TP. Hồ Chí Minh thị trường bán lẻ hồi phục và tăng trưởng cao

Doanh thu thị trường bán lẻ hàng hóa TP. Hồ Chí năm 2022 đạt 625.520 tỷ đồng, tăng 136,5% so với năm 2021, ghi nhận sự phục nhanh và tăng trưởng cao.

Thị trường bán lẻ hồi phục và tăng trưởng cao

Báo cáo của Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh trong năm 2022, tình hình thị trường bán lẻ trên địa bàn khá sôi động, các đơn vị sản xuất, kinh doanh đã chủ động dự trữ, bổ sung hàng hóa, đa dạng chủng loại để đảm bảo phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Các cơ sở kinh doanh bán hàng song song cả hình thức trực tiếp và trực tuyến nên tổng mức bán lẻ hàng hóa gia tăng.

Bán lẻ hàng hóa kỳ vọng đạt tăng trưởng cao trong mùa mua sắm cuối năm và Tết Nguyên đán

Bán lẻ hàng hóa kỳ vọng đạt tăng trưởng cao trong mùa mua sắm cuối năm và Tết Nguyên đán

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 của thành phố đạt 1.089.446 tỷ đồng, tăng 30,5% so với cùng kỳ. Trong đó. doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 625.520 tỷ đồng, chiếm 57,4% tổng mức và tăng 20,5% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 84.805 tỷ đồng, chiếm 7,8% tổng mức và tăng 27,5%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 6.701 tỷ đồng, chiếm 0,6% và tăng 190,8%; doanh thu dịch vụ khác đạt 372.420 tỷ đồng, chiếm 34,4% và tăng 34,9% so với cùng kỳ.

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh trong năm 2022, các hệ thống phân phối trên địa bàn đã chủ động điều chỉnh, cải tiến mô hình hoạt động linh hoạt, thích ứng an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid -19 và ổn định, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, chủ động đón đầu xu hướng bình thường mới để mở rộng thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm dịch vụ.

Hạ tầng thương mại của TP. Hồ Chí Minh ngày càng phát triển văn minh, hiện đại, các phương thức giao dịch thương mại hiện đại (thương mại điện tử) ngày càng phổ biến, các hệ thống phân phối đã đẩy nhanh quá trình chuyển số đổi trong hoạt động quản lý, kinh doanh (thanh toán không dùng tiền mặt, triển khai các ứng dụng mua hàng trực tuyến, quản lý khách hàng...) để tăng sức cạnh tranh, mở rộng, tiếp cận khách hàng theo hướng đa chiều và nâng cao hiệu quả kinh doanh trong điều kiện bình thường mới.

Tính đến nay, hệ thống phân phối trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có 232 chợ, 03 chợ đầu mối, 237 siêu thị (106 siêu thị tổng hợp có kinh doanh thực phẩm và 131 siêu thị chuyên doanh), 46 trung tâm thương mại và 3.072 cửa hàng tiện lợi; các hệ thống phân phối... tất cả duy trì, đảm bảo khả năng cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trên địa bàn.

Cùng với đó, Sở Công Thương tiếp tục triển khai công tác bình ổn thị trường hàng hóa, nhằm hạn chế việc tăng giá hàng tiêu dùng, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm… Ngoài ra, nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu do Bộ Công Thương, sở Công Thương các tỉnh, thành phố tổ chức đã tăng cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất hàng hóa tiếp cận người tiêu dùng. Về phía các doanh nghiệp bán lẻ và cung ứng hàng hóa cũng đã nắm bắt tốt tín hiệu tiêu dùng trên thị trường hồi phục nhanh để có kế hoạch sản xuất kinh doanh và cung ứng hàng hóa kịp thời.

Thị trường bán lẻ dự báo sôi động trong năm 2023

Theo bà Vũ Thị Hậu - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam thị trường bán lẻ đang lấy lại đà tăng tốc sau, giá xăng dầu giảm giúp cho lạm phát được kiềm chế, giá tiêu dùng ổn định là yếu tố kích cầu tiêu dùng trong dịp cuối năm 2022 và Tết, đây là tín hiệu tích cực hứa hẹn thị trường bán lẻ tăng trưởng mạnh trong năm 2023.

Kết quả khảo sát doanh nghiệp bán lẻ do Vietnam Report thực hiện gần đây cũng cho thấy, đến nay trên 53,8% số doanh nghiệp bán lẻ đã đạt hiệu quả kinh doanh bằng và vượt mức trước đại dịch. Sự tăng trưởng của ngành bán lẻ đã đóng góp rất lớn vào sự phục hồi chung của nền kinh tế, bất chấp tình hình thế giới có nhiều bất ổn.

Bên cạnh đó, năm 2023, nhiều tín hiệu cho thấy hoạt động bán lẻ sẽ sôi động, không chỉ đối với doanh nghiệp trong nước, mà các nhà đầu tư nước ngoài cũng có kế hoạch mở rộng, tìm kiếm thêm mặt bằng mới để mở rộng hệ thống. Mới đây, Central Retail, nhà bán lẻ Thái Lan đã công bố sẽ đầu tư thêm 20.000 tỷ đồng vào thị trường bán lẻ Việt Nam trong 5 năm tới. Việc rót thêm vốn đầu tư nhằm thúc đẩy doanh số tại thị trường Việt Nam trong giai đoạn 2022 - 2026 lên 65.000 tỷ đồng, hướng đến mục tiêu kinh doanh đa kênh trong lĩnh vực thực phẩm và trung tâm thương mại. Nhiều nhà bán lẻ cũng đã và sẽ đưa vào vận hành trong thời gian tới như Thiso Mall, Central Premium Plaza, Vincom Megamall Grand Park, Sunrise City Central, Emart 2... tạo thêm sự sôi động cho thị trường bán lẻ TP. Hồ Chí Minh nhất là khu vực phía Đông thành phố.

Theo ông Phùng Trung Kiên - Nhà sáng lập Công ty Quản lý tài sản Vietnam Holdings Inc những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, nhóm doanh nghiệp ngành bán lẻ sẽ có được tốc độ tăng trưởng tốt hơn giai đoạn vừa qua, vì nhu cầu chi tiêu dịp cuối năm của người dân nhiều khả năng tăng dần. Trong đó, nhóm phục vụ hàng tiêu dùng có cơ hội tăng trưởng cao, vì gắn với việc đẩy mạnh doanh số bán hàng, nhất là dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Thanh Thanh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tp-ho-chi-minh-thi-truong-ban-le-hoi-phuc-va-tang-truong-cao-235746.html