TP Thanh Hóa - TP Hội An son sắt nghĩa tình

Trải qua 60 năm, tình đồng chí, anh em, cùng chia ngọt sẻ bùi giữa Đảng bộ, quân và dân hai TP Thanh Hóa - Hội An đã trở thành một trong những biểu tượng minh chứng cho chân lý 'Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một'. Trong công cuộc đổi mới và hội nhập hôm nay, hai thành phố đã, đang và sẽ phát huy truyền thống đoàn kết, mở rộng giao lưu, hợp tác, thắt chặt tình cảm sắt son, ruột thịt cùng vươn tới tương lai.

Màn trống hội tại “Tuần văn hóa” TP Thanh Hóa - TP Hội An năm 2019.

Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn cam go, ác liệt nhất, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra chủ trương kết nghĩa giữa hai miền Bắc - Nam, với mục đích thắt chặt thêm tình đoàn kết ruột thịt Bắc - Nam và tập trung mọi nguồn lực cho “Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”. Hòa chung khí thế của cả nước, hai tỉnh Thanh Hóa - Quảng Nam, ngày 12-2-1961, tại thị xã Thanh Hóa lễ kết nghĩa giữa thị xã Thanh Hóa và thị xã Hội An được tổ chức trọng thể, đánh dấu mốc son quan trọng trong chặng đường lịch sử phát triển quan hệ “son sắt nghĩa tình” của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân hai thị xã Thanh Hóa - Hội An (nay là TP Thanh Hóa - TP Hội An). Trong kháng chiến chống Mỹ, với khẩu hiệu “Miền Nam gọi miền Bắc trả lời, Hội An cần Thanh Hóa có”, thị xã Thanh Hóa đã chi viện sức người, sức của cho chiến trường Hội An, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp để Đảng bộ, quân và dân thị xã Hội An chiến thắng quân thù. Biết bao người con quê Thanh đã lên đường “Nam tiến” cùng quân, dân Hội An bảo vệ quê hương. Vào những năm tháng chiến tranh ác liệt, Nhân dân Hội An phải đương đầu với nhiều trận càn đẫm máu của lính Mỹ, với chân lý “Miền Nam là máu của máu Việt Nam là thịt của thịt Việt Nam”, trên quê hương Thanh Hóa, những chiến sĩ Hàm Rồng, Nam Ngạn, Yên Vực... đã bắn rơi hơn 100 máy bay Mỹ và anh dũng bảo vệ tuyến đường huyết mạch ra tiền tuyến. Cầu Hàm Rồng vẫn đứng hiên ngang nối đôi bờ sông Mã cho các đoàn xe nối đuôi nhau chở những đoàn quân, vũ khí, lương thực, thuốc men vào chiến trường miền Nam đánh Mỹ.

Với khát vọng hòa bình và niềm tin thắng lợi vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, từ năm 1961, Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa đã xây dựng nhiều công trình văn hóa ý nghĩa mang tên Hội An như rạp chiếu phim, công viên, thư viện để sau này thống nhất nước nhà sẽ tặng lại cho đồng bào Hội An anh em. Đặc biệt, trong những năm tháng chiến tranh ác liệt những bức thư sâu nặng nghĩa tình từ Thanh Hóa gửi vào, mỗi kỷ vật chiến tranh từ Hội An gửi ra là niềm tin, là nguồn cổ vũ tinh thần to lớn để Đảng bộ, quân và dân hai địa phương cùng ra sức thi đua lao động, chiến đấu và chiến thắng quân thù. Tiêu biểu là tháng 10-1968, Đảng bộ và Nhân dân thị xã Thanh Hóa đã gửi tặng Đảng bộ, Nhân dân Hội An lá cờ mang dòng chữ “Hội An anh dũng hiên ngang”.

Đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, hai TP Thanh Hóa - Hội An tiếp tục đồng cam cộng khổ, hỗ trợ, giúp đỡ nhau hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Với kinh nghiệm trong những năm xây dựng XHCN ở miền Bắc, Thanh Hóa đã giúp thị xã Hội An về cách thức quản lý xã hội. Cử cán bộ vào Hội An hướng dẫn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, như: Dệt chiếu cói, mành trúc, mây tre. Thanh Hóa cũng đã tặng 10.000 cuốn sách cho thư viện Hội An để cung cấp nguồn tri thức, cùng nhau xây dựng CNXH. Đó là những tài sản vô cùng quý báu trong buổi đầu thị xã Hội An đang hàn gắn vết thương chiến tranh, ổn định đời sống Nhân dân, kiến thiết và xây dựng quê hương với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn.

Những năm gần đây, tình cảm anh em Bắc - Nam ruột thịt nói chung và giữa hai TP Thanh Hóa - Hội An nói riêng ngày càng nồng ấm, nghĩa tình với những chuyến thăm thường xuyên giữa lãnh đạo hai địa phương, mở ra sự hợp tác về kinh tế, văn hóa, du lịch, khoa học, giáo dục và các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa. Qua đó, tiếp tục cổ vũ, động viên nhau hướng tới sự phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ hơn. Nổi bật đó là nhiều công trình văn hóa, giáo dục ghi dấu mối tình kết nghĩa giữa TP Thanh Hóa - TP Hội An đã được xây dựng ở hai địa phương. Nằm giữa trung tâm TP Thanh Hóa phải kể đến Công viên văn hóa Hội An, với phiên bản chùa Cầu, trụ biểu mang những nét đặc trưng của TP Hội An và nhà lưu niệm trưng bày những hiện vật của hai thành phố. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP Thanh Hóa đã dành tặng TP Hội An công trình Trường THCS Nguyễn Duy Hiệu, Thư viện Thanh Hóa, Trường Mầm non Tân An. Bên cạnh đó, năm 2020, TP Thanh Hóa tiếp tục hỗ trợ TP Hội An 300 triệu đồng để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và 320 triệu đồng để khắc phục những thiệt hại do bão lũ gây ra.

Trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước, trải qua từng giai đoạn lịch sử, bằng tinh thần lao động cần cù và sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân hai TP Thanh Hóa - Hội An đã đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu, ra sức thi đua lao động sản xuất, đẩy mạnh CNH, HĐH và giành được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực. 60 năm son sắt nghĩa tình Thanh Hóa - Hội An sẽ còn được tiếp nối và nâng lên tầm cao mới, bằng những việc làm thiết thực vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của Nhân dân, vì quyết tâm xây dựng TP Thanh Hóa - TP Hội An giàu đẹp, văn minh.

Hòa Bình

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/tp-thanh-hoa-tp-quang-nam-son-sat-nghia-tinh/132114.htm