TPP châm ngòi cuộc chạy đua FTA châu Á

(PL&XH)-Vừa qua, tại Honolulu thuộc bang Hawai (Mỹ), lãnh đạo các nước Việt Nam, Australia, Brunei, Chile, Malaysia, New Zealand, Peru, Singapore và Mỹ đã công bố những nét chính của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Đây là cột mốc quan trọng trong tầm nhìn chung của 9 nước về việc thiết lập một hiệp định khu vực toàn diện và thuộc thế hệ mới, trong đó tiến hành tự do hóa thương mại và đầu tư, giải quyết các vấn đề thương mại mới và truyền thông cũng như các thách thức của thế kỷ 21.

Các nhà lãnh đạo tin tưởng rằng TPP sẽ là một hình mẫu cho các Hiệp định thương mại tự do (FTA) trong tương lai, thúc đẩy các mối liên kết chặt chẽ giữa các nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và hỗ trợ tạo việc làm, mang lại mức sống cao hơn và giảm đói nghèo cho người dân tại mỗi nước thành viên. Trên cơ sở những tiến bộ đã đạt được, lãnh đạo 9 nước tham gia TPP cam kết dành những nguồn lực cần thiết để hoàn tất hiệp định mang tính biểu tượng này trong thời gian sớm nhất có thể. Hiện vẫn còn một số vấn đề nhạy cảm và khác biệt giữa các nước thành viên chưa được đàm phán và các nhà lãnh đạo đã nhất trí cùng tìm ra những cách thức phù hợp để giải quyết trong một gói cam kết tổng thể và cân bằng, trong đó tính đến sự đa dạng về trình độ phát triển của mỗi nước thành viên. Các nhà lãnh đạo cho rằng những tiến bộ đạt được sẽ giúp hướng tới mục tiêu cuối cùng là tự do hóa thương mại khu vực Thái Bình Dương.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (thứ 3 từ trái sang) tham dự cuộc họp cấp cao TPP tại Honolulu

Theo giới phân tích, quyết định của Nhật Bản mới đây về việc tham gia các cuộc đàm phán TPP đã gây ảnh hưởng lớn đối với các nước khác ở châu Á. Trong số các nước ở châu Á, Trung Quốc tỏ ra rất nhạy cảm trước quyết định của Nhật Bản tham gia các cuộc đàm phán về TPP. Do Mỹ ưu tiên đặc biệt đối với TPP nên Bắc Kinh lo ngại rằng việc Nhật Bản tham gia TPP sẽ giúp Washington chiếm được thế thượng phong trong việc hợp tác kinh tế với khu vực. Vì vậy, Trung Quốc đã tiếp cận Nhật Bản để tìm kiếm sự hợp tác của nước này trong việc thúc đẩy một Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) có phạm vi rộng hơn ở châu Á. Tại Hội nghị Bộ trưởng Thương mại Đông Á ở Indonesia hồi tháng 8-2011, các bộ trưởng từ 16 nước, trong đó có 10 nước thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đã đạt được thỏa thuận về việc thành lập nhóm công tác về FTA khu vực theo đề xuất chung của Nhật Bản và Trung Quốc. Một số người đã ủng hộ việc hình thành một khuôn khổ gồm 10 nước thành viên ASEAN cùng với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, Nhật Bản tỏ ra thận trọng về một khuôn khổ như vậy bởi nước này lo ngại Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng quá lớn trong tổ chức này. Vì vậy, Nhật Bản đã đề xuất một khuôn khổ có sự tham gia của Ấn Độ, Australia và New Zeakand cùng với ASEAN+3. Tuy nhiên, các nước ASEAN cho rằng cả hai khuôn khổ như vậy đều không hấp dẫn do lo ngại rằng Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ lấn át các nền kinh tế trong ASEAN. Các nước thành viên ASEAN đang quan tâm tới các hiệp định FTA với nhiều nước hơn là chỉ trong khuôn khổ ASEAN+3 hoặc ASEAN+6.

Tất cả các nước châu Á đều có chung mối lo ngại rằng họ sẽ bị cô lập nếu một khuôn khổ khu vực nào đó được hình thành. Vì vậy, việc Thủ tướng Nhật Bản Noda công bố quyết định của Nhật Bản tham gia đàm phán về TPP đã khiến các nước châu Á khác thay đổi thái độ. Thái Lan là một nước như vậy. Ngành công nghiệp của Thái Lan đang kêu gọi Chính phủ nước này tham gia đàm phán về TPP bởi vì Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Thái Lan sau Trung Quốc và Nhật Bản. Như vậy, có thể thấy các khuôn khổ về hợp tác kinh tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang ngày càng trở nên phức tạp do sự bế tắc của vòng đàm phán Doha về tự do hóa thương mại đa phương của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), và chính TPP đã châm ngòi cho một cuộc chạy đua FTA ở châu Á.

Minh Tâm

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/20111116090320565p1003c1036/tpp-cham-ngoi-cuoc-chay-dua-fta-chau-a.htm