TP Thanh Hóa quan tâm đầu tư công trình vệ sinh trong trường học

Những năm qua, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh, TP Thanh Hóa đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường học. Trong đó, một trong những hạng mục được ưu tiên đầu tư đó là các công trình nhà vệ sinh (NVS), bảo đảm sức khỏe học sinh, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong các nhà trường.

Nhà vệ sinh Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu sử dụng cho trên 900 học sinh.

Tại Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, cô giáo Chu Thị Hường, hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhà trường được đầu tư xây dựng NVS, với tổng diện tích khoảng 30m2, tuy nhiên do sử dụng lâu năm, cùng với đó là số lượng học sinh không ngừng tăng lên, không có nguồn kinh phí sửa chữa nên xuống cấp, khó khăn cho việc sử dụng của học sinh. Trước thực trạng trên, tháng 6-2018, UBND TP Thanh Hóa đã đầu tư gần 400 triệu đồng xây dựng NVS mới, với tổng diện tích khoảng 70m2, gồm 2 khu riêng biệt dành cho học sinh nam và nữ. Hiện tại, với việc đầu tư đồng bộ NVS, cùng với các trang thiết bị hiện đại đã đáp ứng nhu cầu của học sinh. Còn tại Trường Tiểu học Tân Sơn, do nhà trường được xây dựng từ hàng chục năm, nay đã xuống cấp, kéo theo đó là NVS cũng xuống cấp, trong đó NVS khu tầng 2 đã hỏng hoàn toàn. Hiện tại, với số lượng học sinh tăng lên khá nhiều so với trước đây, với trên 840 học sinh nhưng chỉ có 1 khu vệ sinh, với tổng diện tích trên 35m2. Chính vì vậy NVS luôn trong tình trạng bị quá tải, nhiều khi không đủ chỗ đi vệ sinh thì việc các em đi không đúng nơi quy định là khó tránh khỏi. Với số lượng học sinh hiện có, nhà trường còn thiếu khoảng 30 chậu rửa tay, bệ tiểu tiện và đại tiện. Trước khó khăn trên, các phòng, đơn vị liên quan của thành phố đã khảo sát và dự kiến trong năm 2019 sẽ xây mới một khu NVS cho nhà trường.

Tình trạng NVS xuống cấp, NVS không đạt chuẩn, thiếu NVS đang là thực trạng chung của nhiều trường học trên địa bàn tỉnh nói chung, TP Thanh Hóa nói riêng. Qua khảo sát của các phòng, ban, đơn vị chức năng, toàn TP Thanh Hóa hiện có 43/130 trường học cần phải được khẩn trương nâng cấp, cải tạo và xây mới NVS... Trước thực trạng trên, hàng năm trước khi vào năm học mới, UBND TP Thanh Hóa đều có văn bản chỉ đạo các xã, phường, trường học tập trung rà soát, đánh giá thực trạng công tác vệ sinh học đường tại các nhà trường để trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch cải tạo, xây dựng mới các NVS...

Ngày 27-8-2018, Chủ tịch UBND tỉnh có Chỉ thị số 15/CT-UBND về việc tăng cường công tác đầu tư, quản lý và sử dụng các công trình vệ sinh, cấp nước sạch trong các trường học trên địa bàn tỉnh. Trong đó yêu cầu việc xây dựng và quản lý các công trình vệ sinh, cấp nước sạch trong các trường học đảm bảo đạt tiêu chuẩn theo đúng quy định. Hiệu trưởng các trường, thủ trưởng các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm khẩn trương rà soát, đánh giá thực trạng các công trình vệ sinh, cung cấp nước sạch của trường, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch đầu tư cải tạo, xây dựng các công trình vệ sinh, cung cấp nước sạch và dự kiến kinh phí thực hiện, báo cáo cơ quan quản lý theo thẩm quyền. Đối với các phòng học xây dựng mới phải bố trí các công trình NVS gắn liền với nhà lớp học. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực hợp pháp; đồng thời, tiết kiệm nguồn kinh phí chi thường xuyên của đơn vị để thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, xây dựng các công trình vệ sinh... Thực hiện Chỉ thị số 15 của Chủ tịch UBND tỉnh, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố và các nhà trường đã chủ động rà soát, đánh giá thực trạng, đồng thời tham mưu cho Chủ tịch UBND thành phố và các xã, phường có các giải pháp ưu tiên nguồn vốn và kêu gọi các nguồn xã hội hóa thực hiện việc xây dựng mới và sửa chữa, cải tạo NVS. Trong đó, năm 2018 TP Thanh Hóa đã xây dựng mới được 55 NVS, sửa chữa, cải tạo được 109 NVS, với tổng kinh phí trên 5,4 tỷ đồng (trong đó ngân sách thành phố và các xã, phường trên 3,6 tỷ đồng, xã hội hóa trên 1,5 tỷ đồng, còn lại là của các nhà trường). Mặc dù thành phố đã tăng cường các nguồn lực cho việc xây dựng mới và sửa chữa, cải tạo các NVS, nhưng so với chi phí để thực hiện việc xây dựng mới và sửa chữa, cải tạo 43 NVS tại các trường học là rất lớn. Do vậy, để phù hợp với nguồn kinh phí, trước mắt năm 2019 thành phố sẽ bố trí nguồn kinh phí 10 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp, xây dựng mới các NVS tại những trường học đang bị thiếu và xuống cấp nghiêm trọng. Hiện, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng số 1 đang phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố rà soát thứ tự ưu tiên để triển khai thực hiện.

Duy Sơn

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/tp-thanh-hoa-quan-tam-dau-tu-cong-trinh-ve-sinh-trong-truong-hoc/103582.htm