TPHCM hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn bằng các giải pháp cụ thể

Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tại cuộc họp về tình hình kinh tế -xã hội của TPHCM 6 tháng đầu năm 2020 diễn ra ngày 23/7.

Quang cảnh buổi họp.

Quang cảnh buổi họp.

Tăng trưởng trong khó khăn

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng toàn cầu, khiến kinh tế Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng gặp nhiều khó khăn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 614.600 tỷ đồng, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 6 tháng, có 2.504 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, tăng 10,89% so với cùng kỳ; có 8.329 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, tăng 40,57% so với cùng kỳ. Trong đó, số doanh nghiệp giải thể và tạm ngưng hoạt động quý 2 tăng cao so cùng kỳ do chịu ảnh hưởng khó khăn của dịch Covid-19, xu hướng này có thể tiếp tục tăng mạnh trong các tháng tới.

Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 2,01 tỷ USD, bằng 65,27% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả, tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng chỉ ước đạt 163.173 tỷ đồng, giảm gần 15% so với cùng kỳ (trong khi tổng chi ngân sách địa phương đến 29.672 tỷ đồng, tăng hơn 22% so với cùng kỳ).

Trong 6 tháng, có 2.504 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, tăng 10,89% so với cùng kỳ; có 8.329 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, tăng 40,57% so với cùng kỳ. Trong đó, số doanh nghiệp giải thể và tạm ngưng hoạt động quý 2 tăng cao so cùng kỳ do chịu ảnh hưởng khó khăn của dịch Covid-19, xu hướng này có thể tiếp tục tăng mạnh trong các tháng tới.

Tuy nhiên, trong khó khăn, kinh tế TPHCM vẫn tăng trưởng dương nhờ một số điểm sáng như: Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp xuất qua cảng TPHCM (gồm cả dầu thô) trong 6 tháng qua ước đạt 19.087 triệu USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Sở dĩ kim ngạch xuất khẩu tăng là nhờ xuất khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư FDI tăng mạnh kéo kim ngạch xuất khẩu của cả TPHCM tăng theo. Cụ thể, trong khi khu vực kinh tế nhà nước xuất khẩu chỉ đạt 1.200 triệu USD (giảm 23,3%); khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt khoảng 5.240 triệu USD (giảm 6,4%) thì khu vực FDI đạt đến 12.644 triệu USD (tăng 15,7%).

Các ngành khác cũng có chỉ số dương như lâm sản, thủy sản tăng 3,11%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,88%; khu vực dịch vụ tăng 0,67%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 1,04%... nên đã kéo nền kinh tế vực dậy.

Hỗ trợ DN gặp khó bằng giải pháp thiết thực

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, "cú sốc” Covid-19 đã khiến ngành dịch vụ của THCM bị tác động mạnh, trong đó có lĩnh vực du lịch. Ngành dịch vụ chiếm trên 60% trong tổng cơ cấu kinh tế của thành phố. Năm 2019 du khách nước ngoài đến TPHCM có 8,6 triệu người, thời gian lưu lại bình quân 3,6 ngày, mức tiêu tiền bình quân 150 USD/người/ngày. Như vậy, 6 tháng đầu năm 2020, khi du lịch bị ảnh hưởng thì ảnh hưởng mạnh đến tổng cầu của TPHCM.

Mặt khác, TPHCM có tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 90% tổng số doanh nghiệp và đây lại là những doanh nghiệp dễ bị gãy đổ, ảnh hưởng do Covid-19.

Trước tình hình trên, theo ông Phong, từ nay đến cuối năm và xa hơn nữa, TPHCM vẫn triển khai nhiệm vụ kép là không để dịch bệnh bùng phát trở lại. Đồng thời, TPHCM tuy không hy vọng sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng như dự báo ban đầu là 8,3-8,5%/năm. Nhưng bằng mọi giải pháp, TPHCM phải hướng đến kịch bản tăng trưởng cao nhất là 5%.

Theo đó, vấn đề gỡ khó cho doanh nghiệp và đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công cần được triển khai quyết liệt. Theo ông Phong, hơn lúc nào hết, bây giờ là lúc phải hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp để họ vượt qua khó khăn; Không thể cứ nói đồng hành, hỗ trợ chung chung mà phải có hành động cụ thể như gặp gỡ, bom vốn, chính sách thuế như thế nào…

Đi vào giải pháp cụ thể, ông Phong chỉ đạo tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là Sở Kế hoạch Đầu tư TPHCM phải có giải pháp theo từng tháng, từng quý. Đặc biệt phải dự báo được với tình hình đơn hàng bị cắt giảm thì sẽ có bao nhiêu doanh nghiệp giải thể, bao nhiêu người lao động bị mất việc. Mỗi quận, huyện đều có sự khác nhau chứ không thể giống nhau nên giải pháp cũng phải cụ thể, phù hợp với từng địa phương.

Song song đó, chủ tịch các quận, huyện cần gặp gỡ, trao đổi với doanh nghiệp xem họ có khó khăn gì về thị trường, về lao động, về vốn… Cái nào thuộc thẩm quyền thì chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Giải pháp nào vượt quá thẩm quyền thì phải kịp thời đề xuất với cấp trên.

Thu Dịu

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/tphcm-ho-tro-doanh-nghiep-vuot-qua-kho-khan-bang-cac-giai-phap-cu-the-130494.html