TP Hồ Chí Minh: Thiếu vốn đầu tư cho các công trình chống ngập

Ngày 9/8, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị mời gọi đầu tư các giải pháp chống ngâp và xử lý nước thải TP Hồ Chí Minh.

Sau gần 20 năm thực hiện các quy hoạch thoát nước, quy hoạch thủy lợi đến nay TP Hồ Chí Minh mới chỉ thực hiện được một phần nhỏ trong các mục tiêu đặt ra đến năm 2020. Trong khi đó, hàng trăm dự án, công trình chống ngập rất cần thiết nhưng nguồn vốn của thành phố rất hạn chế.

Thiếu tiền để chống ngập

Mặc dù là một hội nghị mời gọi đầu tư vào các dự án chống ngập và thoát nước nhưng thực tế, tại hội nghị chưa xuất hiện các nhà đầu tư lớn có thể tham gia đầu tư các dự án chống ngập.

Theo UBND thành phố, thời gian qua với những nỗ lực không ngừng của thành phố, tình trạng ngập nước đã dược kéo giảm và kiểm soát. Tuy nhiên đến nay hệ thống cống hiện có đạt 4.176/6.000km; cải tạo được 4 trục tiêu thoát nước chính với chiều dài 60,3km; hoàn thành 2/12 nhà máy xử lý nước thải; thực hiện được khoảng 64/149 km đê bao ven sông Sài Gòn... Cũng theo UBND thành phố, hiện nay nhu cầu đầu tư cho các công trình chống ngập là 96.327 tỉ đồng tuy nhiên nguồn lực hiện nay chỉ đáp ứng được 28%. Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách thành phố còn khó khăn, việc tăng vường thu hút đàu tư các nguồn lực trong và ngoài nước được xem là giải pháp hữu hiệu.

TP Hồ Chí Minh có hàng chục điểm ngập sâu sau mỗi trận mưa.

Ông Trần Vĩnh Tuyến – Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố muốn lắng nghe các đề xuất, giải pháp của các doanh nghiệp, đặc biệt là các giải pháp về công trình chống ngập. Thành phố mong muốn về công trình chống ngập rất nhiều, trong khi nguồn lực có hạn. Ông Trần Vĩnh Tuyến cũng nhắc đến một hạn chế của công tác chống ngập hiện nay đó là quy hoạch chống ngập cần phải thay đổi (do đã lạc hậu –PV). Sau hội nghị hôm nay, thành phố sẽ triển khai kế hoạch mời đầu tư vào các công trình chống ngập.

Về nguyên nhân tình trạng ngập của thành phố càng ngày càng nghiêm trọng, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng – Phó giám đốc Trung tâm điều hành các chương trình chống ngập cho rằng lượng mưa đã tăng đột biến trong thời gian qua. Trong vòng 40 năm từ 1962 đến 2001, trên địa bàn thành phố có 9 trận mưa kéo dài trên 3 giờ, vũ lượng trên 100mm, trung bình 4 năm mới xuất hiện 1 trận mưa lớn. Thế nhưng từ 2002 đến 2010 đã xuất hiện 21 trận mưa vũ lượng trên 100mm (2,3 trận/năm); từ 2011 đến 2016 có 20 trận mưa có vũ lượng trên 100mm (bình quân xuất hiện 4 lần một năm). Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng cho biết, thành ủy, UBND thành phố đã xác định chống ngập là một trong bảy chương trình đột phá, là nhiệm vụ lâu dài và xuyên suốt và cấp bách hiện nay. Qua hội nghị này thành phố hy vọng sẽ thu hút dược các tổ chức tài chính, các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước chung tay góp sức với thành phố để từng bước giải quyết tình trạng ngập nước, xử lý nước thải...

Phải thích ứng

Đại sứ quán Hà Lan gửi đến hội nghị mời gọi đầu tư vào các dự án chống ngập và xử lý nước thải trên địa bàn thành phố một tham luận rất hay, có được từ kinh nghiệm thực tế của chính Hà Lan.

Theo tham luận, TP Hồ Chí Minh đang bị sụt lún, dự tính mỗi năm mặt đất sụt lún 7cm. Mức độ sụt lún đang tăng nhanh mỗi năm. Đây là một hồi chuông báo động vì nó không đơn giản là một vấn đề mà còn là mối đe dọa hiện hữu đối với thành phố và người dân. Theo dự báo khoảng 30 năm, 50 năm hay 100 năm nữa một phần thành phố sẽ nằm dưới mực nước biển và trở thành đầm lầy.

Trong tham luận của Đại sứ quán Hà Lan cũng đặt ra một số câu hỏi làm thế nào để chúng ta đối phó với tình trạng bất định liên quan đến tương lai ảm đạm này ? Làm thế nào để chúng ta đảm bảo cho các dự án dầu tư nhằm xay dựng một quá trình chuyển đổi một cách thông minh và sáng tạo với mục tiêu thích ứng với cuộc sống mới ?

“Biến đổi khí hậu làm dâng mặt nước biển vài milimet mỗi năm nhưng về lâu dài thì tất đáng kể, cụ thể trong là trong thế kỷ tiếp theo... Sụt lún vài milimet mỗi năm nhưng rất đáng kể cho trung hạn, cụ thể là là thập kỷ kế tiếp..” – Tham luận của Đại sứ quán Hà Lan cảnh báo.

Trong tham luận của Đại sứ quán Hà Lan cũng đưa ra một cách tiếp cận mới mẻ: “Thành phố không phải là một cái máy, tốt nhất là tiếp cận nó như một sinh vật sống... Tại Hà Lan, chúng tôi tiếp cận đã phát triển các cách tiếp cận quản lý thích ứng để đảm bảo các thành phố và vùng đồng bằng có khả năng chống chọi với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu không thể dự báo.

HUY KHÁNH

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tpho-chi-minh-thieu-von-dau-tu-cho-cac-cong-trinh-chong-ngap-322744.html