TPHCM - Hấp lực thủ phủ ẩm thực

Trong quá trình phát triển, TPHCM là bến đỗ của nhiều người phương xa đến lập nghiệp, cũng vì thế họ mang cả những món ăn vùng miền nơi quê hương đến với TPHCM.

Ở chốn đô thành này, món ăn gì cũng có, cũng ngon, và quan trọng hơn vẫn giữ được hương vị riêng của mỗi miền. Với sự phong phú, đa dạng của các món ăn, có thể nói TPHCM là thủ phủ ẩm thực cả nước.

Từ xóm nước đen đến phố ẩm thực
Chừng 25 năm trước, người dân TP có công việc phải đi ngang qua đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận), luôn lo ngại khi cung đường kéo dài gần 2km này tập trung nhiều tệ nạn, từ mại dâm đến trộm cắp... Con đường này lại chạy dọc kênh Nhiêu Lộc với dòng nước đặc quánh, mùi hôi thối nồng nặc, được gọi là “xóm nước đen”. Từ những năm 2000, chính quyền TPHCM đã ra quân bài trừ các tệ nạn trên cung đường này, quy hoạch nhà đất và cải tạo toàn bộ dòng kênh Nhiêu Lộc. Các đầm lầy, ao rau muống được san lấp, lau sậy được phát hoang và con đường Phan Xích Long được làm mới, mở rộng tới 30m thẳng tắp. Rồi hàng loạt chung cư được xây cho người dân tái định cư tại chỗ, đã khiến đường Phan Xích Long trở nên nhộn nhịp, sầm uất. Trục đường này còn sở hữu vị trí địa lý thuận lợi, là nơi giao nhau của các quận 1, 3, Bình Thạnh và Phú Nhuận.

Với vị trí thuận lợi trên, trục đường Phan Xích Long đã dần trở thành phố ẩm thực không chỉ của quận Phú Nhuận, mà của cả TPHCM. Đơn cử như quán hủ tiếu mực Ông Già Cali là địa chỉ quen thuộc của nhiều thực khách sành ăn. Quán nổi tiếng với món hủ tiếu mực hấp dẫn được chế biến theo công thức gia truyền, hải sản tươi ngon từ Phú Quốc giàu chất dinh dưỡng. Hay du khách có thể thoải mái lựa chọn những món dimsum, thịt quay, món xào, cháo trắng… cho bữa tiệc đậm chất ẩm thực Trung Hoa tại San Fu Lou. Một đại diện cho ẩm thực Singapore tọa lạc trên con đường này là cháo ếch Sentosa. Nhìn những miếng thịt ếch tròn lẳng, ngọt mềm, ngấm gia vị quyện với màu nâu của nước sốt đựng trong thố đất nóng bỏng, du khách khó cưỡng lại được. Về món Tây, tại Bò Vàng Steakhouse, các món ăn đặc sắc nhất của quán có thể kể đến là bò beefsteak, bò né, bò lúc lắc và lẩu bò Mỹ chua cay; mì Ý sốt bò bằm...

Đi dọc con đường, du khách có thể chọn các món nướng ở Sumo Barbecue, các nhà hàng BBQ Nhật Bản, nhà hàng Gogi House Hàn Quốc, món nướng Mông Cổ tại nhà hàng Ba Con Cừu, lẩu tự chọn ở Kichi-Kichi, pizza ở Domino, Pizza Hutt, gà rán ở Lotteria; hoặc cũng có thể chọn thưởng thức các món ăn truyền thống 3 miền của Việt Nam, như phở Hà Nội, bánh cuốn, bún chả Tây Hồ, mỳ Quảng, bún bò Huế hay bún chả cá Đà Nẵng hoặc Quy Nhơn, cơm gà Tam Kỳ, cơm tấm miền Tây…

Sau khi thưởng thức bữa tối, mọi người có thể dành thời gian thư giãn, đắm mình trong không gian âm nhạc và ngắm phố xá lên đèn ở các quán cà phê dọc con đường này. Có thể thưởng thức kem ở Bud’s, nhạc sống ở Udon, không gian đậm chất Pháp ở Boulevard, thưởng thức ly cà phê Hoa Kỳ ở Starbucks, âm nhạc trẻ trung ở Tea Cup, trà sữa Đài Loan; hay lạc lối vào thế giới phù phép của loạt truyện Harry Potter với “Thị Trấn 3 Cây Chổi”...

Chị Thu Dung, người sinh sống hơn 10 năm tại đường Phan Xích Long, hóm hỉnh cho biết: "Ở trên đường này, bước ra đầu hẻm là cái gì cũng có, bệnh viện, trường học, siêu thị, ngân hàng, trung tâm Anh ngữ, phòng gym... và dày đặc khách sạn, nhà nghỉ còn ăn uống hôm nay ăn món Huế, mai món Quảng, mốt bún mắm miền Tây. Ngán món Việt thì ăn món Thái, món Hàn, món Hoa, món Nhật, loại nào cũng có".

