Trả bờ biển cho cộng đồng

Muộn còn hơn không. Sai lầm về quy hoạch đất đai ven biển từ hơn 20 năm về trước đã được lãnh đạo các tỉnh, TP duyên hải miền Trung nhìn nhận một cách nghiêm túc.

Giá phải trả cho mỗi héc ta bờ biển đã cấp cho nhà đầu tư làm khách sạn, resort không phải bằng tiền mà là mất mát vô cùng lớn về giá trị được thiên nhiên ưu ái, ban tặng như lời Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa: “Biển ngàn đời gắn bó với dân nhưng dân lại không được nhìn thấy biển!”.

Vịnh biển Đà Nẵng bị san lấp làm khu đô thị quốc tế Đa Phước vào năm 2010.

Vịnh biển Đà Nẵng bị san lấp làm khu đô thị quốc tế Đa Phước vào năm 2010.

Từ đầu năm 2018 đến nay, ông Trương Quang Nghĩa và tập thể lãnh đạo TP Đà Nẵng đã hành động quyết liệt, thể hiện quyết tâm chính trị rất cao trong việc đòi lại từng m2 bờ biển để mở lối đi, làm công viên phục vụ lợi ích cộng đồng. Bờ biển và mặt nước biển của Đà Nẵng thực sự bị cát cứ, chiếm dụng kể từ năm 2008. Hơn 10 năm qua, bờ biển, mặt biển Đà Nẵng không ngừng bị băm xé, bị san lấp. Cho đến nay, hơn 25 cây số bờ biển phía Đông Đà Nẵng kéo dài từ bán đảo Sơn Trà đến giáp Điện Ngọc của Quảng Nam, vẫn chi chít dự án resort, khách sạn cao cấp. Nhiều dự án đã hoàn thiện đi vào sử dụng và cũng có rất nhiều dự án đang còn bị chủ đầu tư dựng hàng rào giữ đất. Hơn 20 năm trước, người Đà Nẵng từng phẫn nộ vì không được phép đi qua bãi biển trước mặt một số khu resort. Sự phẫn nộ theo thời gian cũng nguôi ngoai, thay vào đó là dáng đứng dáng ngồi đau đáu trông ra biển. Bờ biển được cấp phép cho nhà đầu tư và họ đã dựng lên các bức tường bao quanh resort, khách sạn khiến người dân Đà Nẵng chỉ còn biết hướng về nơi sóng vỗ gầm gào bằng nỗi niềm khắc khoải nhớ nhung.

Đà Nẵng có 2 mặt giáp biển nhưng du khách đến TP này vẫn dễ dàng gặp ngư dân các làng biển của quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Thanh Khê, Liên Chiểu ngồi bó gối buồn tênh trước những mảng tường, hình khối bê tông án ngữ tầm nhìn ra biển. Năm 2010 khi bãi tắm Thanh Bình của quận Hải Châu bị san lấp làm khu đô thị quốc tế Đa Phước (trở thành khối bất động sản khổng lồ trị giá hàng chục ngàn tỷ đồng của đại gia cò đất Vũ “nhôm”); ngư dân chài lưới cũng chỉ biết thở dài hỏi vu vơ: “ Đất trên bờ thiếu chi!? Răng lạ rứa hè?!”. Có thể trong quy hoạch chiến lược, lãnh đạo TP Đà Nẵng lúc bấy giờ hình dung vẻ đẹp hiện đại của một khu đô thị mới, xây ở nơi từng là biển trong khi người dân đứng ở nơi biển bị lấp nhìn về phía Đông lại có cảm giác như mất đi một cái gì đó thật gần gũi, thật lớn lao tồn tại bao đời trong câu dân ca “chiều chiều mây phủ Sơn Trà”.

Đầu năm 2018, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cùng tập thể lãnh đạo TP từng phải trực tiếp đến hiện trường dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô (quận Liên Chiểu) trực tiếp lắng nghe tâm tư bức xúc của người dân về tình trạng chủ đầu tư cát cứ bờ biển. Ông Trương Quang Nghĩa sau đó đã chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền thương thuyết với chủ đầu tư, điều chỉnh quy hoạch trả lại con đường xuống biển cho dân. Những diễn biến trong thời gian gần đây cho thấy TP Đà Nẵng đang nỗ lực khắc phục sai lầm trong quy hoạch bờ biển. Rõ nét nhất là vào đầu tháng 10/2018, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ, ký quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng công viên công cộng kết hợp bãi tắm (trên diện tích 85.000 m2 đất dự án khu du lịch ven biển Hòn Ngọc Á Châu ở phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn bị thu hồi) phục vụ người dân và du khách. 71.806 m2/85.000 m2 tổng diện tích được quy hoạch sẽ trở thành công viên công cộng gồm quảng trường, khu vui chơi trẻ em, khu dã ngoại, khu vực tố chức sự kiện, cây xanh, thảm cỏ, khối phục vụ, đường giao thông nội bộ, bãi xe. Đáng chú ý là bãi cát bờ biển của công viên có diện tích lên đến 13.194 m2. Việc thu hồi đất ven biển quy hoạch thành công viên phục vụ lợi ích cộng đồng nằm trong kế hoạch mở lối xuống biển cho dân trước tình trạng hơn 25 km bờ biển phía Đông và gần 30 km bờ vịnh biển phía Bắc bị cát cứ, chiếm dụng

Nhìn ở mọi góc độ, có thể thấy quyết tâm chính trị của lãnh đạo TP Đà Nẵng trong thu hồi đất ven biển không đơn thuần là khắc phục sai lầm về quy hoạch mà còn thể hiện tính nhân văn sâu sắc trong bảo vệ thiên nhiên, môi trường, tạo không gian rộng mở cho cộng đồng. Nhiều diện tích khi thu hồi phải đền bù cho chủ đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhưng Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ khẳng định, đây là chủ trương xuyên suốt trong điều chỉnh quy hoạch không gian đô thị của TP.

Trong khi lãnh đạo TP Đà Nẵng nỗ lực thu hồi bờ biển thì những ngày này, dư luận đang đặc biệt quan tâm đến việc UBND tỉnh Bình Định quyết định cho di dời cùng lúc 3 khách sạn lớn án ngữ dải bờ biển phía Đông đường An Dương Vương của TP Quy Nhơn. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng khẳng định: “Không gian biển là của cộng đồng, biển Quy Nhơn sẽ không còn rào chắn”, đã tạo niềm tin lớn trong đời sống xã hội về khắc phục sai lầm quy hoạch trong quá khứ.

Chuyện bờ biển bị băm nát, bị bán, rộ lên từ hàng chục năm nay. Theo thống kê, trên 80% khách du lịch chọn điểm đến ở Việt Nam là biển. Đến năm 2020, doanh thu du lịch từ các địa phương có biển ở Việt Nam sẽ đóng góp 50% GDP. Con số này là khả thi khi các tỉnh, TP miền Trung có dải bờ biển thông thoáng.

Dương Thanh Tùng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/tra-bo-bien-cho-cong-dong-tintuc439390