Tp. Hồ Chí Minh rút khoảng cách doanh nghiệp – chính quyền

Trải qua 20 năm hoạt động, Hệ thống đối thoại Doanh nghiệp - Chính quyền Tp. Hồ Chí Minh đã rút ngắn đáng kể khoảng cách giữa cộng đồng doanh nghiệp và lãnh đạo các sở, ngành.

Quang cảnh hội nghị tổng kết 20 năm Hệ thống đối thoại Doanh nghiệp – Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Xuân Anh - TTXVN

Quang cảnh hội nghị tổng kết 20 năm Hệ thống đối thoại Doanh nghiệp – Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Xuân Anh - TTXVN

Trải qua 20 năm hoạt động, Hệ thống đối thoại Doanh nghiệp - Chính quyền Tp. Hồ Chí Minh đã rút ngắn đáng kể khoảng cách giữa cộng đồng doanh nghiệp và lãnh đạo các sở, ngành Tp. Hồ Chí Minh; trở thành kênh cung cấp thông tin về chính sách, phản ánh - tiếp nhận các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố.

Đây là chia sẻ của các đại biểu tại Hội nghị tổng kết 20 năm Hệ thống đối thoại Doanh nghiệp – Chính quyền thành phố do Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức, ngày 18/11.

Cầu nối đắc lực

Hệ thống đối thoại Doanh nghiệp – Nhà nước được UBND Tp. Hồ Chí Minh giao ITPC phụ trách triển khai từ tháng 11/2002, đến năm 2010 đổi tên thành Hệ thống đối thoại Doanh nghiệp – Chính quyền Thành phố nhằm đáp ứng kịp thời việc tuyên truyền chính sách và giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp liên quan đến các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

Ông Trương Trọng Nghĩa, nguyên Giám đốc ITPC cho biết: Ngay từ thời điểm 2002, lãnh đạo Tp. Hồ Chí Minh đã nhận thấy việc thiếu kết nối thông tin giữa cộng đồng doanh nghiệp với lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước là hạn chế trong môi trường đầu tư kinh doanh.

Nguyên nhân xuất phát từ việc kinh tế đất nước vừa bước vào thời kỳ hội nhập, đội ngũ lãnh đạo chưa có kinh nghiệm trong việc tiếp xúc với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Mặt khác, cơ chế quản lý cũ cũng tồn tại một bộ phận cán bộ quan liêu, làm việc cứng nhắc, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo ông Trương Trọng Nghĩa, dù điều kiện công nghệ, trang thiết bị máy móc cách đây 20 năm rất hạn chế, thiếu thốn nhưng sự ra đời của cơ chế đối thoại doanh nghiệp – chính quyền thành phố đã đánh dấu bước ngoặt trong tư duy, quyết tâm thay đổi cách tiếp cận của lãnh đạo với cộng đồng doanh nghiệp nhằm xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh cởi mở, thân thiện hơn.

Ông Trần Phú Lữ, Phó Giám đốc phụ trách ITPC phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Xuân Anh - TTXVN

Ông Trần Phú Lữ, Phó Giám đốc phụ trách ITPC cho biết: Thời điểm bắt đầu hoạt động Hệ thống đối thoại Doanh nghiệp – Chính quyền Thành phố chỉ có 11 cơ quan Nhà nước tham gia trả lời, với 300 doanh nghiệp và hiệp hội đăng ký tham gia trong năm đầu tiên. Đến nay Hệ thống có 42 cơ quan Nhà nước tham gia và đang được Thành phố bổ sung nhiều cơ quan chức năng của Thành phố để tham gia giải đáp vướng mắc cho doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Tính đến tháng 10 năm 2022, Hệ thống hiện đã có 4.708 doanh nghiệp, hiệp hội đăng ký tham gia, với hơn 300 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đã nhận và trả lời hơn 20.550 câu hỏi qua mạng. Đồng thời, bình quân mỗi năm có ít nhất 12 hội nghị đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp trong nước và nước ngoài được tổ chức; mỗi hội nghị thu hút từ 250 đến 300 doanh nghiệp tham gia.

