TPHCM ưu tiên công nghiệp công nghệ cao

Tập trung vào những ngành nghề, lĩnh vực, công đoạn có hàm lượng giá trị gia tăng cao và ưu tiên phát triển 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu là định hướng phát triển công nghiệp của TPHCM trong thời gian tới.

DN giới thiệu sản phẩm công nghệ cao tại Diễn đàn kinh tế TPHCM năm 2019. Ảnh: Nguyễn Huế.

DN giới thiệu sản phẩm công nghệ cao tại Diễn đàn kinh tế TPHCM năm 2019. Ảnh: Nguyễn Huế.

Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng

Theo đánh giá của UBND TPHCM, thời gian qua, 4 ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố đã có sự phát triển tích cực. Trong đó, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của 4 ngành công nghiệp trọng yếu đã tăng về số lượng và giá trị. Nhiều sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đã tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu như sản phẩm khuôn mẫu chính xác cao của Công ty Lập Phúc cung cấp cho Colgate; Hiệp Phước Thành và Minh Nguyên đã tham gia được vào chuỗi sản phẩm của Samsung; Thống Nhất và Amura Precision sản xuất linh kiện nhựa cho nhà cung ứng cấp 1, cấp 2 của các công ty ô tô... Qua đó, chất lượng, hiệu quả tăng trưởng công nghiệp từng bước được cải thiện theo sự chuyển dịch cơ cấu sản xuất. Trong nội bộ từng ngành, lĩnh vực cũng có sự đầu tư nâng cấp máy móc thiết bị, đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất lao động và hàm lượng giá trị gia tăng.

Báo cáo của Sở Công Thương cũng cho thấy chỉ số sản xuất công nghiệp của 4 ngành công nghiệp trọng điểm trong 11 tháng của năm 2019 tăng 6,2% so cùng kỳ năm 2018. Trong đó có 2 ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng thấp hơn chỉ số sản xuất chung của toàn ngành công nghiệp như: Ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống chỉ tăng 1,2% so với cùng kỳ; ngành hóa dược tăng 1,8% do một số DN lớn đã và đang có xu hướng dịch chuyển nhà máy sang các tỉnh lân cận do có lợi thế về lao động, thuê đất và có chính sách ưu đãi khác. Các ngành công nghiệp trọng điểm khác vẫn duy trì mức tăng cao. Điển hình như ngành điện tử tăng 20,1%; ngành cơ khí tăng 9% do các DN điện tử thường xuyên ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất với các sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghệ cao và có thị trường tiêu thụ ổn định.

Dù đã đạt được những kết quả tích cực nhưng theo nhận định của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tại một cuộc họp về phát triển công nghiệp tổ chức gần đây, sự phát triển của 4 ngành công nghiệp trọng yếu còn chưa tương xứng với tiềm năng do các DN sản xuất còn phụ thuộc khá lớn vào nguyên phụ liệu NK, còn hạn chế về thiết bị, công nghệ, giá thành, sức cạnh tranh... Trong khi đó, chi phí đầu tư cho hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố ngày càng tăng và xu hướng đầu tư ra các tỉnh của DN sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố ngày càng phổ biến. Quỹ đất dành cho công nghiệp chưa đáp ứng, phù hợp với nhu cầu của DN với đa phần là DN nhỏ và vừa (về diện tích, giá thuê), do đó nhiều DN thành phố đã đầu tư cơ sở sản xuất ra các địa phương lân cận.

Thay đổi hướng phát triển công nghiệp

Trước thực trạng trên, UBND TPHCM yêu cầu các sở, ngành của thành phố phải chú trọng lợi thế của DN trên địa bàn thành phố, những ngành có khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng, đáp ứng nhu cầu XK để xây dựng cơ chế chính sách phát triển ngành công nghiệp. Trên cơ sở đó, các sở, ngành phải trở thành đầu mối và phối hợp với cộng đồng DN đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành DN theo hướng tự động hóa, ứng dụng công nghệ cao, sử dụng nguồn nguyên liệu sạch... Đặc biệt, Sở Công Thương cần nâng cao vai trò kết nối với các bên liên quan, nhất là khu công nghiệp - khu chế xuất, khu công nghiệp cao... sớm rà soát lại những cơ chế chính sách hỗ trợ DN và điều chỉnh bất cập còn tồn tại để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho các nhóm ngành công nghiệp phát triển.

PGS.TS. Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cũng cho rằng, thành phố cần thay đổi hướng tiếp cận trong việc khuyến khích phát triển công nghiệp theo hướng ưu tiên phương thức sản xuất thông minh, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất sản phẩm công nghiệp thay cho việc lựa chọn các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển. Đồng thời, cần dựa trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số, gắn với kinh tế vùng.

Hiện nay xu hướng chung của hầu hết Tập đoàn đa quốc gia là nắm giữ các khâu tạo ra giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị, đó là khâu nghiên cứu và phát triển (R&D), thiết kế, xây dựng thương hiệu, tiếp thị, phân phối, dịch vụ hậu mãi... Đối với những khâu tạo ra giá trị gia tăng thấp, Tập đoàn đa quốc gia chuyển các dự án lắp ráp, sản xuất vào nước đang phát triển nhằm tận dụng lợi thế nhân công giá rẻ và ưu đãi của Chính phủ về đất đai và thuế. Sự thay đổi chuỗi giá trị toàn cầu trong thời gian gần đây đặt Việt Nam vào vị trí cơ sở sản xuất quan trọng hơn khi Trung Quốc đang dần trở thành một thị trường tiêu thụ thay vì sản xuất, nhất là trong bối cảnh chiến tranh thương mại Trung - Mỹ sẽ kéo dài. Đây là cơ hội cho Việt Nam trở thành cơ sở sản xuất hàng XK sang Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản và Trung Quốc.

Thực hiện chủ trương phát triển công nghiệp của thành phố, ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, 4 nhóm ngành công nghiệp trọng điểm của thành phố gồm: Cơ khí; điện tử - công nghệ thông tin; hóa dược - cao su; chế biến tinh lương thực - thực phẩm và ngành công nghệ sinh học, công nghiệp sạch, tiết kiệm năng lượng; công nghiệp thời trang ngành dệt may - da giày, công nghiệp thiết kế... sẽ chuyển dịch dần từ hoạt động gia công lắp ráp, thâm hụt lao động sang hoạt động sản xuất, tiến đến XK. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục phát triển khu công nghiệp công nghệ cao; bố trí sản xuất vào khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ phát triển công nghiệp cơ khí, điện tử - tin học; hạn chế thu hút các dự án đầu tư mới thâm dụng lao động phổ thông.

Tính đến nay, giá trị gia tăng công nghiệp TPHCM chiếm khoảng 32,3% sản lượng công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và đóng góp khoảng 16% quy mô sản xuất công nghiệp toàn quốc. Công nghiệp có đóng góp quan trọng trong Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố, trong đó, 4 ngành công nghiệp trọng yếu đóng vai trò quan trọng trong phát triển toàn ngành công nghiệp.

Nguyễn Huế

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/tphcm-uu-tien-cong-nghiep-cong-nghe-cao-117424.html