TPS: Tỷ giá hạ nhiệt thu hút thêm dòng tiền ngoại vào thị trường chứng khoán

P/E của VN-Index hiện ở quanh mức 11,25 lần, thấp hơn nhiều so với P/E trung bình 5 năm là 16 lần. Cho cả năm 2022, TPS đánh giá tăng trưởng EPS của thị trường dự kiến trên 20% và mức P/E định giá hiện tại chỉ tương đương 10 lần.

Trong báo cáo chiến lược tháng 12/2022 cập nhật ngày 8/12, CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS) đánh giá, nhịp phục hồi của VN-Index bắt đầu khi các rủi ro đã được phản ánh vào giá.

Đáng chú ý, sự đảo chiều của VN-Index cuối tháng tháng 11 đã giúp thị trường chứng khoán Việt Nam bắt nhịp với xu hướng phục hồi của thị trường toàn cầu. Việc Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) truyền đi các thông tin về việc chính sách “diều hâu” sẽ bớt khốc liệt hơn sau báo cáo CPI tháng 10 và xác suất cao Fed sẽ chỉ tăng thêm 50 điểm cơ bản trong kỳ họp giữa tháng 12 sắp tới (thay vì mức đáng quan ngại là 75 điểm), đã giúp ổn định tâm lý thị trường và giúp nhà đầu tư kỳ vọng về việc tổ chức này sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm sau.

Bước sang tháng 12/2022, TPS kỳ vọng đà hồi phục này sẽ tiếp tục được duy trì sau thời gian suy giảm mạnh trước đó, tương tự như giai đoạn tháng 07-08/2022 vì ở giai đoạn này, các cú shock về các mức tăng lãi suất của Fed đã qua đi và thị trường đang đón nhận các thông tích cực như:

Chính quyền Trung Quốc đã nới lỏng một số biện pháp kiểm soát dịch, thanh khoản thị trường bùng nổ, tỷ giá hạ nhiệt, Ngân hàng Nhà nước công bố nới room tín dụng thêm 1,5-2% cho toàn hệ thống cùng việc một số ngân hàng thương mại đã bắt đầu giảm lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, rủi ro là vẫn còn khi quan ngại việc chủ tịch Powell sẽ có những động thái đi ngược với phát ngôn của mình trước đó nhằm đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%, sau khi báo cáo việc làm của Mỹ tháng 11 vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Fubon FTSE còn dư địa giải ngân lớn

Nhóm phân tích nhận định, câu chuyện thu hút dòng tiền từ khối ngoại trong tháng cuối năm vẫn sẽ đổ dồn sự chú ý vào diễn biến tỷ giá Việt Nam. Mặc dù tỷ giá bán USD/VND của Ngân hàng Nhà nước vẫn gần như chạm trần nhưng tỷ giá mua USD tại ngân hàng thương mại với đại diện là Vietcombank và tỷ giá thị trường tự do đã có sự điều chỉnh mạnh, qua đó cho thấy áp lực tỷ giá đã hạ nhiệt rõ rệt.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell trong bài phát biểu mới đây đã chỉ ra rằng, tốc độ tăng lãi suất có thể chậm lại trong thời gian tới. Điều đó đã kéo chỉ số DXY tiếp tục giảm mạnh, mất 8,4% so với mức đỉnh năm 2022 và góp phần hạ nhiệt tỷ giá USD/VND. Tuy nhiên, rủi ro chỉ số này bật tăng trở lại là vẫn còn khi cuộc họp FOMC sắp tới sẽ diễn ra vào giữa tháng 12.

Theo TPS, tỷ giá USD/VND nếu tiếp tục được kiểm soát tốt sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam thu hút dòng vốn ngoại. Các quỹ ETFs ghi nhận dòng tiền vào ròng rất tích cực trong tháng 11, đạt gần 7.900 tỷ đồng, chủ yếu ghi nhận ở các quỹ ETFs ngoại. Đây là tháng ghi nhận dòng tiền vào ròng mạnh nhất từ đầu năm 2022, nâng tổng giá trị vào ròng lũy kế 11 tháng lên mức 18.600 tỷ đồng.

Trong đó, Fubon FTSE Vietnam ETF (quỹ ngoại đến từ Đài Loan, Trung Quốc) nổi bật hơn cả với động thái mua ròng hơn 2.800 tỷ đồng. Quỹ này tiếp tục duy trì động thái mua ròng thứ 11 liên tiếp với giá trị lũy kế đạt hơn 10.100 tỷ đồng.

Theo thông tin được công bố, Fubon FTSE Vietnam ETF đã được Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài chính thông qua đợt huy động vốn bổ sung lần thứ 4 với số vốn 5 tỷ TWD, tương đương khoảng 4.000 tỷ đồng, bắt đầu tiến hành gọi vốn từ ngày 29/11. Ngay sau đó, trong phiên giao dịch từ ngày 29/11-5/12, quỹ này đã lần lượt phát hành ròng 139 triệu chứng chỉ quỹ, đạt 1,6 tỷ TWD, tương ứng gần 1.300 tỷ đồng và toàn bộ đã được giải ngân mua cổ phiếu Việt Nam.

Tính đến ngày 5/12/2022, lượng tiền huy động trong đợt huy động vốn lần 4 của Fubon FTSE mới chỉ đạt 1,6 tỷ Tân Đài Tệ (TWD), đồng nghĩa với dư địa còn 3,4 tỷ TWD để đạt mục tiêu 5 tỷ TWD. Do đó, trong tháng cuối năm, thị trường Việt Nam vẫn sẽ đón nhận dòng vốn giải ngân từ quỹ này.

Thời điểm hợp lý để tích lũy cổ phiếu

Theo TPS, kết thúc 11 tháng đầu năm 2022, P/E của VN-Index hiện ở quanh mức 11,25 lần, thấp hơn rất nhiều so với mức P/E trung bình 5 năm là 16. Cho cả năm 2022, nhóm phân tích đánh giá tăng trưởng EPS của toàn thị trường dự kiến trên 20% và mức P/E định giá hiện tại chỉ tương đương 10 lần.

Bên cạnh đó, khi so với các quốc gia trong khu vực, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đang hết sức hấp dẫn với P/E forward 2022 ở mức gần như thấp nhất nhưng lại có mức ROE thuộc nhóm cao nhất. Chính vì vậy, TPS đánh giá đây là thời điểm hợp lý để tích lũy những cổ phiếu có nội tại tốt, kết quả kinh doanh tích cực và thanh khoản cao.

Với thị trường tháng 12, trong kịch bản tích cực, nếu VN-Index có thể trở lại trên mức 1.130 điểm, TPS cho rằng đà đi lên của thị trường sẽ gia tăng và từ đó thu hút dòng tiền sôi động trở lại. Mục tiêu của chỉ số trong giai đoạn này là vùng 1.131-1.200 điểm.

Trong kịch bản trung lập, VN-Index sẽ biến động trong kênh giá 1.030-1.130 điểm với thanh khoản duy trì trên mức trung bình 20 phiên. Ở kịch bản tiêu cực, chỉ số nhiều khả năng sẽ kiểm lại lực mua tại mức tâm lý 1.000 điểm (tương đương vùng 1.000-1.029 điểm).

Phạm Ngọc

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/tps-ty-gia-ha-nhiet-thu-hut-them-dong-tien-ngoai-vao-thi-truong-chung-khoan-post15228.html