TP Vinh xôn xao tin lấy nước sông ô nhiễm làm nước máy

Tỉnh Nghệ An ra công văn yêu cầu ngưng lấy nước sông ô nhiễm nhưng Công ty CP Cấp nước Nghệ An nói công văn không có giá trị pháp lý…

Những ngày qua, dư luận ở TP Vinh xôn xao bởi thông tin Công ty CP Cấp nước Nghệ An vào ban đêm lén lút bơm nước sông Đào (một nhánh của sông Lam, Nghệ An) để sản xuất nước sạch (nước máy) bán cho người dân TP Vinh và vùng phụ cận. Người dân lo ngại nước sông Đào ô nhiễm dẫn đến chất lượng nước máy sử dụng không đảm bảo. Trong khi đó, Công ty CP Cấp nước Nghệ An cho rằng nguồn nước sông Đào đảm bảo và việc sử dụng nguồn nước này sẽ hạ giá bán cho người dân.

“Chúng tôi không lén lút”

Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, ông Hoàng Văn Hải, Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Nghệ An, cho biết: “Chúng tôi không phải bơm lén lút mà có quyền được bơm. Từ cuối năm 2018, trong khoảng thời gian từ 22 giờ đêm đến 6 giờ sáng, chúng tôi bơm lấy nước sông Đào để súc rửa đường ống, vệ sinh trong Nhà máy Hưng Vĩnh. Và do trong giờ thấp điểm (nửa đêm), Công ty Cấp nước Sông Lam không cấp được nước thô đầu vào nên kể từ ngày 26-4, chúng tôi bơm nước sông Đào để sản xuất nước sạch ở Nhà máy Cầu Bạch. Việc này đã có văn bản thông báo cho phía Công ty Cấp nước Sông Lam”.

Để hiểu rõ về quy trình sản xuất nước sạch ở TP Vinh, PV Pháp Luật TP.HCM đã gặp ông Trần Việt Dũng, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Nghệ An, thành viên Ban chỉ đạo sản xuất nước sạch tỉnh Nghệ An. Ông Dũng cho biết nguồn nước sạch của tỉnh được cung cấp bởi Công ty CP Cấp nước Nghệ An. Theo đó, Công ty CP Cấp nước Nghệ An mua nước thô về để sản xuất nước sạch từ hai nguồn: Bơm trực tiếp từ sông Đào (phải trả 900 đồng/m3 nước thô cho Công ty Thủy lợi Nam Nghệ An); mua từ Công ty TNHH MTV Cấp nước Sông Lam (công ty này đầu tư đường ống bơm dẫn nước sông Lam về bán với giá 1.950 đồng/m3 nước thô).

Về chất lượng nguồn nước sông Đào, Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Nghệ An Hoàng Văn Hải khẳng định: “Nước thô đầu vào do Sở TN&MT tỉnh Nghệ An quản lý. Đến thời điểm này, chúng tôi không nhận được văn bản khuyến cáo nào về vấn đề nước sông Đào bị ô nhiễm. Chúng tôi thuê Trung tâm Y tế dự phòng Nghệ An thực hiện lấy mẫu nước thô đầu vào tại một số vị trí ở sông Đào và sông Lam. Kết quả cho chất lượng ngang nhau”.

Trạm bơm nước thô từ sông Đào (thuộc xã Nam Giang, huyện Nam Đàn, Nghệ An) của Công ty CP Cấp nước Nghệ An. Ảnh: ĐẮC LAM

Trạm bơm nước thô từ sông Đào (thuộc xã Nam Giang, huyện Nam Đàn, Nghệ An) của Công ty CP Cấp nước Nghệ An. Ảnh: ĐẮC LAM

“Lệnh” của tỉnh không có giá trị?

Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Tài chính Trần Việt Dũng khẳng định nước từ sông Đào ô nhiễm, không đảm bảo chất lượng. Từ tháng 9-2017, UBND tỉnh Nghệ An có Công văn số 6923 yêu cầu Công ty CP Cấp nước Nghệ An ngừng hoàn toàn bơm nước thô từ sông Đào mà sử dụng toàn bộ nguồn nước thô từ sông Lam trong sản xuất nước sạch phục vụ nhân dân TP Vinh và các vùng phụ cận. Công văn cũng yêu cầu công ty này tháo, cắt điện vận hành các trạm bơm trước ngày 15-9-2017 để người dân tiêu thụ nước sạch trên địa bàn yên tâm sử dụng nước theo đúng cam kết.

