TPHCM phối hợp giảm số vụ ngộ độc thực phẩm cho công nhân

Chiều 17-8, với mục tiêu kéo giảm số vụ ngộ độc thực phẩm trong thời gian tới, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM cùng Ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN), Liên đoàn lao động TPHCM đã ký kết Quy chế phối hợp về đảm bảo an toàn thực phẩm trong KCX-KCN tại TPHCM giai đoạn 2017-2019 (Quy chế).

Lễ ký kết Quy chế phối hợp về đảm bảo an toàn thực phẩm trong KCX-KCN tại TPHCM giai đoạn 2017-2019 chiều 17-8. Ảnh CTV

Ông Nguyễn Hoàng Năng, Trưởng ban quản lý các KCX-KCN TPHCM, cho biết hiện TPHCM có 17 KCX - KCN, có 1.167 doanh nghiệp đang hoạt động với số lao động là 285.768 người. Hiện có 217 doanh nghiệp có bếp ăn tập thể, trong đó 124 doanh nghiệp bố trí nhân sự nấu ăn tại chỗ và 93 doanh nghiệp thuê nhà thầu bên ngoài vào nấu. Ngoài ra, có 364 doanh nghiệp nhận suất ăn sẵn từ các cơ sở bên ngoài và 424 doanh nghiệp hỗ trợ tiền cơm cho người lao động.

Theo ông Năng, việc kiểm soát chất lượng nguồn nguyên liệu cung cấp cho các cơ sở chế biến thực phẩm, chế biến suất ăn công nghiệp hiện vẫn còn nhiều bất cập. Do bị khống chế giá thành nên các đơn vị cung cấp suất ăn đã chọn mua nguyên liệu từ nhiều nguồn khác nhau, không rõ nguồn gốc và không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm. Vì thế, nguy cơ ngộ độc thực phẩm vẫn còn xảy ra, làm ảnh hưởng đến sức khỏe công nhân và hoạt động sản xuất bị đình trệ.

Trong năm 2016, tại các KCX-KCN trên địa bàn TPHCM đã xảy ra 4 vụ ngộ độc thực phẩm, với 311 người bị ngộ độc. Việc ký kết Quy chế nhằm giảm thiểu số vụ ngộ độc thực phẩm và đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao hiệu quả quản lý trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn trong KCX-KCN.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, cho rằng việc bảo đảm an toàn thực phẩm nếu một mình ban này làm sẽ không thành công. Do đó, rất cần sự hỗ trợ của KCX - KCN và Liên đoàn lao động thành phố. Đồng thời, rà soát lại toàn bộ quá trình sản xuất, lưu thông phân phối đến bàn ăn của người dân, nhằm kéo giảm số vụ ngộ độc thực phẩm trong các năm 2017, 2018, 2019 giảm 30% so với năm 2016.

Sắp tới, Ban quản lý An toàn thực phẩm sẽ mở các lớp tập huấn, cung cấp kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp tự kiểm tra bếp ăn, rà soát cấp phép và giám sát hậu kiểm, thanh kiểm tra xử lý vi phạm, tuyên truyền cho công nhân trách nhiệm tự bảo vệ sức khỏe cho mình.

Hoàng Nhung

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/163751/tphcm-phoi-hop-giam-so-vu-ngo-doc-thuc-pham-cho-cong-nhan.html