Lũy kế đến nay đã có 227 hội nghị đối thoại trực tiếp được tổ chức, liên quan đến các lĩnh vực như thuế, hải quan, đầu tư, thương mại, ngân hàng, lao động, bảo hiểm xã hội, công nghệ thông tin, giao thông vận tải, quy hoạch kiến trúc, tài nguyên và môi trường, xây dựng, nông nghiệp…, thu hút 35.120 lượt doanh nghiệp với 49.325 lượt người tham dự, tiếp nhận và giải đáp hơn 19.000 câu hỏi do các doanh nghiệp đặt ra, bình quân mỗi năm giải đáp hơn 2.000 câu hỏi liên quan đến nhiều lĩnh vực.

"Khi tham gia hệ thống đối thoại, doanh nghiệp đã thẳng thắn nêu lên những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải và được các sở, ngành UBND Thành phố giải quyết kịp thời, thấu đáo các vấn đề; từ đó từng bước xóa bỏ khoảng cách giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý. Các doanh nghiệp từ chỗ e dè, đối thoại mang tính hình thức đã mạnh dạn nêu các vấn đề mình quan tâm và đề xuất các giải pháp cho Thành phố.", ông Trần Phú Lữ nhận định.

Ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: Xuân Anh - TTXVN

Ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EUROCHAM) chia sẻ: Có thể nói hệ thống đối thoại doanh nghiệp – chính quyền là biểu trưng cho sự chủ động kết nối, thể hiện tinh thần cầu thị của lãnh đạo Tp. Hồ Chí Minh trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng tốt hơn.

"Là người tham gia hệ thống đối thoại ngay từ những ngày đầu tiên, tôi nhận thấy qua thời gian công tác đối thoại được cải tiến cả về hình thức lẫn nội dung. Các vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp được phản hồi trực tiếp, kịp thời, kể cả trong giai đoạn khó khăn do dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế sau đại dịch. Cho thấy sự cởi mở và sẵn lòng hợp tác của lãnh đạo thành phố. Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn sẽ có thêm nhiều cơ quan tham gia đối thoại và chia sẻ thông tin, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tìm được lời giải cho các vấn đề vướng mắc của mình.", ông Alain Cany chia sẻ.

Tiếp tục đổi mới

Bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AMCHAM) cho biết: Thông qua việc trao đổi thẳng thắn, cởi mở của cơ chế đối thoại các ý kiến của doanh nghiệp, nhà đầu tư được ghi nhận và giải quyết khá kịp thời. Thành công của Hệ thống đối thoại Doanh nghiệp – Chính quyền Tp. Hồ Chí Minh đã đóng góp đáng kể vào kết quả thu hút đầu tư doanh nghiệp của thành phố thời gian qua và sẽ tiếp tục phát huy trong thời gian tới.

Theo bà Mary Tarnowka, trải qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Tp. Hồ Chí Minh cho thấy khả năng thích nghi linh hoạt và phục hồi nhanh. Mặc dù tiếp tục chịu ảnh hưởng của suy giảm tiêu dùng trong nửa cuối năm 2022 và đầu năm 2023 nhưng Tp. Hồ Chí Minh vẫn được đánh giá có điều kiện để trở thành trung tâm đổi mới công nghệ, thu hút nguồn đầu tư vào các lĩnh vực đổi mới sáng tạo.

