TQ kêu gọi chấm dứt thách cưới xa xỉ: Không nhà, không xe hơi

Chính phủ Trung Quốc hướng tới 'cải cách toàn diện' phong tục cưới hỏi trước sự biến tướng của nghi lễ thách cưới với tổng giá trị sính lễ gấp hàng chục lần thu nhập của chú rể.

Theo Guardian, tại hội nghị về cải cách đám cưới ở Tế Nam, tỉnh Sơn Đông vào ngày 30/11, Bộ Nội chính Trung Quốc kêu gọi chấm dứt các tục lệ cưới xin bao gồm quà cưới đắt đỏ, nghi lễ xa xỉ và thách cưới với lễ vật giá ngất ngưởng.

Giới chức cho rằng đám cưới nên “phản ánh đúng hơn” giá trị và mục tiêu của đất nước, cũng như hiện thực hóa “Tư tưởng Tập Cận Bình”. Theo nhận định của các quan chức, nghi lễ đám cưới hiện nay bị lên án là biểu hiện của "sự tôn thờ tiền bạc quá trớn”.

Sính lễ ở Trung Quốc thường cao gấp nhiều lần thu nhập của chú rể. Ảnh: CGTN.

Những lời chỉ trích chủ yếu nhắm vào khu vực nông thôn, nơi chi phí cưới xin tăng vọt trong 2 thập kỷ qua. Chính phủ yêu cầu các cơ quan và ủy ban địa phương phụ trách đám cưới, đám tang phải quản lý và đưa ra “nghi lễ cưới hỏi phù hợp”.

Sau hàng chục năm kế hoạch hóa gia đình, số phụ nữ ở Trung Quốc hiện nhiều hơn nam giới khoảng 30 triệu người. Hậu quả của tư tưởng trọng nam khinh nữ và tình trạng thiếu phụ nữ đã đẩy giá của mỗi cô dâu lên cao.

Sính lễ ở nông thôn thường gấp hàng chục lần thu nhập của người đàn ông đi hỏi vợ. Gia đình cô gái không chỉ có thể thách cưới bằng tiền mặt mà còn yêu cầu trang sức, nhà, xe và nhiều lễ vật khác.

Tại làng nông nghiệp Da’anliu, tỉnh Hồ Bắc, hầu hết dân địa phương kiếm được 20.000 nhân dân tệ (2.800 USD) mỗi năm bằng nghề trồng lê. Tuy nhiên, sính lễ ở đây có thể lên cao tới hơn 200.000 nhân dân tệ (gần 30.000 USD), trước khi giới chức ban hành quy định hồi tháng 8 rằng những cá nhân trả hơn 20.000 nhân dân tệ xin cưới sẽ phải đối mặt với tội danh buôn bán người.

Chính phủ khuyến khích tổ chức đám cưới tập thể "thanh lịch và giàu ý nghĩa". Ảnh: VCG.

Sính lễ được coi là quan trọng, thể hiện vị thế của cả hai bên gia đình và có thể được liệt kê một cách rất cụ thể. Hồi năm 2016, CCTV đưa tin các gia đình tại tỉnh Sơn Đông yêu cầu lễ vật phải bao gồm một bộ hoa tai, dây chuyển vàng, một căn nhà và một chiếc ôtô. Nhà trai cũng phải trả cho nhà gái 10.000 tờ 5 tệ, 1.000 tờ 100 tệ và 1 tờ 50 tệ, tương đương tổng số tiền 150.050 nhân dân tệ (21.500 USD).

Trong nhiều năm qua, chính quyền địa phương đã nỗ lực kiểm soát chi phí cưới hỏi. Bắt đầu từ tháng 12 năm nay, trước tình trạng sính lễ có thể lên tới hơn 100.000 tệ (gần 15.000 USD), chính quyền huyện tự trị Hỗ Trợ thuộc tỉnh Thanh Hải, đã hạn chế lễ vật không được vượt quá 60.000 nhân dân tệ (8.600 USD).

Năm 2017, huyện Đài Tiền, tỉnh Hà Nam, ban hành bộ quy chuẩn giới hạn số khách mời đám cưới không quá 10 bàn hoặc 200 người, và tổng giá trị quà cưới không được phép vượt 60.000 nhân dân tệ. Các gia đình không được tặng nhà, xe làm quà cưới, và cũng không được phép vay nợ để chi trả cưới xin.

Theo giới nghiên cứu, việc thay đổi tục lệ cưới hỏi, đặc biệt ở vùng nông thôn, nơi truyền thống đã ăn sâu bám rễ, sẽ là thách thức lớn. Chính phủ Trung Quốc đề xuất chính quyền địa phương nên khuyến khích thay thế đám cưới đắt đỏ bằng các sự kiện khác, ví dụ như lễ cưới tập thể mà được cho là “thanh lịch và giàu ý nghĩa”.

Bên trong ngôi làng 'ế vợ' ở Trung Quốc Nằm ở phía đông Trung Quốc, làng Laoya (Lão Áp) ở tỉnh An Huy được xem là "làng ế vợ" khi có tới hơn 100 đàn ông độc thân trên tổng dân số 1.600 người.

Ngọc Hà

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tq-keu-goi-cham-dut-thach-cuoi-xa-xi-khong-nha-khong-xe-hoi-post897670.html