉ trọng khoảng 60%/tổng giá trị sản xuất). Trong đó, trồng trọt ước đạt 3.728,1 tỉ đồng (tăng 5,9% so cùng kỳ), chăn nuôi ước đạt 5.415,4 tỉ đồng (tăng 3,8% so cùng kỳ) và thủy sản ước đạt 4.551 tỉ đồng (tăng 8% so cùng kỳ).

Về chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, 9 tháng đầu năm 2019 các quận huyện đã phê duyệt 208 quyết định, với 465 lượt vay, tổng vốn đầu tư 702,549 tỉ đồng, tổng vốn vay 360,850 tỉ đồng. Lũy kế từ năm 2011 đến nay, các quận huyện đã phê duyệt 8.258 quyết định, 24.281 lượt vay, tổng vốn đầu tư 13.214,081 tỉ đồng, tổng vốn vay 8.021,598 tỉ đồng.

Hoàng Tỷ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tpho-chi-minh-nong-nghiep-cong-nghe-cao-dem-lai-nhieu-hieu-qua-thiet-thuc-125103.html