Trả đũa ngoại giao và hơn thế

Cuộc chiến ngoại giao giữa nhiều nước phương Tây và đồng minh với Nga tiếp tục leo thang căng thẳng và gay cấn, vẫn rất sôi động và thu hút sự quan tâm của thế giới, vẫn nhiều khả năng còn tiếp diễn dài dài chứ chưa thấy lấp ló triển vọng sớm chấm dứt.

Các nhà ngoại giao Nga bị Mỹ trục xuất rời khỏi đại sứ quán ở Washington D.C ngày 31.3.2018. Ảnh: AFP

Chiến dịch trả đũa chưa từng thấy

Chuyện các nước trục xuất lẫn nhau các nhà ngoại giao, hoặc thậm chí có hẳn liên quân, liên thủ nhiều nước cùng nhau trục xuất các nhà ngoại giao của 1 nước vốn đã từng xảy ra ở thời Chiến tranh Lạnh. Nhưng với mức độ như hiện tại giữa nhiều nước phương Tây và Nga thì xưa nay đúng là chưa từng thấy.

Cho tới nay, đã có 27 quốc gia và NATO tham gia chiến dịch trục xuất các nhà ngoại giao Nga để thể hiện tình đoàn kết với Anh và để hậu thuẫn Anh trong quan hệ của đảo quốc này với Nga. Mối quan hệ ấy vốn đã chẳng êm đẹp gì từ nhiều năm nay và hiện đã trở nên tồi tệ chưa từng thấy bởi Anh cho rằng, Nga đứng sau vụ đầu độc 2 bố con điệp viên 2 mang người Nga Sergey Skripal ở Anh.

Điều đáng chú ý ở đây thứ nhất là, cả Anh lẫn các đồng minh và đối tác của Anh cho tới tận thời điểm hiện tại không đưa ra được bất cứ bằng chứng cụ thể và xác thực nào có thể công khai chứng minh được là Nga chủ mưu tiến hành vụ đầu độc. Tổ chức cấm vũ khí hóa học của LHQ (OPCW) đang tiến hành điều tra vụ việc ở Anh và chưa đưa ra bất cứ kết quả, kết luận hay bình luận gì. Tức là, mọi cáo buộc và những biện pháp đã được Anh cùng đồng minh và đối tác áp dụng để gây áp lực và trừng phạt Nga đều dựa trên thông tin tình báo bí mật của Anh, dựa trên sự tin tưởng của các đối tác về thông tin của Anh, và dựa trên cách tiếp cận của họ là cho dù sự thật có như thế nào thì Anh vẫn đáng được tin cậy hơn là Nga.

Thứ hai, các nước này quyết định trục xuất các nhà ngoại giao Nga trong nhận thức rằng sẽ bị Nga trả đũa tương ứng, không chỉ vì thông lệ trong thế giới ngoại giao là như thế, mà còn vì Nga không thể không như thế nếu muốn bảo tồn thể diện, không muốn bị coi là yếu thế và muốn chứng tỏ không dính dáng gì đến vụ đầu độc 2 bố con nhà Skripal. Cách suy tính lợi ích của phía Anh và các đồng minh, đối tác là phải hành động như vậy để chi phối dư luận quốc tế tin rằng Nga là thủ phạm, còn việc bị Nga trả đũa sẽ được nhìn nhận là “đã biết trước” hay “không ngoài trù tính trước” hoặc “thông lệ ngoại giao là thế”.

Từ bị động đến chủ động

Điều họ có thể không tính đến, hoặc không tính hết là, Nga không chỉ trả đũa ngoại giao mà còn dùng việc trả đũa này làm sách lược xử lý quan hệ của Nga với từng đối tác, để xoay chuyển tình thế, chuyển từ bị động đối phó sang chủ động tấn công ngoại giao.

Điều này thể hiện trên mấy phương diện sau:

Thứ nhất, Nga đang không vơ đũa cả nắm trong trả đũa ngoại giao. Nguyên tắc và thông lệ trong thế giới ngoại giao đúng là có đi có lại, ăn miếng trả miếng và người sao ta vậy. Nhưng trong biện pháp, hình thức và mức độ trả đũa ngoại giao lần này của Nga có sự phân biệt giữa những nước đi đầu và hăng hái nhất và những nước tham gia chỉ để lấy tiếng, như thể không có sự lựa chọn nào khác vì bị ràng buộc vào trách nhiệm với đồng minh và đối tác. Có thể thấy, sự trả đũa của Nga rất quyết liệt và không khoan nhượng đối với Anh, Mỹ, Đức, Pháp và Hà Lan, còn đối với những nước khác thì như bình thường. Nga dùng những mức độ khác nhau và biểu thị thái độ khác nhau như thế để phân hóa nội bộ phía bên kia và để giữ dư địa cũng như con chủ bài cho vòng ăn miếng trả miếng tới đây, nếu như nó xảy ra.

Thứ hai, Nga thể hiện thái độ rất cứng rắn đối với phương Tây và qua đó cho thấy, không chỉ trong vụ việc cụ thể này mà trong chuyện quan hệ với phương Tây nói chung, Nga không ngại tiếp tục leo thang căng thẳng và đối đầu. Nga đóng cửa tổng lãnh sự quán Mỹ ở St. Petersberg vốn được coi là tổng lãnh sự quán quan trọng nhất của Mỹ ở Nga. Thành phố này còn được coi là cửa ngõ của Nga về phương Tây. Nga còn trục xuất thêm hơn 50 nhà ngoại giao của Anh để cân bằng số lượng nhân viên ngoại giao giữa 2 nước khiến Anh bị trục xuất gần 80 nhân viên ngoại giao.

Cuộc chiến ngoại giao này vì vậy chưa thể sớm chấm dứt, kể cả sau khi OPCW công bố kết quả và kết luận công việc điều tra ở Anh, vì mối quan hệ giữa các nước này và Nga đã vượt ra ngoài phạm vi tác động của vụ việc rồi.

NGẠC NGƯ

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/the-gioi/tra-dua-ngoai-giao-va-hon-the-598957.ldo