TPHCM cần sớm có 'sandbox' trong lĩnh vực kinh tế xanh

Trong bối cảnh TPHCM đang lên kế hoạch cho nhiều hoạt động chuyển đổi xanh, các nhà đầu tư mạo hiểm trong và ngoài nước cho rằng thành phố cần sớm có cơ chế đặc thù để rộng đường phát triển các công nghệ xanh.

Đây là thông tin chia sẻ tại buổi gặp gỡ của các đại diện quỹ đầu tư mạo hiểm với Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi và lãnh đạo Viện Kinh tế phát triển TPHCM, Sở Khoa học Công nghệ, trong khuôn khổ vòng thi chung kết “Thách thức Net Zero 2023”, do quỹ Touchstone Partners và Quỹ Temasek Foundation tổ chức chiều ngày 8-12.

Ông Phan Nhật Minh, Trưởng chi nhánh Việt Nam quỹ Gobi Partners (Malaysia), cho biết nhu cầu tìm hiểu về đầu tư xanh và ESG là rất lớn nhưng khái niệm cũng rất rộng. Trong khi đó, nhiều startup khi khởi nghiệp buộc phải đăng ký chọn lĩnh vực ngành nghề kinh doanh theo kiểu truyền thống. Thậm chí đa phần startup thuộc nhóm môi trường, vốn có một số điều kiện kinh doanh hạn chế với nước ngoài. “Do đó, cần có sandbox và cơ chế đặc thù như thế nào cho các công ty khởi nghiệp xanh”, ông Minh đề xuất.

Đại diện quỹ Touchstone Partners (ở giữa) đang phát biểu, bên trái là đại diện Temasek Foundation. Ảnh: V.D.

Tương tự, ông Trần Nhật Khanh, nhà sáng lập quỹ Touchstone Partners (Việt Nam), cho rằng TPHCM đã có nhiều vườn ươm, các mô hình tăng tốc khởi nghiệp, nhưng chưa có “Vườn ươm xanh” (“Green Hub”).

Đại diện quỹ Touchstone Partners vì thế cho rằng giải pháp khả thi là thành lập những green hub, tập hợp các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các nhà khởi nghiệp và các bên liên quan với nhau. Mô hình quản lý theo kiểu hợp tác công – tư này được kỳ vọng sẽ giúp cho việc giải quyết khâu thủ tục hành chính, các giấy phép con liên quan đến ngành nghề hoạt động, hoặc các nhà đầu tư nước ngoài có thể mang giải pháp xanh về trong nước dễ dàng hơn.

Hợp tác công – tư (PPP) trong việc xây dựng hạ tầng, cơ chế phát triển xanh cũng được nhà đầu tư ngoại nhắc đến. Ông Lim Hock Chuan, Giám đốc Chương trình Temasek Foundation (Singapore), khuyến nghị phát triển kinh tế xanh theo PPP và quỹ này sẵn sàng tham gia. “Tôi đề nghị TPHCM chia sẻ thông tin chi tiết hơn về các trụ cột chiến lược để nắm rõ khả năng có thể tham gia cụ thể ra sao”, ông nói.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng nhắc đến những khái niệm mới, chủ yếu là việc định nghĩa rõ ràng hơn trong từng lĩnh vực, ngành nghề liên quan đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chẳng hạn như chuẩn xanh cho tòa nhà, trái phiếu xanh, vướng mắc ở các thủ tục xuất nhập khẩu, các cơ chế hoạt động hay câu chuyện của năng lượng tái tạo, tín chỉ carbon.

Đồng tình với nhiều ý kiến của đại diện các quỹ đầu tư mạo hiểm, Chủ tịch Phan Văn Mãi nói rằng các bên liên quan có thể cùng phối hợp thiết kế khung sandbox cho mô hình “green hub” này, sao cho có thể “gọi được tên, được luật ghi nhận”, sau đó là cơ chế tổ chức, hoạt động. “Sandbox không chỉ có trong lĩnh vực tài chính”, ông nhấn mạnh.

Lãnh đạo TPHCM cũng nói thêm từ đầu năm 2024, TPHCM sẽ tiếp tục triển khai đẩy mạnh các công việc liên quan đến lĩnh vực kinh tế xanh. Ngoài ra, TPHCM cũng sẽ tập trung nghiên cứu để ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn xanh tiệm cận với chuẩn quốc tế.

Hiện nay, TP.HCM đang hoàn thiện khung chiến lược phát triển xanh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bốn trụ cột chính được xác định là nguồn lực xanh, hạ tầng xanh, hành vi xanh, xác định ngành và lĩnh vực ưu tiên.

– Alterno, sản xuất hệ thống lưu trữ năng lượng nhiệt giá rẻ sử dụng pin cát, chiến thắng hạng mục Năng lượng tái tạo và Trung hòa carbon.

– Forte Biotech, sản xuất các xét nghiệm chẩn đoán nhanh tại chỗ để phát hiện bệnh ở tôm, chiến thắng hạng mục Hệ thống lương thực và Nông nghiệp bền vững.

– AirX Carbon, sản xuất vật liệu thay thế nhựa từ chất thải sinh học với chi phí cạnh tranh, chiến thắng hạng mục Kinh tế tuần hoàn và Quản lý rác thải.

Ba đội trên giành được giải thưởng chung cuộc với tổng trị giá 15 tỉ đồng (không quy đổi cổ phần) để thí điểm các giải pháp chống biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

Ngoài ra, hai giải thưởng đầu tư trị giá 50.000 đô la Mỹ mỗi giải từ Quỹ Touchstone Partners (Việt Nam) và Quỹ East Ventures (Indonesia) cũng được trao cho đội Alterno và AirX Carbon. Tất cả chín đội tham gia chung kết Thách thức Net Zero cũng sẽ nhận được 10.000 USD (mỗi đội) từ Dịch vụ Web Amazon (AWS).

Khởi động từ 21-8, cuộc thi Thách thức Net Zero nhận được hơn 300 hồ sơ đăng ký từ 45 quốc gia trên toàn thế giới chỉ trong 7 tuần mở đơn. Hơn 30% trong số đó đến từ các đội ở ngoài Việt Nam. Hạng mục nhận được nhiều hồ sơ nhất là Hệ thống Thực phẩm và Nông nghiệp bền vững.

Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM (HIDS) là một trong những đối tác chiến lược của cuộc thi Thách thức Net Zero 2023, và sẽ đóng vai trò hỗ trợ 3 ý tưởng xanh được chọn trong việc thí điểm tại TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung, nhằm hỗ trợ triển khai thí điểm thành công trên diện rộng.

Dũng Nguyễn

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/tphcm-can-som-co-sandbox-tronng-linh-vuc-kinh-te-xanh/