TPHCM: Kết nối '4 nhà' xây dựng Khu đô thị sáng tạo

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, đây là lần đầu tiên TPHCM tổ chức diễn đàn này nhằm thảo luận vai trò doanh nghiệp trong việc xây dựng khu đô thị sáng tạo để nghe các sáng kiến để kết nối giữa 4 nhà 'nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học và nhà đầu tư tài chính'...

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi cùng các diễn giả tại diễn đàn. Ảnh: CAO THĂNG

Sáng 23-11, “Diễn đàn Kinh tế TPHCM năm 2018” với chủ đề “ Kiến tạo Đô thị sáng tạo, Tương tác- vài trò động lực của doanh nghiệp” do UBND TPHCM tổ chức đã khai mạc với sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong; đại diện các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại TPHCM; các tổ chức tài chính quốc tế; doanh nghiệp trong và ngoài nước…

Diễn đàn Kinh tế TPHCM năm 2018 thu hút đông đảo các nhà tài chính, diễn giả, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự. Ảnh: CAO THĂNG

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, đây là lần đầu tiên TPHCM tổ chức diễn đàn này nhằm thảo luận vai trò doanh nghiệp trong việc xây dựng khu đô thị sáng tạo để nghe các sáng kiến để kết nối giữa 4 nhà “nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học và nhà đầu tư tài chính” trong việc nâng cao năng lực sáng tạo và hiệu quả đổi mới. Đồng thời góp phần huy động mọi nguồn lực trong xã hội đặc biệt là nguồn lực từ doanh nghiệp để cùng chung tay góp sức đưa TPHCM phát triển lên tầm cao mới.

Lãnh đạo TPHCM chụp hình lưu niệm cùng các diễn giả tham dự diễn đàn. Ảnh: CAO THĂNG

Trong thời gian gần đây, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 lan tỏa, tác động đến mọi đời sống xã hội của chúng ta. Hòa chung với cuộc cách mạnh 4.0, TPHCM đã triển khai đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2025” trong đó có việc xây dựng khu đô thị sáng tạo tại quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức trên nền tảng phát triển kinh tế số và kinh tế tri thức.

Khu đô thị sáng tạo này sẽ là nền tảng triển khai xây dựng TP thông minh trên toàn thành phố. Đặc biệt việc triển khai đô thị sáng tạo sẽ thuận lợi hơn khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 54 tạo những cơ chế đặc thù cho TPHCM trong phát triển kinh tế -xã hội. TPHCM cũng đã chuyển mình thành một siêu đô thị đã đóng góp GDP cho sự phát triển cả nước một cách đáng kể. Nhiều tham luận của các diễn giả trong và ngoài nước đã phân tích những cơ hội, thách thức cho TPHCM khi xây dựng Khu đô thị sáng tạo.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi cùng các đại biểu tham dự diễn đàn. Ảnh: CAO THĂNG

Tiến sĩ San Andres, Trưởng dự án Nghiên cứu TP bền vững và phát triển đô thị, Cơ quan hỗ trợ Chính sách thuộc APEC cho rằng, GDP phù hợp để đo lường các sản phẩm hữu hình nhưng không phù hợp với các dịch vụ số; công nghệ số sẽ nâng cao năng suất lao động nhưng cũng tạo ra sự cạnh tranh rất gắt gao về nguồn lực lao động.

GS Nagata đến từ Đại học Tsukuba cho biết, nhắc đến “Thành phố khoa học Tsukuba” là nói đến toàn bộ khu vực của TP Tsukuba bao gồm hai quận chính “Quận nghiên cứu và giáo dục” là quận được thiết kế và phát triển tổng thể kết hợp các tổ chức nghiên cứu và giáo dục với khu nhà ở và cơ sở cộng cộng nói chung. Nơi đây có ít nhất 30% các viện nghiên cứu công của Nhật Bản, khiến Tsukuba trở nên rất quan trọng đối với Nhật Bản một trong những quốc gia hàng đầu về khoa học và công nghệ.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân và Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tham quan các gian hàng triển lãm tại diễn đàn. Ảnh: CAO THĂNG

Ý kiến đến từ các doanh nghiệp, nhà khoa học trong nước cũng hoan nghênh TPHCM đã có chủ trương xây dựng khu đô thị sáng tạo và đề xuất cần có cơ chế chính sách để huy động nguồn lực, chất xám trong nước tạo nên những dấu ấn của trí tuệ Việt trong quá trình xây dựng TPHCM trở thành Thành phố thông minh nói chung và xây dựng Khu đô thị sáng tạo nói riêng.

