TPHCM thành trung tâm tài chính: Phải bước qua những rào cản

Thực ra việc xây dựng và phát triển TPHCM thành trung tâm tài chính (TTTC) của cả nước, và từng bước thành TTTC của khu vực ASEAN đã được lên kế hoạch từ năm 2002. Song ý tưởng này đến nay vẫn còn dang dở. Và để thực hiện khát vọng này phải gỡ cho được những rào cản.

Phải là chủ trương mang tính quốc gia

Theo TS. Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, năm 2002, Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị về TPHCM đã xác định việc xây dựng và phát triển TPHCM thành TTTC của cả nước và từng bước thành TTTC của khu vực.

Nội dung này được tái khẳng định tại Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị vào năm 2012. Nhận thức chủ quan của lãnh đạo TPHCM qua các thời kỳ đều hướng đến mục tiêu này, bởi phù hợp với vị trí vai trò và thế mạnh của TP được chứng minh qua thực tiễn phát triển.

Tuy nhiên, cho đến nay mọi ý tưởng xây dựng TPHCM thành một TTTC vẫn còn đang dang dở, thậm chí vai trò của TPHCM còn giảm dần. Xét về quy mô thị trường tài chính đối với cả nước, khi tổng vốn huy động qua các định chế tài chính - tín dụng trên địa bàn TP so với cả nước đã giảm từ khoảng 40% của những năm đầu thập niên 2000, xuống còn khoảng 24% năm 2018.

Do đó, thời điểm này, ý tưởng phát triển TPHCM thành TTTC khu vực và quốc tế phải trở thành một chủ trương của quốc gia, chứ không phải của địa phương mới trở thành hiện thực.

Nếu căn cứ vào pháp luật điều chỉnh hoạt động của thị trường tài chính, chính quyền địa phương chỉ có vai trò hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển trên nền tảng thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc xây dựng một TTTC quốc tế, dù dưới hình thức và mô hình nào. Còn nếu không sẽ trở lại những gì trước đây đã nỗ lực làm nhưng chưa thực hiện được.

Muốn vậy, TPHCM cần phải thuyết phục được Chính phủ 4 vấn đề. Thứ nhất, TPHCM đóng vai trò như thế nào đối với thị trường tài chính non trẻ Việt Nam.

Thứ hai, những nhân tố định hình TTTC quốc gia, tầm khu vực, so sánh các TTTC khác trên thế giới. Thứ ba, phân tích khung pháp lý điều chỉnh thị trường tài chính Việt Nam, những vấn đề bất cập để hoàn thiện. Thứ tư là những điều kiện để TPHCM trở thành TTTC quốc tế.

Quy mô thị trường còn nhỏ

GS.TS Sử Đình Thành, Trường Đại học Kinh tế TPHCM chia sẻ, sự phát triển khu vực tài chính của Việt Nam và TTTC TPHCM nói riêng chắc chắn có những nét đặc thù riêng. Các TTTC lớn của thế giới như London và New York gắn liền sức mạnh tài chính của các tập đoàn tài chính đa quốc gia. Tokyo trở thành TTTC khi Nhật Bản trở thành cường quốc kinh tế.

Việt Nam sẽ không có cơ hội như vậy trong thời gian trước mắt. Với một nền kinh tế đang chuyển đổi, khu vực tài chính của Việt Nam phát triển phải gắn liền với chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, gắn tăng trưởng kinh tế bền vững với sự ổn định chính trị và quản lý có hiệu quả.

Ngoài ra, mô hình quản lý của chính quyền TP như hiện nay còn có khoảng cách khá xa so với mô hình quản lý của một chính quyền đô thị. Hệ lụy của nó là không khơi dậy hết tiềm năng và động lực phát triển của đô thị.

Quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền TP trong quản lý lĩnh vực tài chính – ngân hàng (NH) còn nhiều giới hạn. Mặc dù là TTTC có quy mô lớn nhất của Việt Nam, nhưng để trở thành đầu tàu khai thông và chuyển tải vốn phục vụ cho sự phát triển kinh tế của cả nước, TTTC TPHCM cần phải phát triển hơn nữa về lượng lẫn về chất.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, so với TTTC của các nước trong khu vực, TTTC TPHCM còn có một khoảng cách khá xa. Đóng góp của ngành tài chính – NH trong GDP trên địa bàn còn thấp, khoảng 5-7% GDP. Quy mô thị trường chứng khoán còn khá nhỏ bé, chưa trở thành kênh chuyển tải có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư và tạo ra tính thanh khoản cao của các chứng khoán.

