TP Hồ Chí Minh: Thiết lập kỷ cương trật tự, an toàn giao thông

Năm 2019, TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai 7 nhóm giải pháp nhằm kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Trong đó, thành phố sẽ chú trọng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ thông tin, nâng cao ý thức chấp hành và hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông nhằm đẩy lùi các điểm đen về ùn tắc và tai nạn giao thông.

Khu vực cửa ngõ TP Hồ Chí Minh thường xuyên xảy ra tắc đường vào giờ cao điểm.

Khu vực cửa ngõ TP Hồ Chí Minh thường xuyên xảy ra tắc đường vào giờ cao điểm.

Giao thông cửa ngõ còn phức tạp

Những ngày cuối năm 2018, chị Lê Thị Hồng Yến (ngụ tại chung cư CitiHome, phường Cát Lái, quận 2) thường xuyên đi làm về muộn bởi tình trạng ùn tắc tại đường Đồng Văn Cống và Nguyễn Thị Định. “Thời điểm này lượng xe tải, xe container ra vào cảng Cát Lái vận chuyển hàng hóa tăng đột biến nên thường xuyên kẹt xe trên những tuyến đường này”, chị Yến phản ánh. Theo ghi nhận vào khoảng 17h30 chiều 26-12, tại ngã tư Đồng Văn Cống giao Phan Văn Đáng, xe ô tô nối đuôi nhau thành hàng dài hướng vào cảng Cát Lái, lực lượng Cảnh sát giao thông phải rất nỗ lực mới bảo đảm trật tự giao thông ở khu vực này.

Trong khi đó, tại các điểm thường xảy ra tai nạn giao thông, tình trạng xe gắn máy chạy vào đường ô tô trong giờ cao điểm vẫn diễn ra hằng ngày và trở thành các điểm đen về tai nạn giao thông. Đơn cử, một số điểm như cầu Sài Gòn, quốc lộ 1A, cầu vượt Sóng Thần... trước đó cũng liên tiếp xảy ra tình trạng xe gắn máy đi vào làn đường dành cho xe ô tô, khiến nhiều người thương vong. Mới đây nhất, ngày 17-12 đã xảy ra vụ tai nạn do xe gắn máy lưu thông vào làn đường ô tô trên cầu Sài Gòn (hướng từ quận Bình Thạnh sang quận 2) làm 1 người chết.

Theo số liệu từ Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn thành phố đang tồn tại 28 điểm nguy cơ ùn tắc giao thông. Trong đó có 14 điểm chuyển biến tốt, 7 điểm có chuyển biến phức tạp và 7 điểm không chuyển biến. Những điểm phức tạp của năm 2017 đã được kéo giảm trong năm 2018 như: Nút giao Mỹ Thủy (quận 2), ngã sáu công trường Dân Chủ (quận 3 và 10), giao lộ Phan Văn Trị - Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh), ngã tư Tây Hòa (quận 9 và Thủ Đức).

Về tai nạn giao thông, Ban An toàn giao thông thành phố cho biết, trong tháng 12-2018 trên địa bàn thành phố xảy ra 320 vụ, làm chết 53 người, bị thương 205 người. Theo Ban An toàn giao thông, thời gian qua trên địa bàn thành phố xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông dẫn đến chết người, nhất là các tuyến đường cửa ngõ, các tuyến có lưu lượng xe tải nặng, xe container đông. Nguyên nhân chủ yếu do người điều khiển mô tô, xe gắn máy đi vào làn đường dành cho xe ô tô.

Quyết liệt thực hiện 7 nhóm giải pháp

Theo dự báo trong năm 2019, quá trình đô thị hóa tại TP Hồ Chí Minh tiếp tục tăng nhanh cùng với sự tăng mạnh của phương tiện giao thông cá nhân sẽ tiếp tục gây quá tải hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông đô thị.

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh cho hay, năm 2019, Sở sẽ tập trung triển khai 7 nhóm giải pháp nhằm kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông gồm: Hoàn thiện quy hoạch cơ chế chính sách và bộ máy quản lý nhà nước về giao thông đô thị; khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông hiện hữu; phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông; nâng cao hiệu quả hoạt động vận tải hành khách và vận tải hàng hóa, quản lý nhu cầu giao thông cá nhân; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và công nghệ thông tin trong hoạt động xây dựng, quản lý khai thác, điều hành giao thông vận tải; đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.

Cụ thể, Sở Giao thông - Vận tải sẽ tập trung nguồn lực phát triển vận tải hành khách công cộng nhằm thu hút người dân tham gia để hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân; tập trung bố trí vốn đầu tư cho các dự án thực hiện chương trình đột phá, dự án trọng điểm giải quyết tình trạng ùn tắc khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, khu vực trung tâm, các tuyến đường cửa ngõ, khép kín Vành đai 2...

Về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2019, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông thành phố cho biết, ngày 3-1-2019 tới, thành phố sẽ tổ chức lễ phát động ra quân năm an toàn giao thông 2019 và mở đợt cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và Lễ hội xuân 2019. Ban An toàn giao thông cũng đề nghị Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Công an TP Hồ Chí Minh), UBND, Ban An toàn giao thông 24 quận, huyện trên địa bàn chỉ đạo các đội, trạm cảnh sát giao thông tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi điều khiển mô tô, xe máy lưu thông trái phép vào làn đường dành cho xe ô tô.

Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ (xử phạt qua hình ảnh, thiết bị giám sát hành trình...) trong công tác kiểm tra, xử phạt các vi phạm về trật tự, an toàn giao thông; xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, không để tái phạm... Mặt khác là tăng cường tuyên truyền về sự nguy hiểm và hậu quả của hành vi vi phạm luật lệ an toàn giao thông, tuyên truyền cách nhận biết “điểm mù” của xe tải, xe container để người tham gia giao thông biết cách phòng tránh.

Hà Phạm

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/922802/tp-ho-chi-minh-thiet-lap-ky-cuong-trat-tu-an-toan-giao-thong