Trả đến 150 triệu đồng/tháng vẫn chưa thu hút chuyên gia và nhà khoa học

Ngày 5-3, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến phản biện về đề án thu hút chuyên gia, nhà khoa học và lao động sáng tạo trẻ về công tác tại các sở, ban, ngành và các khu công nghệ cao của thành phố giai đoạn 2018-2022.

Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Đỗ Văn Đạo cho biết, ngay từ năm 2014, để giải quyết tình trạng “khát” nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, thành phố đã thí điểm chính sách thu hút các chuyên gia, nhà khoa học vào làm việc tại 4 đơn vị là Khu công nghệ cao; Khu nông nghiệp công nghệ cao; Viện khoa học công nghệ tính toán và Trung tâm công nghệ sinh học với mức thu nhập tối đa lên đến 150 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách này chưa tạo được kết quả đột phá như mong muốn, nhất là mục tiêu thu hút các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong các viện nghiên cứu khoa học, công nghệ và từ trường đại học danh tiếng nước ngoài.

Các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu về cây lúa tham gia vào dự án bảo tồn giống lúa nổi ở đồng bằng sông Cửu Long do một doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh đầu tư.

Trong 4 năm, thành phố chỉ thu hút được 15 chuyên gia, trong đó có 5 chuyên gia người nước ngoài và 8 chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài. Thế nhưng đến nay cũng chỉ còn lại 10 người đang tiếp tục làm việc cho thành phố. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên - theo ông Đạo, việc thu hút chuyên gia chủ yếu phụ thuộc vào quá trình tự tìm kiếm, mời gọi của các đơn vị có nhu cầu thuê chuyên gia nên chất lượng chưa đồng đều dù cơ chế chính sách đãi ngộ đã cao hơn nhiều so với mặt bằng chung tại thành phố.

Lãnh đạo Sở Nội vụ còn cho biết, trong quy chế thu hút chuyên gia, nhà khoa học của thành phố những năm vừa qua còn có những yêu cầu bất hợp lý như người muốn làm việc cho thành phố phải trong tình trạng “tự do”, không bị ràng buộc bởi cơ quan, tổ chức, DN trong và ngoài nước. Điều này đã khiến nhiều chuyên gia e ngại, hạn chế cơ hội hợp tác với các cơ quan, đơn vị của thành phố.

Để khắc phục tình trạng trên, đề án thu hút nhân tài thành phố đưa ra lần này không quá tập trung vào việc xem xét tiêu chuẩn bằng cấp của người tài mà chú trọng kết hợp kết quả học tập lẫn kết quả nghiên cứu, công trình khoa học đã công bố và kết quả công tác trước đây.

Cụ thể, ngoài điều kiện về hồ sơ làm việc, chuyên gia, nhà khoa học phải có học hàm giáo sư, phó giáo sư, có trình độ tiến sỹ và tương đương. Trường hợp không phải là tiến sỹ thì cần có trình độ thạc sỹ tốt nghiệp loại giỏi ở trong nước hoặc từ các trường đại học ở nước ngoài và có từ 2 công trình nghiên cứu khoa học được công bố trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế trở lên. Ứng viên lao động trình độ cao phải có thời gian làm việc thực tế ở lĩnh vực chuyên môn ít nhất 5 năm cũng như có thành tích nghiên cứu là danh hiệu, giải thưởng nghiên cứu khoa học các cấp.

Đối với lao động sáng tạo trẻ, các đối tượng có độ tuổi, trình độ học tập và nghiên cứu khoa học theo quy định của Chính phủ. Sau khi vượt qua 2 vòng từ hội đồng tuyển chọn, người có trình độ giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ hoặc tương đương được thành phố trợ cấp 100 triệu đồng và được hưởng hệ số lương là 9,40. Những trường hợp còn lại được trợ cấp 1 lần là 80 triệu đồng và hưởng hệ số lương 8,80…

Những chuyên gia, nhà khoa học có nhu cầu về nhà ở, nếu không bố trí được nhà công vụ, sẽ được ngân sách hỗ trợ 50% tiền thuê nhà nhưng không quá 7 triệu đồng/tháng. Thời gian ký hợp đồng làm việc tùy theo công trình nhưng không quá 18 tháng…

Góp ý với đề án này, GS-TS Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học - kỹ thuật thành phố cho rằng đề án cần phân định rạch ròi giữa việc tuyển dụng nhân tài và thu hút nhân tài bởi tuyển chọn nhân tài cho các tổ chức khoa học, công nghệ, kỹ thuật khác với tuyển chuyên viên cho cơ quan Nhà nước. Đối với nguồn trí thức từ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, GS.TS Nguyễn Ngọc Giao cũng bày tỏ băn khoăn khi có đến trên 400 ngàn người nhưng hiện mới chỉ thu hút được khoảng 300 người.

Phó GS.TS Đặng Văn Phan, thành viên Hội đồng khoa học - Ủy ban MTTQ thành phố nhìn nhận, đề án chỉ đặt vấn đề thu hút người tài vào các sở, ngành và khu công nghệ cao chứ không phải là cho DN hay các tổ chức khác và cả nền kinh tế của thành phố. Đồng thời, vị chuyên gia này cũng đề nghị thành phố cần thu hút nhân tài ngay từ khi chưa có dự án nghiên cứu khoa học được thành phố phê duyệt để phát huy tính sáng tạo, chất xám của người tài và phải có cơ chế để phát triển, nuôi dưỡng người tài, ươm mầm tài năng.

Từ kinh nghiệm thu hút, tuyển chọn, quản lý chuyên gia của mình, GS-TS Nguyễn Kỳ Cùng, Phó Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ, Viện trưởng Viện công nghệ tính toán nêu quan điểm, vấn đề lương hay thu nhập đối với lao động trí thức và các nhà khoa học Việt kiều chưa hẳn đã quan trọng mà quan trọng hơn là môi trường làm việc, cách thức đối xử với họ. Hơn thế, giới chuyên gia, nhà khoa học thường “dị ứng” với thủ tục hành chính khi tiến hành các bước nộp hồ sơ cá nhân vào làm việc nên vấn đề này cần mềm mỏng, uyển chuyển hơn.

Góp ý về nội dung thu hút lao động sáng tạo trẻ, Phó GS.TS Trương Thị Hiền, nguyên Giám đốc Học viện cán bộ thành phố nêu ý kiến, quy định về tiêu chuẩn tuyển dụng với đối tượng này của Chính phủ là để áp dụng chung cho cả nước. Nay thành phố thực hiện cơ chế đặc thù nên cần có những quy định khác hơn chứ không nên áp theo.

Cũng theo Phó GS.TS Trương Thị Hiền, quy định sinh viên tốt nghiệp đại học phải có 5 năm làm việc thực tế là chưa hợp lý mà cần mở rộng ra cả các đối tượng vừa tốt nghiệp từ các trường đại học danh tiếng trong và ngoài nước đã có sáng kiến, công trình khoa học được các quốc gia sở tại hay bộ, ngành trong nước công nhận…

Đ.Thắng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/tra-den-150-trieu-dong-thang-van-chua-thu-hut-chuyen-gia-va-nha-khoa-hoc-480822/