TPHCM - Dấu ấn nỗ lực vượt khó vươn lên: Hưởng lương theo hiệu quả lao động

TPHCM có gần 30.000 cán bộ, công chức, viên chức. Như vậy, bình quân 1 cán bộ, công chức, viên chức phục vụ 287 người dân thường trú trên địa bàn; trong khi con số này của cả nước là 187 người dân.

Tại TPHCM, năng suất của lao động khu vực nhà nước gấp 1,5 lần những tỉnh, thành khác (ảnh chụp tại UBND quận 4, TPHCM)

Tại TPHCM, năng suất của lao động khu vực nhà nước gấp 1,5 lần những tỉnh, thành khác (ảnh chụp tại UBND quận 4, TPHCM)

Tương quan số liệu cho thấy năng suất phục vụ của lao động khu vực nhà nước ở TPHCM gấp khoảng 1,5 lần địa phương khác. Dù vậy, thu nhập của đội ngũ lao động trên chưa bao giờ “chạy đua” kịp với nhu cầu cuộc sống tại TP.

Thiếu trước hụt sau

Đầu năm nay, chị N.V.T. (35 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TPHCM) quyết định thôi việc ở UBND phường - nơi chị gắn bó từ khi tốt nghiệp đại học. Làm cán bộ phường, tính đến lúc nghỉ việc, chị T. nhận lương khoảng hơn 4 triệu đồng/tháng. Chị chia sẻ chồng chị làm nhân viên kiểm hàng trong doanh nghiệp, lương gần 10 triệu đồng/tháng. “Từ khi có con nhỏ, hai vợ chồng chắt bóp dữ lắm mới đủ tiền nuôi con. Ba năm nay, tôi nhận sửa quần áo tại nhà. Mặc dù vậy, khi con ốm, vợ chồng tôi phải vay mượn rồi tìm cách trả sau, chứ không có tiền dư dành dụm. Nếu lương cao thêm một chút thì chắc tôi không nghỉ việc”, chị T. than thở.

Hiện công chức nhận mức lương cơ sở là 1,3 triệu đồng. Ngoài ra, TP bổ sung thu nhập có nguồn gốc từ ngân sách, như tiền hỗ trợ họp, ăn trưa… Từ 2 - 3 năm, cán bộ, công chức, viên chức mới được tăng lương một lần. Mỗi lần tăng thêm vài trăm ngàn đồng.

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu, công việc cán bộ, công chức, viên chức đảm nhận mang đặc thù, trách nhiệm cao. Thế nhưng, mức lương trong khu vực hành chính sự nghiệp luôn thấp hơn những khu vực khác trong thị trường lao động. Ở doanh nghiệp, năng suất lao động và thu nhập là thước đo lẫn nhau. Trong khi đó, cơ quan nhà nước chú trọng bằng cấp, thâm niên trong căn cứ tính lương. Hệ thống bảng lương công chức, viên chức chưa phản ánh rõ giá trị cống hiến của người tài, lao động chuyên môn, kỹ thuật cao. Lương công chức, viên chức hiện tại không có tác dụng kích thích người lao động gắn bó với khu vực nhà nước, càng không có khả năng “cắm rễ” trong chiến lược thu hút nhân tài. Do thu nhập chưa đảm bảo cuộc sống nên một số cá nhân làm thêm công việc khác, dẫn đến tình trạng sao nhãng công vụ.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Sáu phản ánh trường hợp chị N.V.T. không phải là cá biệt. Nhiều cán bộ đoàn thể hay chính quyền cấp phường, thậm chí cấp quận - huyện ở TPHCM, phải làm thêm sau giờ hành chính. Thay vì 8 giờ thì họ làm việc từ 10 - 12 giờ/ngày. Hôm sau, họ đến cơ quan với tinh thần uể oải, thiếu nhanh nhẹn. Vì vậy, năng suất công việc không cao.

Tinh gọn nhưng vẫn hoàn thành công việc

Kiến nghị của UBND TPHCM nêu rõ: Thu nhập của người lao động, trong đó có cán bộ, công chức, viên chức, cần phù hợp với yêu cầu công việc và ngược lại; đặc biệt, cần tương đồng với hoàn cảnh sống. Với tốc độ tăng trưởng như thời gian qua, TP rất cần cơ chế mở trong chính sách chi trả lương khu vực nhà nước. Cụ thể, tiền lương tối thiểu ít nhất phải bằng tiền lương thấp nhất của người lao động đã qua đào tạo tại doanh nghiệp. Việc chi trả lương thông qua thang, bảng, bậc lương gắn với trình độ, chất lượng công việc…

Phương án chi trả lương theo năng suất, hiệu quả công việc sẽ góp phần khuyến khích người trẻ cố gắng phấn đấu, tạo động lực giúp người tài cống hiến. Một khi hưởng mức thu nhập xứng đáng, chắc chắn người lao động sẽ làm việc với tâm thế trách nhiệm hơn.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Sáu khẳng định thay đổi trong chính sách tiền lương sẽ khiến một số khúc mắc nảy sinh. Đơn cử, có bộ phận cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương do Trung ương chi trả nhưng phục vụ địa phương và hưởng lương theo ngành dọc (tòa án, viện kiểm sát…). Vậy, đối tượng trên sẽ nhận mức lương ra sao khi TPHCM áp dụng chính sách mới? Ông Nguyễn Đức Sáu cho rằng TP có thể nhất quán với cả nước, giữ nguyên cách tính lương căn bản. Song, TP tăng cường chính sách hỗ trợ tương xứng (tăng phụ cấp) cho những người có năng suất lao động vượt trội. Như vậy, lực lương lao động nhận lương ngành dọc sẽ có điều kiện hưởng mức thu nhập công bằng.

“Chính quyền TP cần đảm bảo tinh gọn bộ máy nhưng vẫn hoàn thành mọi đầu việc. Sau đó hãy nghĩ đến phương án tăng năng suất lao động. Trong đề án cụ thể về cách chi trả lương khu vực nhà nước, TP cần giải trình rõ vấn đề sử dụng nhân lực. Nói cách khác, người lao động trong khu vực nhà nước cần chứng minh bản thân xứng đáng hưởng lương cao thông qua hiệu suất, kết quả công việc. Không chỉ riêng cán bộ, công chức, viên chức mà tất cả những ai có đóng góp đưa ra hiệu quả phát triển kinh tế đều xứng đáng hưởng giá trị lao động cao hơn đồng lương cơ bản”, ông Nguyễn Đức Sáu góp ý.

Trong dự thảo nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách phát triển TPHCM nêu: Ngoài việc thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm theo quy định pháp luật hiện hành về cơ chế tự chủ tài chính đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, HĐND TP được quyền quyết định bố trí ngân sách TP chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do TP quản lý, với mức tối đa không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ.

KỲ LÂM

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tphcm-dau-an-no-luc-vuot-kho-vuon-len-huong-luong-theo-hieu-qua-lao-dong-484259.html