TPHCM nhận sai vì điều chỉnh quy hoạch không xin ý kiến Thủ tướng

Tự điều chỉnh Khu đô thị mới Nam Thành phố, TPHCM nhận sai vì điều chỉnh quy hoạch không xin ý kiến Thủ tướng. Tuy nhiên Thành phố cho rằng thiếu sót này không làm thay đổi định hướng quy hoạch chung và đã xin phép Bộ Xây dựng.

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ ký ngày 30/8 vừa qua, UBND TPHCM thừa nhận thiếu sót là chưa xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ khi ban hành quyết định số 5080, nhưng cho rằng việc điều chỉnh này là nhằm phù hợp với xu thế phát triển tại Thành phố và cụ thể hóa các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của Khu đô thị mới Nam thành phố, không làm thay đổi định hướng phát triển quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cụ thể, UBND TPHCM giải thích rằng, nội dung điều chỉnh quy hoạch này đã có ý kiến của Bộ Xây dựng, quyết định số 5080 đã được thay thế bởi quyết định số 6555 và quan trọng là nội dung quy hoạch tại quyết định số 6555 cũng đã được cập nhật vào Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 6/1/2010, đồng thời được cập nhật vào Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/5.000 (quy hoạch phân khu) Khu đô thị mới Nam Thành phố, với diện tích 2.975ha, được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 6692/QĐ-UBND ngày 28/12/2012.

"Theo giải trình của UBND TPHCM, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung Khu đô thị mới Nam Thành phố với 22 khu chức năng (quyết định số 749/TTg ngày 8/12/1994), Thành phố đã tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch và mời gọi đầu tư vào các khu chức năng. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, rất khó kêu gọi các nhà đầu tư vì hầu hết các khu chức năng theo quy hoạch được duyệt là các cơ sở nghiên cứu khoa học hoặc có mục đích phục vụ lợi ích cộng đồng nên khó hoàn vốn đầu tư.

Nhằm triển khai đồ án quy hoạch chung đồng thời xác định một số khu vực phục vụ tái định cư, ngày 4/9/1999, UBND TPHCM ban hành Quyết định số 5080/QĐ-UB-QLĐT phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch sử dụng đất Khu đô thị mới Nam Thành phố, trong đó có điều chỉnh 8 khu chức năng.

Tiếp đó, xét thấy một số nội dung của đồ án quy hoạch 1/5.000 cần được điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, ngày 5/11/2004, TPHCM có văn bản đề xuất gửi Bộ Xây dựng về đề nghị hướng dẫn trình tự thủ tục điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đô thị mới Nam Thành phố.

Vào ngày 16/11/2004, Bộ Xây dựng có Văn bản số 1877/BXD-KTQH về hướng dẫn trình tự thủ tục xin điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đô thị mới Nam Thành phố, trong đó có nội dung: “…, khu đô thị mới Nam TPHCM là một khu chức năng thuộc Thành phố, do đó việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thuộc thẩm quyền của UBND TPHCM. Tuy nhiên, việc điều chỉnh quy hoạch không làm thay đổi định hướng của quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đặc biệt các diện tích đất dành cho mạng lưới giao thông; không gian mở; các công trình công cộng, xã hội và đầu mối hạ tầng kỹ thuật đảm bảo theo tiêu chuẩn hiện hành”.

Bản đồ Khu đô thị mới Nam thành phố. Ảnh: Ban quản lý khu Nam.

Tại thời điểm này, căn cứ Nghị định số 93/2001/NĐ-CP ngày 12/12/2001 của Chính phủ về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho TPHCM và hướng dẫn của Bộ Xây dựng, UBND TPHCM đã phê duyệt điều chỉnh nhiệm vụ quy hoạch tỷ lệ 1/5.000 khu đô thị mới Nam Thành phố tại Quyết định số 6555/QĐ-UBND ngày 27/12/2005 (quyết định này đã thay thế quyết định số 5080).

Hàng loạt dự án sai phạm tại Khu đô thị mới Nam Thành phố

Tại văn bản mới đây của UBND TP.HCM, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, liên quan đến việc thực hiện ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, về xử lý sau thanh tra về đất đai tại TP.HCM. Ban Quản lý Khu Nam đã lên kế hoạch kiểm tra tình hình thực hiện các dự án và yêu cầu các chủ đầu tư cam kết tiến độ tại khu đô thị mới Nam Thành phố.

Về việc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển nhà Ngọc Đông Dương chậm tiến độ xây chung cư, UBND TP HCM cho biết, ban đầu dự án Chung cư A22 có diện tích hơn 13.700 m2 (tại Khu 13A - Khu chức năng số 13 - Đô thị mới Nam thành phố) do Công ty CP Xây dựng công trình và Đầu tư địa ốc Hồng Quang làm chủ đầu tư.

Sau đó, công ty này chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Công ty Ngọc Đông Dương để tiếp tục thực hiện dự án với cam kết khởi công tháng 12/2013. Nhưng vì gặp khó khăn về tài chính nên đơn vị này kiến nghị hỗ trợ.

Đến năm 2016, Ngọc Đông Dương vẫn chưa khởi công dự án theo cam kết và cũng không thực hiện báo cáo giám sát đầu tư. Ban Quản lý Khu Nam đã kiến nghị UBND thành phố giao Sở Tài nguyên Môi trường thanh tra về tình hình sử dụng đất và xử lý theo quy định.

Hồi tháng 6, Ban Quản lý Khu Nam yêu cầu chủ đầu tư cam kết tiến độ thực hiện và xây dựng hoàn thành công trình, nếu không sẽ xử lý theo quy định. Sau đó, Công ty Ngọc Đông Dương có văn bản cho biết trong tháng 8 sẽ lập thủ tục để thực hiện dự án.

Về ba dự án: khu dân cư hơn 28 ha tại xã Bình Hưng - huyện Bình Chánh; khu dân cư 2 ha tại phường An Lạc (quận Bình Tân) và khu dân cư tại phường An Lạc, UBND thành phố cho biết Sở Tài nguyên Môi trường tham mưu giao đất theo quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị đã được duyệt và theo quy định của Luật Đất đai năm 2003, Nghị định 181/2004, Nghị định 69/2009 của Chính phủ. Sau đó, các dự án trên đều được UBND thành phố chấp thuận cập nhật vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt.

Ngoài ra, UBND TP HCM cũng báo cáo Chính phủ việc giải quyết 17 dự án chồng lấn hành lang an toàn giao thông. Trong đó có dự án của Công ty CP Phát triển Nam Sài Gòn xây dựng hạ tầng kỹ thuật lấn đất giao thông và công trình công cộng để làm nhà ở, chuyển nhượng đất khi chưa được giao...

Trước đó, từ năm 2011, Thanh tra Chính phủ đã có Kết luận 2889 chỉ ra hàng loạt dự án sai phạm trong quá trình triển khai các dự án đầu tư tại TP HCM. Do việc xử lý sau thanh tra kéo dài nên hồi tháng 7 Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã có chỉ đạo thành phố phải xử lý dứt điểm.

Thành Nam

Nguồn Thương Gia: http://thuonggiaonline.vn/tphcm-nhan-sai-vi-dieu-chinh-quy-hoach-khong-xin-y-kien-thu-tuong-17943.htm