Đứng ở góc độ NHNN, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN nhận định, để hình thành TTTC phải làm rõ khác biệt đặc thù của TPHCM, nhưng hệ thống tài chính Việt Nam có những đặc thù là hệ thống NH là chủ yếu.

Quy mô vốn của NH đã được phát triển mạnh trong thời gian vừa qua, tuy nhiên với góc độ hội nhập khu vực và thế giới, ngành NH cũng đang tổ chức triển khai công cuộc tái cơ cấu. Những NH có thị phần tài sản lớn trong hệ thống như NHTM có vốn nhà nước cũng đang khó khăn trong quá trình tăng vốn, vì nguồn lực về ngân sách đang rất khó khăn.

Đặc biệt, phát triển TTTC còn phải gắn liền với hoạt động thanh toán hiện đại. Khi trở thành TTTC khu vực và quốc tế, tốc độ xử lý thanh toán phải nhanh nhạy và phải đáp ứng tất cả mọi nhu cầu chu chuyển vốn của trung tâm tầm quốc gia, khu vực hay quốc tế; đặc biệt là vấn đề an toàn, bảo mật… cũng cần tính toán.

Hệ thống thanh toán của Việt Nam có bước phát triển, nhưng trước xu thế của cuộc cách mạng 4.0, sự bùng nổ của fintech, tất cả các vấn đề hạ tầng tài chính, big data, an toàn bảo mật và đặc biệt là khuôn khổ pháp lý đang đặt ra.

PGS. TS Hoàng Công Gia Khánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng (NH) – Đại học Quốc gia TPHCM: Hướng đến mô hình Fintech Hub

Đối với vấn đề phát triển TPHCM thành TTTC khu vực và quốc tế, theo tôi nên phát triển theo hướng Fintech Hub, tức là xây dựng TPHCM trở thành trung tâm về fintech. Bởi vì hiện trên thế giới chứng kiến sự thay đổi rất nhanh của fintech, làm xuất hiện những sản phẩm công nghệ mới hoàn toàn chưa có trong khung pháp lý. Chính phủ các quốc gia sẽ phản ứng như thế nào?

Xu hướng các nước phát triển hiện tại là xây dựng khung pháp lý cởi mở để làm sao đạt được 2 mục tiêu: thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tạo sự công bằng, bảo vệ quyền lợi khách hàng. Sự phát triển đó đã ra đời các sản phẩm mới như cho vay ngang hàng, huy động vốn cộng đồng và quan trọng hơn nữa là tiền mã hóa.

Hiện nay, các NH Trung ương trên thế giới cũng đã sử dụng công nghệ blockchain để nghiên cứu ứng dụng trong hoạt động phát hành tiền số của NH Trung ương. Một số nước đã thành công hoàn tất giai đoạn thử nghiệm.

Như vậy hướng tới đây, các NH Trung ương có khả năng phát hành tiền số, thay đổi hoàn toàn các vấn đề liên quan đến dự trữ và chu chuyển vốn. Lúc đó, một số nước sẽ hướng đến phát triển thành xã hội không dùng tiền mặt, như Thụy Điển đã xây dựng và triển khai đề án thanh toán không dùng tiền mặt và khả năng nhiều nước cũng sẽ đi theo.

Như vậy, vấn đề đặt ra là nếu phát triển TPHCM thành TTTC khu vực và quốc tế theo hướng truyền thống xem ra rất khó. Hiện nay, nhiều nơi trên thế giới đã trở thành TTTC dưới góc độ Fintech Hub với 7 TTTC dạng quốc tế và 22 TTTC khu vực.

Trong đó, Trung Quốc có đến 4 trong 7 TTTC quốc tế và 2 trong 22 TTTC khu vực như vậy, nổi lên những thành phố mà trước đây không phải là TTTC khu vực như Nam Kinh. Điều đó đặt ra vấn đề có nên hướng đến việc xây dựng TPHCM thành TTTC theo mô hình truyền thống, hay nên cân nhắc theo mô hình Fintech Hub.

