TPHCM: Hàng giả, hàng nhái vẫn lộng hành

Mặc dù lực lượng chức năng liên tục tổ chức các đợt truy quét hàng lậu, hàng giả tại các điểm kinh doanh lớn trên địa bàn với hàng ngàn sản phẩm vi phạm bị tịch thu, nhưng vấn nạn hàng giả tại TPHCM vẫn không được giải quyết một cách triệt để.

Lực lượng quản lý thị trường TPHCM lập biên bản xử lý vi phạm tại một điểm kinh doanh hàng lậu, hàng giả tại chợ Bến Thành. Ảnh: N.H

Lực lượng quản lý thị trường TPHCM lập biên bản xử lý vi phạm tại một điểm kinh doanh hàng lậu, hàng giả tại chợ Bến Thành. Ảnh: N.H

Liên tục bắt giữ

Thời gian gần đây, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM đã liên tục tổ chức các đợt truy quét hàng lậu, hàng giả, hàng nhái tại các chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn, tịch thu số lượng lớn hàng hóa vi phạm.

Gần đây nhất, ngày 6/11, 5 đội QLTT của Cục QLTT TPHCM đã kiểm tra 30 điểm kinh doanh thời trang tại Trung tâm Thương mại Saigon Square và chợ Bến Thành. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng QLTT phát hiện hàng nghìn mặt hàng thời trang gồm quần áo, giày dép, đồng hồ, túi xách, kính mắt mang đủ các thương hiệu nổi tiếng thế giới như: Louis Vuiton, Chanel, Dior, Longchamp, Rolex, Bvlgari, Chopard, Patek Philippe, Hermes, Franck Muller, Montblanc, MCM, Burberry… nghi là hàng hóa nhập lậu, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tất cả số hàng hóa trên đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không có đăng ký kinh doanh tại thời điểm lực lượng chức năng yêu cầu xuất trình để kiểm tra.

Trước đó, vào ngày 11 và 12/7, cũng tại hai địa điểm nêu trên 6 đội QLTT của Cục QLTT TPHCM đã đồng loạt kiểm tra các điểm nghi kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, thu giữ gần 2.000 sản phẩm là túi xách, ví, thắt lưng, đồng hồ, bút, giày dép, quần áo, mũ có dấu hiệu giả mạo các thương hiệu nổi tiếng thế giới, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không có đăng ký kinh doanh... Cuối tháng 8 vừa qua, qua kiểm tra đột xuất 15 điểm kinh doanh trên địa bàn thành phố, trong đó có Trung tâm thương mại chợ Nga tại quận 1 và Trung tâm thương mại dịch vụ An Đông ở quận 5, lực lượng QLTT TPHCM đã thu giữ hàng trăm sản phẩm giả thương hiệu The North Face, Uniqlo và Sensodyne với giá trị ước tính trên 61 triệu đồng.

Mặc dù lực lượng chức năng thường xuyên tổ chức các đợt ra quân, truy quét nhưng hàng giả, hàng nhái vẫn nhan nhản tại chợ Bến Thành và các trung tâm thương mại như: Saigon Square, An Đông Palaza, chợ Nga và rất nhiều các trung tâm thương mại có quy mô tương tự trên địa bàn thành phố. Qua các vụ việc điển hình nêu trên có thể thấy, việc kiểm soát, hàng gian, hàng giả tại TP.HCM đang là vấn đề rất nan giải.

Điều đáng nói là việc chống hàng giả, hàng nhái hiện nay chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”, khi lực lượng chức năng ra quân kiểm tra, xử lý, tịch thu hàng hóa thì hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng nhái co cụm, giảm bớt nhưng ngay sau khi lực lượng chức năng rút đi thì các điểm kinh doanh buôn bán hàng giả, hàng nhái lại bung ra hoạt động.

Khó giải quyết triệt để

Lý giải nguyên nhân của việc không thể giải quyết dứt điểm tình trạng kinh doanh hàng hàng giả, hàng nhái tại các tụ điểm nêu trên, một lãnh đạo Cục QLTT TPHCM cho biết, mặc dù biết rõ một số trung tâm thương mại có bán hàng giả, hàng nhái, vì tuần nào kiểm tra cũng phát hiện vi phạm nhưng lực lượng QLTT vẫn gặp không ít khó khăn trong việc kiểm tra, xử phạt. Bởi vì, dù đã nắm được thông tin nhưng khi tiến hành ra quân thì chủ sạp kinh doanh đó tẩu tán tài sản bằng cách đẩy qua các sạp bên cạnh. Khi lực lượng kéo đi thì chủ sạp đó lại treo lên bán tiếp. Hàng giả trông rất giống hàng thật nên không thể xác định ngay từ đầu mà cần phải có xác nhận từ đơn vị chủ hãng sản phẩm. Chỉ khi có xác nhận là hàng giả thì QLTT mới lập biên bản để xử phạt vi phạm hành chính.

Một nguyên nhân quan trọng khác giúp hàng giả, hàng nhái vẫn sống khỏe tại các chợ và các trung tâm thương mại là giá bán rất rẻ so với hàng chính hãng, trong khi về chủng loại, mẫu mã cũng không thua kém nhiều so với hàng thật. Theo ghi nhận tại chợ Bến Thành, Saigon Square, An Đông Plaza, Luky Plaza, Taka..., các sản phẩm giày thể thao giả nhãn hiệu Adidas, Nike, Reebok được bán với giá từ 100.000 đến 150.000 đồng. Các loại mắt kính, đồng hồ ghi các nhãn hiệu nổi tiếng RayBan, Chanel, Gucci, Dior; đồng hồ G-Shock, Burberry, Rolex, Longines; túi xách, ví da hiệu Louis Vuitton, Chanel, Gucci, The North Face… chỉ vài trăm nghìn đồng đến 1 triệu đồng/sản phẩm. Tại đây người tiêu dùng công khai bán hàng giả, hàng nhái và có rất nhiều người tiêu dùng sính hàng thương hiệu nên mặc dù biết là hàng giả, hàng lậu vẫn tìm đến mua.

Luật gia Phan Thị Việt Thu, Hội Bảo vệ người tiêu dùng TPHCM nhìn nhận, hàng giả, hàng nhái là vấn nạn kìm hãm sự phát triển kinh tế. Nếu người tiêu dùng vẫn có tâm lý ham rẻ, sính ngoại, biết hàng giả mà vẫn mua đồng nghĩa với việc tiếp tay cho hàng nhái, hàng giả tiếp tục có đất sống. Bên cạnh đó, dù bị kiểm soát gắt gao nhưng hàng giả vẫn tung hoành, vì lợi nhuận quá lớn. Thương nhân chỉ cần bỏ một số vốn nhỏ là có thể mua được hàng giả, hàng nhái về bán kiếm lời.

Để hạn chế tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa” trong việc chống hàng giả, hàng nhái, tại các chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn, ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, Sở Công Thương đã đề nghị ngay sau khi kiểm tra, xử lý các điểm vi phạm phải bàn giao lại cho các lực lượng và đơn vị quản lý tại chỗ như các ban quản lý chợ, ban quản lý siêu thị, trung tâm thương mại, các đội QLTT phụ trách và yêu cầu các lực lượng này phải hậu kiểm, giám sát không để cho các đối tượng có hành vi tái phạm...

Nguyễn Huế

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/tphcm-hang-gia-hang-nhai-van-long-hanh-115654.html