TP Hồ Chí Minh: Quyết tâm xây dựng Khu đô thị sáng tạo

Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, tăng năng suất lao động, trở thành hạt nhân của Cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam, TP Hồ Chí Minh đang quyết tâm xây dựng Khu đô thị sáng tạo tại phía Đông thành phố bao gồm 3 quận: Thủ Đức, quận 9, quận 2.

Ba "mỏ neo" quan trọng

Dù chưa chính thức triển khai nhưng thông tin xây dựng Khu đô thị sáng tạo, hiện đại, thông minh đã tạo ra niềm vui cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Bà Nguyễn Thị Thanh Nga, ngụ tại quận 9, TP Hồ Chí Minh cho biết: “Với người dân, việc hình thành khu đô thị sáng tạo sẽ có nhiều tác động tích cực. Nơi đây phần lớn lao động sẽ được trả lương cao, công việc yêu cầu lao động bậc trung và cao cấp. Các dịch vụ, tiện ích cuộc sống phục vụ những lao động này sẽ được xây dựng ở Khu đô thị sáng tạo và người dân sinh sống tại các khu vực lân cận sẽ được hưởng lợi”.

Việc hình thành Khu đô thị sáng tạo tại khu Đông TP Hồ Chí Minh dự báo sẽ tăng sức hấp dẫn đối với các kênh đầu tư.

Việc hình thành Khu đô thị sáng tạo tại khu Đông TP Hồ Chí Minh dự báo sẽ tăng sức hấp dẫn đối với các kênh đầu tư.

Hiện nay, chính quyền TP Hồ Chí Minh đã đầu tư hàng loạt công trình hạ tầng chiến lược để phát triển khu Đông như: Tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, đường Vành đai 2, 3, đường Liên Phường, Đại lộ Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh, đường Nguyễn Thị Định, Bến xe Miền Đông mới... Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh cũng đã và đang triển khai xây dựng tuyến đường sắt metro Bến Thành - Suối Tiên. Chính sự phát triển của hạ tầng đã trở thành động lực tích cực, thúc đẩy sự phát triển, kết nối giữa các phân khu thuộc Khu đô thị sáng tạo.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho biết: “Khu đô thị sáng tạo phía Đông của thành phố cần phát triển xoay quanh ba "mỏ neo" quan trọng bao gồm: Khu đô thị mới Thủ Thiêm định hướng xây dựng thành trung tâm tài chính quận 2, khu đô thị hiện đại, nhà hát lớn, trung tâm triển lãm; Khu công nghệ cao quận 9 với 136 dự án đầu tư, hơn 34.000 lao động, tổng giá trị đầu tư hơn 7 tỷ USD, xuất khẩu gần 10 tỷ USD năm 2018; Khu đô thị đại học, có 4 đại học lớn với 4.000 giảng viên, 1.500 tiến sĩ, 100.000 sinh viên. Trong bán kính 50km có 60 trường đại học, 500.000 sinh viên. Các "mỏ neo" này chính là điểm tựa để hình thành các phân khu của đô thị sáng tạo thông qua việc kết nối với nhau và kết nối với các đối tác khác cùng chia sẻ một tầm nhìn, một mục tiêu chung”.

Khu đô thị sáng tạo với dân số gần 1 triệu người sẽ làm hạt nhân để thành phố triển khai cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với 3 chức năng cơ bản gồm: Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ; trung tâm giáo dục - đào tạo nhân lực chất lượng cao; trung tâm sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ công nghệ cao.

Đẩy mạnh hợp tác, kết nối

Để xây dựng khu Đông thành Khu đô thị sáng tạo, TP Hồ Chí Minh cần phát huy thế mạnh của 372.000 doanh nghiệp đóng góp vào việc xây dựng các phân khu. Ông Trần Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Sao Bắc Đẩu cho biết: “Muốn phát triển Khu đô thị sáng tạo cần sự kết nối và đồng hành giữa các doanh nghiệp lớn, nhỏ và cộng đồng khởi nghiệp, giữa các khu vực, ngành nghề khác nhau.

Ngoài ra, Khu đô thị sáng tạo cũng nên đẩy mạnh phát triển theo hình thức nhượng quyền, tiếp nhận chuyển giao công nghệ sẵn có từ nước ngoài. Tiến sĩ Ahmad Magard - Tổng Thư ký Liên đoàn Sản xuất Singapore cho biết: “Các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ là một nguồn lực doanh nhân sáng tạo thông qua việc trở thành đối tác chiến lược với các công ty đa quốc gia, doanh nghiệp nước ngoài sản xuất và chuyển giao công nghệ”.

Chuyên gia Huỳnh Thành Đạt - Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng: “TP Hồ Chí Minh nên học tập Khu đô thị sáng tạo tại các nước phát triển. Họ luôn gắn khu đô thị với đại học nghiên cứu hay trung tâm đổi mới sáng tạo do đại học xây dựng.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong: “Muốn xây dựng thành công Khu đô thị sáng tạo, thành phố cần có sự gắn kết "bốn nhà", đó là Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học và nhà đầu tư tài chính. Trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm". Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong khẳng định, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, bảo đảm một môi trường kinh doanh thông thoáng, một khung pháp lý minh bạch; sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp và cung cấp cho doanh nghiệp những hỗ trợ tốt nhất khi họ "bắt tay" cùng chính quyền thành phố đầu tư, phát triển khu Đông.

Để đẩy nhanh tốc độ triển khai thực hiện Khu đô thị sáng tạo, mới đây, TP Hồ Chí Minh đã giao quận Thủ Đức phối hợp với các sở, ngành liên quan tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư của dự án Khu đô thị đại học. Cùng với đó, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh được giao chủ trì, phối hợp với Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh rà soát, nghiên cứu đề án quy hoạch khu Đông Bắc thành phố thành Khu đô thị sáng tạo.

TP Hồ Chí Minh: Quyết tâm xây dựng Khu đô thị sáng tạo

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/920108/tp-ho-chi-minh-quyet-tam-xay-dung-khu-do-thi-sang-tao