Số liệu của Viện Nghiên cứu Phát triển công nghệ NH khảo sát cho thấy, Việt Nam có khoảng 155 công ty fintech. Riêng tại TPHCM có 60 công ty fintech và 70% trong số đó là doanh nghiệp khởi nghiệp có tốc độ phát triển rất cao, tập trung vào những mảng công nghệ mới như cho vay ngang hàng, thanh toán, xếp hạng tín nhiệm. Xu hướng sắp tới của các doanh nghiệp này sẽ tiếp tục mạnh. Vì vậy, chúng ta có thể cân nhắc yếu tố đó.

Còn về cầu, các số liệu thống kê cho thấy người dân TPHCM rất quan tâm và các dịch vụ liên quan đến fintech, tiền số, chuyển tiền NH gia tăng rất nhanh. Cả cung cầu đều cho thấy yếu tố thay đổi. Với xu hướng của thế giới, hệ thống NH Việt Nam sắp tới cũng có thể có những chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình NH truyền thống sang NH số.

Mô hình số đặt ra rất nhiều vấn đề, đó là hướng tới khách hàng, nâng cao sự trải nghiệm của khách hàng, mô hình quản lý dưới dạng chi nhánh NH không còn nữa. Như vậy, một trung tâm mang tính chất vật lý là tòa nhà sẽ không còn đóng vai trò quan trọng nữa.

Sự thay đổi của công nghệ nhanh đến mức các nhà lập pháp ở các nước phát triển trở tay không kịp cho nên phải nhìn theo xu thế đó để xây dựng TTTC theo hướng fintech, sẽ tốt hơn hướng thị trường hàng hóa.

Đối với vấn đề xây dựng và phát triển TPHCM thành TTTC khu vực và quốc tế có 2 vấn đề đặt ra. Đầu tiên là vấn đề quan điểm của Chính phủ, của Trung ương có định hướng và cho phép thực hiện các vấn đề về pháp lý để trở thành TTTC hay không.

Thứ hai là vấn đề về mặt kỹ thuật, cụ thể về một vấn đề quan trọng được đề cập là tự do hóa tài khoản vốn. Nếu xây dựng một TTTC truyền thống bắt buộc phải tự do hóa tài khoản vốn.

Trong khi đó, kinh nghiệm cho thấy tự do hóa tài khoản vốn là một yếu tố tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Dòng vốn chu chuyển đảo chiều bất cứ lúc nào mà chúng ta không có đủ tiềm lực mạnh sẽ phải đối mặt với hàng loạt hệ lụy. Kinh nghiệm các nước sau khi tự do hóa tài khoản vãng lai và vài chục năm sau mới tự do hóa được tài khoản vốn.

Thế thì có thể xử lý vấn đề tự do hóa tài khoản vốn bằng hướng liên quan đến việc ứng dụng fintech thay vì ứng dụng truyền thống, giao dịch thực thể theo kiểu vật lý.

TS. Lê Hồng Giang, Giám đốc Chiến lược đầu tư, Quỹ Tactical Global Management, Brisbane (Australia): Trở thành TTTC phải là trung tâm kinh tế

Rất nhiều khách du lịch đến thăm Phố Wall ngạc nhiên và có phần thất vọng, vì biểu tượng tài chính lừng danh này chỉ là một con phố nhỏ. Ngay cả trụ sở của Sàn giao dịch chứng khoán New York ngay giữa Phố Wall cũng khá khiêm nhường.

Có lẽ chỉ có mỗi tượng con bò bằng đồng ở đầu phố, biểu tượng cho sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán, là chỉ dấu để khách du lịch tin rằng mình đang đứng giữa trái tim tài chính của nước Mỹ và thế giới.

Điều làm New York trở thành một trong những nơi trung chuyển vốn lớn nhất thế giới không phải là các tòa nhà chọc trời, mà là hệ sinh thái các dịch vụ tài chính. Tất cả các TTTC khác trên thế giới đều như vậy.

