TP Hồ Chí Minh: Tàu du lịch được khai thác ở bến Bạch Đằng

Các tàu nhà hàng sẽ được cho phép cập bến Bạch Đằng vào buổi tối để phục vụ du khách.

Các tàu du lịch nhà hàng trên sông Sài Gòn sẽ được cập bến Bạch Đằng để đón khách mỗi tối

Các tàu du lịch nhà hàng trên sông Sài Gòn sẽ được cập bến Bạch Đằng để đón khách mỗi tối

Sẽ nhộn nhịp trên bến dưới thuyền

Sáng 25/10, Sở GTVT TP HCM tổ chức cuộc họp với các DN có hoạt động khai thác du lịch tàu nhà hàng trên sông Sài Gòn liên quan đến việc tổ chức khai thác các cầu cảng ở bến Bạch Đằng. Trước đó, UBND TP HCM đã đồng ý cho phép khai thác du lịch đường sông nội đô, kết hợp phục vụ ẩm thực về đêm, tại bến Bạch Đằng, quận 1.

Theo phương án Sở GTVT xây dựng, các tàu nhà hàng hiện nay đang neo đậu ở khu vực cảng Bến Nghé sẽ được quay trở lại bến Bạch Đằng để phục vụ du khách vào buổi tối trong khoảng thời gian từ sau 17h hàng ngày. Cụ thể, tàu Du lịch Sài Gòn (của Saigontourist) sức chứa hơn 600 hành khách sẽ cập bến tàu số 2 để phục vụ khách du lịch. Các tàu nhà hàng Hòn Ngọc Viễn Đông (198 khách), tàu Đông Dương 25, Đồng Dương 27 (98 hành khách) và các ghe Đông Dương nhỏ dưới 10 khách của Công ty Thuyền buồm Đông Dương sẽ cập bến tàu số 2 - nơi hiện là bến của tàu cao tốc GreenlinesDP đang khai thác.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP HCM yêu cầu Sở GTVT cùng các đơn vị liên quan đảm bảo mỹ quan đô thị trong quá trình khai thác, vệ sinh môi trường, ATGT đường bộ và đường thủy. “Nếu phát sinh nguy cơ không đảm bảo an toàn, Sở GTVT phải báo cáo để thành phố chấm dứt hoạt động khai thác tại các bến này”, ông Tuyến nói.

Vào thời điểm sau 17h, các chuyến tàu cao tốc từ TP HCM đi Vũng Tàu cũng hết thời gian hoạt động nên rất thuận lợi cho các tàu du lịch nhà hàng cập bến đón khách. Riêng tàu nhà hàng Eliza sẽ được neo đậu tại bến Nguyễn Kiệu chủ yếu vào dịp cuối tuần, cụ thể là vào thời gian từ sau 17h thứ sáu đến 5h sáng thứ hai. Ngoài ra các tàu chở khách, cano chở khách du lịch cũng được bố trí sắp xếp tại bến Bạch Đằng để chở khách đi theo các tuyến đến Củ Chi, Cần Giờ, Bình Quới một cách thuận lợi hơn.

Ông An Sơn Lâm, Giám đốc Công ty TNHH Thuyền buồm Đông Dương cho biết, thông tin thành phố cho phép các tàu du lịch nhà hàng quay trở lại cập bến Bạch Đằng để phục vụ khách du lịch khiến các DN rất mừng. “Khi các tàu du lịch nhà hàng cập bến Bạch Đằng sẽ hình thành nên một khu ẩm thực trên bến dưới thuyền rất nhộn nhịp phục vụ hành khách. Đây là điều kiện quan trọng để thúc đẩy du lịch đường sông của thành phố ngày càng phát triển”, ông Lâm nói.

Trong khi đó, ông Trần Song Hải, Tổng giám đốc Công ty CP GreenlinesDP, đơn vị được thành phố cho phép cải tạo đầu tư bến tàu số 2 cũng tỏ ra phấn khởi với quyết định mới. “Chúng tôi sẽ cùng các đơn vị bàn bạc, hiệp thương giờ cập bến như thế nào cho hợp lý, đảm bảo hoạt động khai thác an toàn, hiệu quả. Các tàu khi cập bến sẽ phải đóng một khoản lệ phí theo quy định của Nhà nước, đồng thời đóng góp một phần chi phí cho các dịch vụ mà đơn vị quản lý bến đã đầu tư”, ông Hải nói.

Lo giao thông đường bộ

Bến Bạch Đằng nằm tại số 2, đường Tôn Đức Thắng gồm bến cảng và công viên Bạch Đằng dài 1.325m, chạy dọc ven sông Sài Gòn, rộng 23.400m2 và đang là nơi tập trung vui chơi hàng đêm của người dân Sài Gòn. Trước đây, bến Bạch Đằng cũng là nơi cho phép tàu cao tốc, tàu nhà hàng du lịch cập bến đón, trả khách hàng đêm. Tuy nhiên, kể từ tháng 4/2015, UBND TP HCM đã ra quyết định chấm dứt hoạt động của các tàu cánh ngầm, ca nô du lịch, tàu nhà hàng... tại bến Bạch Đằng phải di dời để phục vụ việc cải tạo chỉnh trang. Nơi đây được kỳ vọng là trung tâm thương mại hiện đại bậc nhất Sài Gòn với nhiều tiện ích và có cả bến du thuyền đang được đề xuất xây dựng. Tuy nhiên, hơn 3 năm qua, công tác cải tạo bến Bạch Đằng gần như bất động, không thực hiện được gì, trong khi các tàu cao tốc, tàu du lịch phải chuyển sang khu vực bến cảng Sài Gòn ở quận 4 rất bất tiện cho việc đón, trả khách.

Sau khi các DN kiến nghị, Sở GTVT, Sở Du lịch đã có các phương án đề xuất, UBND TP HCM đã cho phép các tàu cao tốc, tàu du lịch trở lại hoạt động ở bến Bạch Đằng. Tuy nhiên, thời gian hoạt động cũng giới hạn tạm trong vòng 1 năm, sau đó các DN tự thực hiện di dời không bồi thường khi thành phố triển khai thực hiện quy hoạch bến Bạch Đằng.

Một trong những lo ngại của các đơn vị quản lý là việc tổ chức giao thông trên đường Tôn Đức Thắng khi cho phép các tàu nhà hàng hoạt động ở bến Bạch Đằng. Bởi, đường Tôn Đức Thắng thường xuyên quá tải, ùn tắc, trong khi đó lượng khách đi đến các tàu nhà hàng mỗi tối có khi hơn 1.000 khách. Cùng với đó, các phương tiện xe máy, ô tô, xe chở khách du lịch đi đến… sẽ làm giao thông ở khu vực này trở nên phức tạp.

Sở GTVT cho biết, đã có phương án tổ chức giao thông ở khu vực này. Theo đó các phương tiện trên 40 chỗ ngồi khi chở khách đến sẽ vào khu vực đón, trả khách ở bến tàu số 1. Xe trên 30 chỗ sẽ vào khu vực đón, trả khách ở bến tàu số 2. Các phương tiện chỉ vào dừng đón, trả khách trong thời gian ngắn, sau đó di chuyển đi đến chỗ khác đỗ. Hành khách đi bộ từ nơi đỗ xe đến tàu du lịch nhà hàng chứ không được dừng đỗ trên đường gây ùn tắc.

Phan Tư

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/tp-ho-chi-minh-tau-du-lich-duoc-khai-thac-o-ben-bach-dang-d276711.html