TPHCM qua 20 năm xây trường, mở lớp - Bài 3: Gian nan đất công xây trường học

Trước thực tế quỹ đất xây trường học ngày càng khan hiếm, nhiều khu đất được quy hoạch cho giáo dục nhưng không thu hồi được, các địa phương cần quyết liệt, kiên trì đeo bám; UBND TPHCM cần rốt ráo trong việc thu hồi mặt bằng, kho bãi sử dụng sai mục đích, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây mới trường lớp.

Chây ỳ bàn giao đất

Tìm đến khu đất được quy hoạch xây trường học tại địa chỉ 75/4 Phan Văn Hớn, phường Tân Thới Nhất (quận 12) với mặt tiền dài gần 100m, cánh cổng sắt gỉ sét cài chốt bên trong. Mất gần 10 phút dò hỏi, gọi lớn nhưng không ai ra mở cửa, chúng tôi cũng tìm cách vào được bên trong và ghi nhận hiện trạng rất hoang tàn: vài căn nhà cấp 4 lụp xụp, rác thải vây quanh, khu vườn trồng chủ yếu là cây bạch đàn, táo, chuối, bụi xả…

Theo tìm hiểu của PV Báo SGGP, khu đất gần 11.000m2 tại địa chỉ 75/4 Phan Văn Hớn này được UBND TPHCM cấp phép cho đơn vị nghiên cứu SK5 (thuộc Bộ Y tế) tiếp quản từ năm 1983 để trồng, nghiên cứu dược liệu quý, thời hạn cấp phép là 10 năm. Trong quyết định nêu rõ, sau 12 tháng nếu không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích sẽ thu hồi giấy phép. Sau đó, SK5 đổi tên lần lượt thành Trung tâm Sâm Việt Nam, Liên hiệp Khoa học sản xuất sâm và dược liệu, nay là Trung tâm Sâm và Dược liệu TPHCM. Quá trình sử dụng khu đất trên được các đơn vị liên quan đánh giá là không hiệu quả, bỏ hoang. Đáng nói, khu đất đã có quyết định thu hồi hơn 20 năm trước để quy hoạch xây dựng Trường THCS Nguyễn Ảnh Thủ (trường nằm giáp ranh khu đất và đang xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo chỗ học cho gần 1.000 học sinh), nhưng đến nay vẫn không thu hồi được.

Khu nhà, đất 75/4 Phan Văn Hớn (phường Tân Thới Nhất, quận 12) vốn được quy hoạch để mở rộng Trường THCS Nguyễn Ảnh Thủ nhưng chưa thể thu hồi. Ảnh: QUANG HUY

Theo Phó Chủ tịch UBND quận 12 Đậu An Phúc, lý do Trung tâm Sâm và Dược liệu TPHCM đưa ra là khu đất được sử dụng làm vườn bảo tồn gene và giống cây thuốc các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, hiện nay khu đất không trồng bất cứ loại cây thuốc nào.

Qua trao đổi, đơn vị yêu cầu được hoán đổi một khu đất khoảng 10ha trên địa bàn TP Thủ Đức thì mới chịu bàn giao mặt bằng cho quận 12 xây trường. Ngoài khu đất nói trên ở đường Phan Văn Hớn, quận 12 còn 13 khu đất thuộc quản lý của Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước hiện không còn nhu cầu sử dụng nhưng việc chuyển đổi sang đất quy hoạch cho giáo dục đang gặp nhiều trở ngại. Quận đã đề xuất UBND TPHCM thu hồi các khu đất này nhưng đến nay chưa có đơn vị nào chịu bàn giao.

Chây ỳ không chịu bàn giao đất còn phải kể đến khu đất 419 Lê Hồng Phong (đường Vĩnh Viễn - Trần Nhân Tôn, phường 2, quận 10) với diện tích gần 11.000m2. Trước đó, khu đất 419 Lê Hồng Phong là đất công, thuộc sở hữu nhà nước. Trước năm 2000, UBND TPHCM cho Công ty Giày Sài Gòn (gọi tắt là GSG) thuê mặt bằng. Đến năm 2007, UBND TPHCM tiếp tục cho GSG thuê lại khu đất này để làm văn phòng, nhà kho, nhà xưởng sản xuất giày, túi xách. Quyết định của UBND TPHCM nêu rõ: “GSG không được cho thuê lại đất và tài sản gắn liền với đất”. Thế nhưng, trong quá trình sử dụng, GSG đã tự ý cho thuê lại mặt bằng và đã bị Thanh tra Sở TN-MT TPHCM xử phạt 720 triệu đồng vì vi phạm trong quản lý và sử dụng đất.

Vào thời điểm tháng 4-2017, UBND quận 10 kiến nghị UBND TPHCM chấm dứt cho GSG thuê khu đất 419 Lê Hồng Phong, giao về quận quản lý và sử dụng cho mục đích giáo dục, cụ thể là xây trường THCS cho cụm liên phường 1, 2, 3 của quận 10 - khu vực chưa có trường THCS. Đến tháng 5-2019, UBND TPHCM có chủ trương thu hồi và đến tháng 5-2021 chính thức ban hành quyết định thu hồi khu đất. Đến nay, sau gần 2 năm từ khi có quyết định thu hồi đất, việc thu hồi khu đất này chưa hoàn thành, học sinh các phường 1, 2, 3 tiếp tục phải đi học ké trường THCS ở phường lân cận.