Tài chính là một loại dịch vụ thứ cấp nên nó phải phụ thuộc vào 2 yếu tố. Thứ nhất, dù rất quan trọng nhưng các hoạt động tài chính luôn đứng đằng sau các loại hình kinh tế khác. New York, Chicago, London, Frankfurt, Hong Kong đều là các trung tâm kinh tế, thương mại lớn trước khi trở thành TTTC.

Vì hầu hết các hoạt động kinh tế đều cần vốn nên các đầu mối kinh tế luôn có nhu cầu lớn cho các dịch vụ thu xếp vốn, thông qua khoản vay NH hay các đợt phát hành cổ phiếu, trái phiếu ra thị trường chứng khoán. Các hoạt động kinh tế phức tạp cũng cần một hệ thống thanh toán hiệu quả giúp kích thích sự phát triển của các NHTM và các nền tảng thanh toán liên NH, liên quốc gia.

Bởi vậy, điều kiện cần để một thành phố trở thành một TTTC trước hết đó phải là một trung tâm kinh tế, thương mại.

Thứ hai, giống như các loại dịch vụ khác khi "phần mềm" quan trọng hơn "phần cứng", điều kiện đủ để một thành phố trở thành TTTC cần có 2 loại vốn xã hội là nguồn nhân lực chất lượng và môi trường pháp lý hiệu quả.

Nhiều TTTC quốc tế ra đời từ khi thế giới chưa có máy tính, thậm chí chưa có điện thoại cố định, nhưng vẫn giúp luân chuyển dòng vốn rất tốt nhờ vào những khuôn khổ pháp lý rõ ràng và đội ngũ chuyên gia có trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp.

Nếu những hành vi lừa đảo, phạm pháp tài chính tràn lan, các thể chế tài chính sẽ nhanh chóng bị mất niềm tin từ cả phía cung lẫn phía cầu vốn và sẽ không thể phát triển thành TTTC lớn được.

Nhưng khoảng chục năm lại đây, trong bối cảnh làn sóng công nghệ di động, điện toán đám mây và nhất là trí tuệ nhân tạo bùng nổ, ngành tài chính thế giới đang bước vào một cuộc thay đổi lớn. Dịch vụ tài chính ngày càng dựa vào công nghệ.

Do vậy bản chất của các TTTC sẽ dịch chuyển thành các trung tâm công nghệ và/hoặc cộng sinh với các trung tâm công nghệ. Đây sẽ là thách thức cho các TTTC hiện hữu, đồng thời là cơ hội cho các trung tâm non trẻ ra đời.

Một đặc điểm quan trọng của làn sóng công nghệ mới là tính phi tập trung ngày càng cao, dù là trong các ứng dụng blockchain, cho vay ngang hàng, hay huy động vốn từ đám đông. Phi tập trung theo chiều ngang khi các dịch vụ tài chính không cần tập trung hoặc thông qua các đầu mối lớn nữa, trong khi phi tập trung theo chiều dọc với các công ty fintech nhỏ gặm nhấm dần từng mảng dịch vụ của các định chế tài chính hiện hữu. Quá trình này sẽ làm giảm dần lợi thế nhờ quy mô của các TTTC lớn.

Bởi vậy bên cạnh các chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp truyền thống, phát triển hệ sinh thái fintech sẽ là một hướng mới cho các TTTC. Về cơ bản, đó cũng là các chính sách khuyến khích phát triển đặc thù cho thế giới startup công nghệ: thu hút các quỹ đầu tư mạo hiểm, các dịch vụ tư vấn trợ giúp, tài trợ cho các hoạt động R&D, thiết lập các văn phòng làm việc chung với hạ tầng thông tin và tính toán mạnh.

Nhưng có lẽ giúp đỡ lớn nhất cho hệ sinh thái fintech là dỡ bỏ các rào cản pháp lý và hạn chế các định chế tài chính hiện hữu vận động hành lang bảo vệ vai trò độc quyền của họ. Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng khó khăn trong cuộc đua xây dựng một TTTC tầm quốc tế theo cách truyền thống.

ĐỖ LINH

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/kinh-te/tphcm-thanh-trung-tam-tai-chinh-phai-buoc-qua-nhung-rao-can-70352.html