TPBank sẽ mua 4 triệu cổ phiếu của ORS: Lỗ nhưng vẫn đâm lao?

TPBank dự kiến mua 4 triệu cp phát hành riêng lẻ của ORS với giá 10.000 đồng/cp, tương ứng giá trị 40 tỷ đồng, trong khi giá thực trên sàn của ORS chỉ vỏn vẹn là 6.200 đồng/cp.

HĐQT Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank, HOSE: TPB) vừa thông qua phương án mua cổ phiếu trong đợt chào bán riêng lẻ của CTCK Chứng khoán Tiên Phong (ORS).

Cụ thể, TPBank dự kiến mua 4 triệu cp phát hành riêng lẻ của ORS với giá 10.000 đồng/cp, tương ứng giá trị 40 tỷ đồng. Sau giao dịch, ngân hàng này dự kiến sở hữu 9,09% vốn tại ORS và trở thành cổ đông lớn tại đây. Nguồn vốn thực hiện mua là vốn chủ sở hữu, thời gian trong quý 4/2019. Hiện, TPBank chưa nắm giữ cổ phiếu ORS nào.

Hiện, ORS có 4 cổ đông lớn gồm bà Vũ Lê Thùy Linh đang sở hữu hơn 9,2 triệu cổ phiếu ORS, tương ứng tỷ lệ 23,25%; bà Nguyễn Thị Minh Loan sở hữu 9 triệu cổ phiếu ORS tương ứng 20% vốn; ông Nguyễn Huy Minh sở hữu hơn 2,4 triệu cổ phiếu tương ứng tỷ lệ 6% và bà La Mỹ Phượng sở hữu hơn 2 triệu cổ phiếu ORS, tỷ lệ 5,13% vốn.

Được biết, tại ĐHĐCĐ thường niên 2019 diễn ra hồi tháng 4, cổ đông ORS đã thông qua phương án chào bán 10 triệu cp riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cp để tăng vốn lên 500 tỷ đồng.

Năm 2019, ORS lên kế hoạch doanh thu hoạt động giảm 73% so với kết quả thực hiện năm 2018 nhưng lợi nhuận trước thuế lại ở mức gần 51 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với con số lỗ năm trước.

Kế hoạch kinh doanh 2019 của ORS

Kế hoạch kinh doanh 2019 của ORS

Tiền thân của Chứng khoán Tiên Phong là Công ty Cổ phần Chứng khoán Phương Đông. Công ty cổ phần Chứng khoán Phương Đông được thành lập năm 2006 với số vốn điều lệ ban đầu 60 tỷ đồng và hoạt động trong lĩnh vực môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, tư vấn đầu tư, lưu ký chứng khoán. Năm 2007, Công ty này được công nhận là thành viên chính thức của Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh và Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội.

Từ năm 2010, Công ty Chứng khoán Phương Đông niêm yết cổ phiếu trên sàn HNX, tuy nhiên đã bị hủy niêm yết vào ngày 10/4 do lợi nhuận sau thuế bị âm 3 năm liên tiếp (thuộc diện bị hủy niêm yết theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 60 Nghị định 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 của Chính phủ), sau đó được giao dịch trên UPCoM từ ngày 17/4

Hồi tháng 4/2019, sau khi phát hành riêng lẻ 16 triệu cổ phiếu cho 2 cá nhân để tăng vốn từ 240 tỷ đồng lên 400 tỷ đồng, chứng khoán Phương Đông bất ngờ đổi tên thành Chứng khoán Tiên Phong và đổi luôn nhận diện thương hiệu. Đáng chú ý, logo của ORS thuộc bộ logo của Ngân hàng Tiên Phong. Tên viết tắt của công ty là TPS, tên giao dịch là TP Securites.

Cũng trong tháng 4, ông Đỗ Anh Tú - thành viên HĐQT, Phó Chủ tịch TPBank được bầu giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT Chứng khoán Tiên Phong nhiệm kì 2016-2021. Ông Tú là em trai ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch TPBank.

Đến thời điểm này đã cho thấy TPBank đưa ra tín hiệu rót vốn vào ORS. Và, thông qua logo và sự xuất hiện của ông Đỗ Anh Tú trong HĐQT TPS với vai trò Phó Chủ tịch HĐQT cho thấy dấu ấn của TPBank đứng "sân sau" của chứng khoán Tiên Phong.

Nhìn lại lịch sử, Chứng khoán Phương Đông trước đó đã bị "nhấn chìm" do bị tác động tiêu cực từ vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng bọn, nên thương hiệu và hoạt động của công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng. ORS đã phải trích lập dự phòng cho khoản phải thu 380 tỷ đồng từ vụ án Huyền Như.

Và, với mối quan hệ từ trước, TPBank là đơn vị rất thấu hiểu ORS và tình hình tài chính của công ty này. Ngân hàng này đặt ra tham vọng phát triển hệ sinh thái tài chính bên cạnh hoạt động ngân hàng thương mại bằng việc đầu tư mua công ty tài chính, góp vốn cổ phần công ty chứng khoán, thành lập công ty mua bán nợ.

Trên sàn UPCoM, dù giá cổ phiếu ORS đã tăng gần 70% trong vòng 1 năm trở lại đây nhưng thị giá hiện chỉ 6.200 đồng/cp (tính đến cuối ngày 03/10/2019), thấp hơn rất nhiều so với mức giá chào bán cho cổ đông chiến lược.

Hoàng Dung

Nguồn ANTT: http://antt.nguoiduatin.vn/tpbank-se-mua-4-trieu-co-phieu-cua-ors-lo-nhung-van-dam-lao-283279.htm