TP Vinh hiện có khoảng 550.000 dân (điều tra dân số năm 2018). Theo đề án “Phát triển TP Vinh trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung bộ” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từ nay đến năm 2020, TP Vinh sẽ mở rộng địa giới hành chính lên 250 km² với dân số 800.000-1 triệu người. Hiện nay, việc cung cấp nước sạch cho người dân TP Vinh phụ thuộc vào Công ty CP Cấp nước Nghệ An (Nhà nước chỉ nắm hơn 38% cổ phần). Năm 2014, thực hiện kêu gọi đầu tư của tỉnh, Công ty TNHH MTV Cấp nước Sông Lam được xây dựng và đến năm 2015 hoàn thành giai đoạn 1, công suất 200.000 m3 nước thô/ngày đêm cung cấp cho Công ty CP Cấp nước Nghệ An.

Như vậy, yêu cầu của UBND tỉnh Nghệ An đã không được Công ty CP Cấp nước Nghệ An chấp hành. Giải thích việc này, ông Lê Đình Hoan, thành viên HĐQT Công ty CP Cấp nước Nghệ An, cho biết đây là công ty cổ phần, không phải của Nhà nước mà phải chấp hành. “Công văn chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An mang tính chất định hướng chứ không có giá trị pháp lý bắt buộc thực hiện. Nó là quyết định hành chính mà quyết định muốn có giá trị thì phải có căn cứ nghị định nào, phải có căn cứ pháp luật, ý kiến đề xuất của bộ phận nào…” - ông Hoan lập luận.

Để làm sáng tỏ vấn đề, PV Pháp Luật TP.HCM đã tìm gặp ông Võ Văn Ngọc, Phó Giám đốc Sở TN&MT, ông Ngọc cũng xác nhận: “Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh tại công văn nói trên, chúng tôi đã có văn bản yêu cầu Công ty CP Cấp nước Nghệ An không bơm nước sông Đào bị ô nhiễm để sản xuất nước sạch nữa”.

Giải thích việc tại sao không thu hồi giấy phép khai thác nguồn nước sông Đào khi Công ty CP Cấp nước Nghệ An không chấp hành chỉ đạo của tỉnh, ông Ngọc nói là không thể vì trong trường hợp đường ống của Công ty CP Cấp nước Sông Lam gặp sự cố thì phải sử dụng trạm bơm của Công ty CP Cấp nước Nghệ An bơm nước sông Đào để sản xuất nước sạch tạm thời phục vụ người dân.

Cũng theo ông Ngọc, để giải quyết dứt điểm vụ việc này, Ban chỉ đạo sản xuất nước sạch tỉnh Nghệ An giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan đã lập đoàn công tác để làm rõ chất lượng nguồn nước sông Đào. “Chúng tôi sẽ sớm thông tin cho báo chí ngay khi có kết quả” - ông Ngọc nói.

Giá nước máy sẽ hạ khi dùng nguồn sông Đào?

Trao đổi với PV về việc người dân Nghệ An đang phải trả giá nước máy quá cao, trung bình 11.200 đồng/m3, ông Hoàng Văn Hải, Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Nghệ An, cho biết mức giá trên là do UBND tỉnh Nghệ An đưa ra. “Cũng như UBND tỉnh Nghệ An quyết định giá nước thô mà Công ty CP Cấp nước Sông Lam bán cho chúng tôi là 1.950 đồng/m3. Trong khi nếu cho chúng tôi bơm nước sông Đào thì giá nước thô hạ xuống chỉ còn 700-900 đồng/m3. Hiện chúng tôi đang đàm phán với Công ty CP Cấp nước Sông Lam để có giá nước hợp lý. Sau đó sẽ có văn bản đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh giá nước sạch cho người dân phù hợp mặt bằng chung, không để tiền này rơi vào một tổ chức hay nhóm nào khác” - ông Hải nói.

Giải thích về quy định giá nước thô bán cho Công ty CP Cấp nước Nghệ An, ông Trần Việt Dũng, Phó Giám đốc Sở Tài chính, cho biết: “Khi kêu gọi đầu tư, UBND tỉnh Nghệ An đưa ra giá cam kết với Công ty CP Cấp nước Sông Lam là 1.950 đồng/m3 nước thô. Hiện UBND tỉnh Nghệ An đã hủy bỏ cam kết trên và đang giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Công ty CP Cấp nước Sông Lam và các sở, ngành, đơn vị liên quan thống nhất dự thảo, thỏa thuận giá nước thô mới để ký kết”.

PV cũng đã tìm gặp ông Nguyễn Thế Tiến, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước Sông Lam, để xác minh năng lực cung cấp nguồn nước thô của công ty này. Ông Tiến khẳng định: “Trong quá trình vận hành, thời điểm cao nhất thì họ mới mua chưa đủ 50% công suất của chúng tôi. Cho nên bên Công ty CP Cấp nước Nghệ An cho rằng giờ thấp điểm chúng tôi không cung cấp đủ nước là không đúng”.

ĐẮC LAM

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/moi-truong/tp-vinh-xon-xao-tin-lay-nuoc-song-o-nhiem-lam-nuoc-may-840416.html