"Để khai thác hiệu quả các cơ hội, Tp. Hồ Chí Minh nên tiếp tục cải thiện các thủ tục liên quan đến cấp visa, khuyến khích quy trình đơn giản và nhất quán trong tiếp cận và giải quyết hồ sơ giấy phép lao động. Song song đó, đẩy nhanh đầu tư cơ sở hạ tầng kết nối với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, phát triển nguồn năng lượng sạch cũng như hạ tầng mềm cho startup nhằm thu hút đầu tư chất lượng cao trong thời gian tới." bà Mary Tarnowka nêu khuyến nghị.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi động trang thông tin đối thoại Doanh nghiệp - Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh bản cập nhật tại hội nghị. Ảnh: Xuân Anh - TTXVN

Bà Võ Thị Phương Lan, Phó chủ tịch Hiệp hội Logisstics Tp. Hồ Chí Minh khẳng định, nhiều năm qua cộng đồng doanh nghiệp được hưởng lợi rất nhiều từ hệ thống đối thoại doanh nghiệp – chính quyền thành phố. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay cũng đặt ra nhiều thách thức mới cho ngành logistics.

Theo đó, ngành logistics giữ vai trò quan trọng trong việc lưu thông và phân phối hàng hóa, kết nối hoạt động xuất khẩu, đóng góp 9,6% GRDP của Tp. Hồ Chí Minh nhưng hạ tầng logistics và giao thông hiện chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động; nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng. Nhu cầu nhân lực cho lĩnh vực logistics ngày càng tăng nhưng nguồn cung rất hạn chế, chỉ mới đáp ứng được 40% nhu cầu thực tế.

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp logistics đề xuất Thành phố nhanh chóng triển khai dự án xây dựng các trung tâm logistics; đồng thời quy hoạch, hoàn thiện các tuyến đường hành lang kết nối các cảng; đưa hạng mục đầu tư kho bãi, phương tiện, chuyển đổi số chuỗi cung ứng vào chương trình kích cầu. Đồng thời có phương án, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực logistics để phát huy lợi thế và tiềm năng phát triển dịch vụ thương mại của thành phố.

Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Xuân Anh - TTXVN

Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh cho rằng: Hệ thống đối thoại của Tp. Hồ Chí Minh là mô hình tiên phong trong việc đối thoại và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ đối thoại với doanh nghiệp. Hiệu quả hoạt động của hệ thống được khẳng định qua việc tạo được niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đối với môi trường đầu tư, kinh doanh của thành phố.

Ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh: Trong những năm tới, hệ thống đối thoại cần làm tốt hơn, mới hơn để phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp trong bối cảnh mới. Các, sở ngành, quận huyện phải xác định doanh nghiệp vừa là chủ thể vừa là đối tượng phục vụ của hệ thống đối thoại doanh nghiệp với chính quyền thành phố.

Về nội dung đối thoại, cần tập trung vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, phối hợp giải quyết các vấn đề liên thông nhiều đơn vị. Trong quá trình giải quyết vướng mắc cần xác định cơ sở pháp lý là quan trọng nhưng không cứng nhắc mà phải "thấu tình, đạt lý". Lắng nghe phải đi đôi với hành động, hành động nhanh - trả lời nhanh, không chỉ chờ đối thoại mới giải quyết mà giải quyết mọi lúc khi doanh nghiệp có khó khăn vướng mắc.

Đánh dấu chặng đường mới của Hệ thống đối thoại Doanh nghiệp – Chính quyền Thành phố, trang thông tin điện tử của hệ thống đã được bổ sung phiên bản tiếng Anh và đồng bộ cơ sở dữ liệu về kết quả tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị cũng như các đề xuất, hiến kế của doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Chỉ một cú click chuột, doanh nghiệp có thể đặt câu hỏi cho lãnh đạo UBND Thành phố và tất cả sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện mọi lúc, mọi nơi và nhận giải đáp trong 5 ngày làm việc. Doanh nghiệp cũng có thể đề xuất, hiến kế cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố cũng như cập nhật nhiều thông tin hữu ích về xúc tiến thương mại và đầu tư./.

Xuân Anh/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tp-ho-chi-minh-rut-khoang-cach-doanh-nghiep-chinh-quyen/269149.html