Phát biểu tổng kết, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết, qua một ngày với phiên toàn thể và 4 phiên thảo luận đã làm rõ về: giải pháp nâng cao năng lực sáng tạo và hiệu quả đổi mới của doanh nghiệp; giải pháp nâng cao hệ sinh thái sáng tạo - khởi nghiệp và vai trò của các doanh nghiệp lớn; giải pháp tăng cường quan hệ liên kết, tương tác giữa doanh nghiệp - cơ quan nghiên cứu khoa học, các trường - chính quyền trong quá trình xây dựng đô thị sáng tạo, tương tác cao và các giải pháp thúc đẩy kế hoạch xây dựng khu phía Đông TP thành khu đô thị sáng tạo - tương tác cao. Qua phát biểu của các diễn giả và tham luận có thể khẳng định, chủ trương của lãnh đạo TPHCM xây dựng khu đô thị sáng tạo tương tác cao ở phía Đông TP là phù hợp với đặc điểm của TP và xu hướng phát triển kinh tế tri thức của thế giới. Thông qua diễn đàn, TP đã thu hoạch được nhiều bài học quan trọng, đặc biệt từ việc quản lý phát triển các thành phố sáng tạo, khu đô thị sáng tạo tại 6 quốc gia, đó là tại Nhật Bản, Phần Lan, Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc và Israel.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhận định, diễn đàn đã làm rõ những nhân tố có liên quan đến việc sự hình thành và phát triển của khu đô thị sáng tạo, đó là các đơn vị nghiên cứu khoa học, các trường đại học, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tài chính, Chính phủ và chính quyền địa phương, đặc biệt là những người dân sinh sống tại đó. Diễn đàn cũng làm rõ chiến lược phát triển cho TPHCM từ kinh nghiệm phát triển của các nước. Thông qua các diễn giả, các bài tham luận được trình bày đã giúp nhận ra tầm quan trọng của tính cạnh tranh của các TP sáng tạo và làm rõ những hướng giải pháp đã được triển khai ở các TP sáng tạo này như: việc hình thành các thể chế sáng tạo vừa thí nghiệm tại các thành phố sáng tạo, hình thành một không gian sống đáng sống và chất lượng sống cao 24 giờ ngày và 365 ngày/năm. Đó là cần hình thành những khu vực sống bền vững và ngày càng phát triển, trong đó khuyến khích kinh tế chia sẻ.

Một vấn đề khá mới, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết, diễn đàn cũng làm rõ việc số hóa đang diễn ra mạnh mẽ trong hàng chục năm qua, hiện nay đã mở ra những cơ hội mới về việc làm, phương thức kinh doanh và phát triển. Việc hình thành hệ thống cảm biến của cuộc sống thực được số hóa tạo nền tảng cho việc truyền thông tin số hóa, lưu trữ thông tin số hóa và xử lý thông tin số hóa, làm cho quá trình vận chuyển xử lý thông tin được diễn ra với tốc độ cao, hiệu quả cao và làm cơ sở cho việc tác động trở lại thông qua không gian thực và không gian ảo. Đây là cơ hội để hình thành những lĩnh vực mới việc làm mới như dữ liệu lớn và khoa học về dữ liệu.

Việc nghiên cứu của đơn vị hỗ trợ chính sách APEC cũng chỉ ra rằng, trong thời kỳ kinh tế số đòi hỏi những việc làm mới như kỹ năng căn bản về nhận thức, khả năng đọc viết, khả năng tính toán, và đây là những kỹ năng mà người lao động Việt Nam có thế mạnh. Những kỹ năng chuyên sâu của những nghề nghiệp đòi hỏi mức trang bị kỹ thuật cao thì có thể được chuyển đổi dễ dàng giữa các vị trí việc làm khác nhau. “Đây là câu trả lời, chúng ta có năng lực để bước vào kinh tế số hay không? Thông qua diễn đàn, chúng ta còn nhận ra nhiều cơ hội để TPHCM từ chính quyền TP, các đơn vị khoa học, các doanh nghiệp, các chuyên gia có thể hợp tác với các đối tác nước ngoài ở các quốc gia khác nhau, cũng như các đối tác trong nước và chính là kết quả quan trọng nhất của hội thảo”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân kết luận.

ĐỖ TRÀ GIANG - LƯƠNG THIỆN - THỤY VŨ

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tphcm-ket-noi-4-nha-xay-dung-khu-do-thi-sang-tao-560915.html