TP. Thanh Hóa: Xây dựng nhà hàng ẩm thực trái phép trên đất nông nghiệp?

Mặc dù chỉ được UBND thành phố Thanh Hóa cho thuê đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế trang trại cá - lúa tổng hợp, thế nhưng ông Nguyễn Xuân Hương lại tự ý xây dựng nhiều hạng mục công trình và đưa vào kinh doanh nhà hàng ẩm thực. Việc xây dựng và sử dụng sai mục đích đất được thuê tới nay vẫn chưa bị xử lý.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 22/10/2014, UBND TP Thanh Hóa có Quyết định số 9698/QĐ-UBND về việc cho phép ông Nguyễn Xuân Hương, số nhà 29, đường Phan Huy Chú, phường Tân Sơn, TP Thanh Hóa thuê đất tại khu trại cá, thôn Thịnh Vạn, xã Quảng Thịnh, TP Thanh Hóa để thực hiện dự án trang trại kinh tế tổng hợp cá - lúa.

Cổng vào của Khu “trang trại” được xây dựng tráng bằng đá nguyên khối

Theo đó, UBND TP. Thanh Hóa cho phép ông Nguyễn Xuân Hương, thuê trên diện tích 70.373,5m2 đất tại khu trại cá, thuộc thôn Thịnh Vạn, xã Quảng Thịnh, TP Thanh Hóa, để sử dụng vào mục đích xây dựng khu trang trại kinh tế tổng hợp cá - lúa. Thời gian thuê đất kéo dài 50 năm, trả tiền thuê đất 01 năm/lần, trước ngày 01/12 hàng năm. Hợp đồng thuê đất đã được Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường Thành Phố Thanh Hóa - ông Đỗ Huy Tiếp ký.

Hệ thống nhà hàng ẩm thực được xây dựng kiên cố nằm ngay trong khu trang trại.

Trong đó, các hạng mục đầu tư, xây dựng trên thửa đất xin thuê bao gồm: cải tạo, đào ao, nuôi thủy sản, trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh, cây xanh đô thị tạo vùng đệm, nuôi cá. Ông Nguyễn Xuân Hương cam kết sử dụng đất đúng mục đích, chấp hành các quy định của luật đất đai, nộp tiền thuê đất và đảm bảo vệ sinh môi trường.

Tuy nhiên, thay vì sử dụng đúng mục đích được cho thuê, gia đình ông Nguyễn Xuân Hương đã tự ý xây dựng nhiều hạng mục công trình sai với nội dung cam kết theo như quyết định giao đất của UBND thành phố Thanh Hóa.

Hệ thống nhà hàng ẩm thực được xây dựng kiên cố nằm ngay trong khu trang trại

Cụ thể, cổng chính của trang trại được xây dựng bằng nhiều phiến đá nguyên khối, với những nét hoa văn tinh xảo, đồng thời đã trưng bày cả một không gian bảo tàng rộng lớn với nhiều hiện vật có giá trị. Phía bên trong khu trang trại xây dựng khu vui chơi giải trí, cùng nhiều loại cây cổ thụ có tuổi thọ hàng trăm năm tuổi có giá trị kinh tế cao. Một hệ thống nhà hàng được ngăn cách thành từng khu riêng biệt sang trọng cũng được xây dựng nằm ngay trong khu trang trại. Nhà hàng ẩm thực của ông Nguyễn Xuân Hương trở thành nhà hàng sang trọng, rộng bậc nhất TP Thanh Hóa.

Cây cổ thụ Linh Kỳ Mộc giá trị hàng tỉ đồng trong khuôn viên trang trại

Trao đổi với PV Báo Tài nguyên & Môi trường điện tử, ông Lê Trọng Giang - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường Thành phố Thanh Hóa cho biết: Nhà hàng ẩm thực mà phóng viên đang phản ánh, được UBND TP cho ông Nguyễn Xuân Hương thuê đất để thực hiện dự án trang trại kinh tế tổng hợp cá - lúa tại thôn Thịnh Vạn, xã Quảng Thịnh. Trong hợp đồng thuê đất, có điều khoản nếu muốn phát triển các hình thức đầu tư khai thác khác để phát huy hiệu quả kinh tế, chủ hộ phải có báo cáo UBND thành phố để xem xét và làm hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất. Cho tới thời điểm hiện tại hộ ông Nguyễn Xuân Hương vẫn chưa có báo cáo chuyển mục đích của trang trại. Việc xây dựng các hạng mục và đưa vào kinh doanh nhà hàng ẩm thực là sai với mục đích cho thuê đất.

Hợp đồng cho thuê đất với mục đích thực hiện dự án trang trại kinh tế tổng hợp cá - lúa

Được biết, ông Nguyễn Xuân Hương là em trai ruột của một lãnh đạo Thành ủy TP Thanh Hóa. 70 nghìn mét vuông đất nông nghiệp này hàng năm chỉ phải nộp tiền thuê đất là 32 triệu đồng.

Theo Điểm d, Khoản 1, Điều 57, Luật Đất đai 2013 quy định: Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Như vậy việc, ông Nguyễn Xuân Hương tự ý chuyển đổi đất nông nghiệp phát triển kinh tế trang trại sang đất kinh doanh nhà hàng ẩm thực là vi phạm Luật Đất đai. Rất mong Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND TP. Thanh Hóa sớm kiểm tra, xử lý nghiêm minh việc hộ ông Nguyễn Xuân Hương tự ý chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp để xây dựng, nhà hàng và các công trình khác khi chưa được các cơ quan chức năng cho phép.

Điều 57. Chuyển mục đích sử dụng đất

1. Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm:

a) Chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối;

b) Chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất nuôi trồng thủy sản nước mặn, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao, hồ, đầm;

c) Chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp;

d) Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp;

đ) Chuyển đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất;

e) Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở;

g) Chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ; chuyển đất thương mại, dịch vụ, đất xây dựng công trình sự nghiệp sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp.

Thanh Tâm

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/ban-doc/tp-thanh-hoa-xay-dung-nha-hang-am-thuc-trai-phep-tren-dat-nong-nghiep-1252959.html