TP. Hồ Chí Minh: Số người lang thang xin ăn tăng 4 lần, có 64 người nước ngoài

Trong 6 tháng đầu năm 2023, TP. Hồ Chí Minh ghi nhận 496 trường hợp là trẻ em, người lang thang xin ăn trên địa bàn Thành phố, trong đó có 64 người nước ngoài.

Tại phiên thảo luận các vấn đề kinh tế - xã hội kỳ họp thứ 10, HĐND TP. Hồ Chí Minh khóa X, chiều 11/7, ông Lê Văn Thinh – Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh thông tin về công tác tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn trên địa bàn Thành phố.

Kỳ họp thứ 10, HĐND TP. Hồ Chí Minh khóa X

Theo ông Lê Văn Thinh, trong 6 tháng đầu năm, TP. Hồ Chí Minh ghi nhận 496 trường hợp là trẻ em, người lang thang ăn xin trên địa bàn thành phố. Trong đó có 280 người từ các tỉnh thành, 152 người tại TP. Hồ Chí Minh và 64 người nước ngoài.

Như vậy, so với cùng kỳ năm 2022, số người lang thang xin ăn tăng 4 lần. Điều này cho thấy dịch Covid-19 tác động rất lớn của lên đời sống người dân, người dân khó khăn tập trung về TP. Hồ Chí Minh nhiều hơn.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - thông tin: Từ năm 2017, Sở đã tham mưu trình UBND TP. Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 29 năm 2017 về việc quản lý người xin ăn không có nơi cư trú ổn định, người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú ổn định trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Ông Lê Văn Thinh – Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, thông tin về công tác tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh tại kỳ họp

Bên cạnh đó, căn cứ Nghị định số 20 ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, UBND TP. Hồ Chí Minh cũng đã ban hành Quyết định 812 ngày 10/3/2023 về quy định cơ chế phối hợp thực hiện công tác tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Trong đó, quy định rõ quy định cơ chế phối hợp thực hiện công tác tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác trên địa bàn Thành phố và trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và xã hội, ngành Công an Thành phố, UBND quận, huyện, TP. Thủ Đức và UBND các xã, phường, thị trấn.

Theo ông Lê Văn Thinh, từ đầu năm đến nay mặc dù các quận, huyện đẩy mạnh công tác tập trung nhìn chung tình trạng trẻ em, người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác tuy có giảm nhưng chưa đáng kể trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Một số địa phương vẫn chưa thật sự quan tâm đến công tác quản lý trẻ em, người lang thang, xin ăn, sinh sống nơi công cộng và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác trên địa bàn quản lý.

Ngoài ra, lực lượng chức năng, Tổ công tác của các địa phương thường chỉ tập trung tuần tra, kiểm tra vào những giờ cao điểm, giờ hành chính hoặc theo kế hoạch đã được định sẵn thời gian, địa điểm, người lang thang, xin ăn thường xuyên xuất hiện ngoài giờ hành chính, địa điểm là các giao lộ đông phương tiện giao thông, khu vực giáp ranh để đối phó lực lượng chức năng.

Đáng chú ý, các trường hợp có dấu hiệu chăn dắt khi bị phát hiện lập biên bản, xác minh xử lý thì chưa có căn cứ xác định dấu hiệu tội phạm dẫn đến việc điều tra, xác minh gặp khó khăn do đối tượng thường xuyên di chuyển giữa nhiều địa bàn và có sự thỏa thuận của người chăn dắt và đối tượng.

Về giải pháp trong thời gian tới, ông Lê Văn Thinh - cho biết: Sở sẽ tiếp tục ban hành các văn bản, đồng thời xây dựng kế hoạch phối hợp với các phường, xã, thị trấn giám sát, kiểm tra về công tác tập trung, xử lý tình trạng trẻ em, người lang thang xin ăn, xử lý và lập hồ sơ đưa vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội.

“UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các phường, xã, thị trấn kiên quyết, thường xuyên thực hiện công tác tập trung trẻ em, người lang thang, xin ăn tại các tuyến đường trong các dịp Lễ, Tết và các ngày cuối tuần trên địa bàn quản lý để xử lý kịp thời không để tái diễn” - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội đề nghị.

Cùng với đó, Sở đề nghị Tổ công tác tại các phường xã, thị trấn và các ngành chức năng tiếp tục phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ xã hội tăng cường lực lượng, rà soát, kiểm tra địa bàn. Đồng thời xây dựng quy chế phối hợp, thực hiện ký kết liên tịch liên phường, liên quận khu vực giáp ranh, tổ chức những đợt ra quân xử lý, kiểm tra đồng loạt đạt hiệu quả hơn vào những giờ cao điểm, giờ hành chính, buổi trưa và buổi chiều tối kể cả ngày thứ 7 và chủ nhật và những ngày đột xuất...

Minh Khuê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tp-ho-chi-minh-so-nguoi-lang-thang-xin-an-tang-4-lan-co-64-nguoi-nuoc-ngoai-261818.html