Một góc phố ẩm thực tại chợ Bến Thành. Ảnh: L.THANH

Bếp ăn thế giới
Có lẽ TPHCM là địa phương có đông người nhập cư nhất cả nước. Nơi đây có đầy đủ cư dân từ 63 tỉnh, thành, vì thế cũng hiện diện đầy đủ đặc sản của tất cả vùng miền Bắc - Trung - Nam. Nói đến chợ dành cho người miền Trung, chợ Bà Hoa ở quận Tân Bình nổi tiếng về các loại gia vị và món ăn của người Quảng. Cái tên thân thương “chợ Bà Hoa” là để nhớ đến người phụ nữ đầu tiên có công khai dựng nên khu chợ này. Những ngày đầu chợ chỉ bán vải nhưng dần về sau càng đông quầy hàng, càng nhiều thêm những đặc sản để cung cấp cho nhu cầu người dân. Không chỉ đến để tìm, mua đặc sản miền Trung, nhiều người còn đến để được nghe chất giọng xứ Quảng quê hương. Tại chợ ông Tạ chuyên bán đồ Bắc, ngoài những món ăn quen thuộc, còn có trái phật thủ, một loại trái cây khá đắt tiền và được người miền Bắc ưa chuộng chưng trên bàn thờ trong những ngày Tết đến, Xuân về.

Ẩm thực miền Bắc xuất hiện cũng khá lâu tại đường Hồng Hà và các con đường Trà Khúc, Tiền Giang, Cửu Long… (quanh khu vực Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình). Nơi đây nổi tiếng bởi sự sầm uất, nhộn nhịp của các cửa hàng, quán ăn do chính chủ quán ăn, cửa hàng là người miền Bắc vào Nam lập nghiệp. Rất nhiều món ngon đặc sản của thủ đô Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đã xuất hiện tại TPHCM, trở thành một phần trong nét ẩm thực không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực TP. Nổi tiếng nhất là món bún chả, nem cua bể, cơm Bắc, phở Hà Nội, bánh đa cua Hải Phòng… với hương vị miền Bắc thanh đạm, nhẹ nhàng.

Đối với món ăn các nước, tiêu biểu nhất là ẩm thực Trung Hoa xuất hiện từ lâu, khá phong phú, hiện diện hầu hết tại các quận 5, 6, 11, nơi tập trung người Hoa sinh sống. Điển hình như món vịt quay, heo quay trên đường Tạ Uyên, Bùi Hữu Nghĩa (quận 5); mỳ sủi cảo trên đường Hà Tôn Quyền (quận 11); nước sâm trên đường Nguyễn Trãi (quận 5), quán cơm Truyền Ký trên đường Lý Thường Kiệt… với hương vị đậm đà văn hóa, ẩm thực Trung Hoa.

Một khác biệt nữa các địa phương khác không có, là từ rất lâu TPHCM đã có những cộng đồng người nước ngoài như người Hoa, người Ấn, người Khmer sinh sống và những món ăn truyền thống theo cộng đồng cũng du nhập. Khi đất nước hội nhập sâu rộng, thêm nhiều cộng đồng cư dân của nhiều quốc gia khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia tới TPHCM sinh sống. Rồi cộng đồng du học sinh đi học ở Nga, Đức, Bỉ… cũng đem theo về nước những đặc sản từ các quốc gia đó. Từ những nhu cầu đó đã hình thành những ngôi chợ chuyên bán đặc sản cho người nước ngoài, như chợ Phạm Văn Hai chuyên bán đồ Hàn Quốc, chợ Võ Văn Kiệt có khu chuyên đồ Nga, chợ Lê Hồng Phong chuyên đồ Khmer, chợ Malaysia trên đường Nguyễn An Ninh. Rồi nhiều nhà hàng Ý, nhà hàng Nhật, nhà hàng Mexico, nhà hàng Thái… đua nhau mọc lên khắp các quận nội thành.

Đã nhiều năm qua, những món ăn truyền thống từ vạn nẻo miền quê, qua quá trình sàng lọc, ngon thì trụ lại tại đất Sài thành. Chưa kể, chính mảnh đất phương Nam này đã giúp những món ngon quê nhà có cơ hội phát triển, được tiêu chuẩn hóa từ chất lượng, vệ sinh đến cung cách phục vụ, để bắt nhịp với cuộc sống hiện đại, thậm chí còn trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của TP mang tên Bác.

Đức Trung

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/phong-su-sang-tac/tphcm-hap-luc-thu-phu-am-thuc-57574.html