Theo đồng chí Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, thành phố hiện có quy mô dân số hơn 10 triệu người, chưa tính bộ phận dân cư vãng lai nên việc thực hiện các nhiệm vụ giáo dục và y tế gặp nhiều khó khăn. Đơn cử, nếu xét theo tiêu chuẩn của ngành giáo dục, thành phố thiếu khoảng 3.000 phòng học, song nếu xét theo tiêu chí 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học (từ 3-18 tuổi), thành phố còn thiếu khoảng 8.000 phòng học.

Mới đây, UBND TPHCM đã ban hành Kế hoạch Phát triển giáo dục thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với nhiều chỉ tiêu quan trọng. Trong đó, về quy hoạch mạng lưới trường lớp, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030 đảm bảo 60% trường mầm non, 80% trường tiểu học, 70% trường THCS và 50% trường THPT công lập đạt chuẩn quốc gia. Đây là mục tiêu đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và quyết tâm thực hiện của các địa phương.

Xử lý dứt điểm tình trạng lãng phí

Trước nghịch lý có đất quy hoạch trường học mà không thu hồi được, nhất là đất do Nhà nước quản lý, cử tri thành phố đã nhiều lần chất vấn về trách nhiệm, giải pháp kèm thời gian cụ thể với các sở ngành, quận huyện và lãnh đạo TPHCM. Chia sẻ với cử tri thành phố, một lãnh đạo thành phố cho biết, những khó khăn, tồn tại của ngành giáo dục cũng là những khó khăn chung của thành phố. Đó là áp lực tăng dân số cơ học, mật độ dân số cao, trong khi quy hoạch, xây dựng và phát triển hạ tầng nói chung, quy hoạch phát triển trường lớp nói riêng chưa theo kịp nhu cầu ngày càng cao của người dân thành phố.

Mới đây, vào cuối tháng 3-2023, tại buổi làm việc với đoàn giám sát của Quốc hội khóa XV về thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, lãnh đạo TPHCM tiếp tục khẳng định, thành phố luôn có ý thức trách nhiệm cao trong thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện, chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo, dù thực tế gặp khó khi bình quân mỗi năm, thành phố tăng khoảng 200.000 dân, trong đó có hơn 40.000 học sinh. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu học tập của người dân trên địa bàn, thành phố còn chăm lo cho bộ phận người dân từ các địa phương khác đến thành phố sinh sống, học tập. Thực tế đó đặt ra nhiều thách thức đối với thành phố trong việc thực hiện công tác giáo dục và đào tạo. Thành phố phải tính toán kế hoạch dài hạn để thực hiện mục tiêu giảm sĩ số học sinh/lớp, tăng cường đầu tư xây dựng trường lớp đáp ứng nhu cầu về chỗ học của người dân.

Riêng với tình trạng lãng phí đất công đang diễn ra khá phổ biến, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội, nhìn nhận, việc thu hồi các khu đất của cơ quan trung ương, bộ ngành không dễ dàng, nhưng đây là vấn đề mà cử tri rất bức xúc, kiến nghị nhiều lần do tình trạng nhiều khu đất sử dụng không đúng mục đích, bỏ hoang, nhưng học sinh lại thiếu trường học là điều bất hợp lý. Vì vậy, chính quyền TPHCM cần có giải pháp để phát hiện nhanh, xử lý kịp thời nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, tổ chức và chính quyền địa phương. Song song đó, các địa phương cần thực hiện rà soát các dự án, công trình bỏ hoang, đề xuất giải pháp xử lý để chấm dứt lãng phí. Trường hợp doanh nghiệp lập dự án, ôm đất giữ phần, phải cương quyết thu hồi, thậm chí truy cứu trách nhiệm cán bộ, tổ chức buông lỏng quản lý dẫn đến tình trạng đất đai bị hoang phí.

Tình trạng sử dụng sai mục đích đất thuê của Nhà nước, hoặc không thu hồi chuyển đổi mục đích sử dụng do vướng quy trình, thủ tục… còn diễn ra ở nhiều địa phương. Mới đây, quận Gò Vấp đã đề xuất thành phố thu hồi 2 khu đất có quy mô 20.800m2 tại địa chỉ 59/9 và 59/9C Phạm Văn Chiêu (phường 14) để giao cho quận xây 1 trường tiểu học và 1 trường THCS. Hiện cả 2 khu đất này đều là đất sạch do thành phố quản lý, không vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhưng thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất diễn ra chậm, phải chạy “lòng vòng” lấy ý kiến nhiều sở ngành…

“Việc đầu tư xây dựng 2 trường phù hợp với tình hình thực tế, giải quyết được khó khăn về nhu cầu trường lớp, nhất là giải tỏa được áp lực sĩ số học sinh/lớp đang nóng bỏng từng ngày trên địa bàn quận”, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Đỗ Anh Khang cho biết.

QUANG HUY - THU TÂM

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tphcm-qua-20-nam-xay-truong-mo-lop-bai-3-gian-nan-dat-cong-xay-truong-hoc-post685430.html