Trả lại bụng thon cho 'mẹ bầu'

Đối với người phụ nữ, sự thay đổi về hình dáng cơ thể, đặc biệt ở vòng bụng mạnh mẽ nhất là khi mang thai và sau khi sinh.

Có chị em có thể lấy lại vóc dáng xưa nhanh chóng nhưng cũng có người phải nhờ đến sự can thiệp của phẫu thuật thẩm mỹ để tránh mang tiếng “mẹ xề”. Một trong những phương pháp tái tạo vòng bụng được ưa chuộng hiện nay là tạo thành bụng sau sinh.

Quyết định cứng rắn

Chị Trần Thị Tuyết N., nhà ở quận 5- TP. Hồ Chí Minh, sau khi sinh con lần thứ hai, chị thấy da bụng mình chảy xệ, nhiều mỡ, vết rạn da chằng chịt do khi mang thai chị tăng cân nhiều (hơn 20 kg) nên quyết định tạo thành bụng.

Chồng chị và các chị em gái khuyên rằng không nên phẫu thuật thẩm mỹ vì dù gì đây cũng là một cuộc phẫu thuật và có rủi ro, hơn nữa có thể mặc quần áo là giấu được khuyết điểm. Nhưng chị N. vẫn quyết tâm thực hiện nhưng chị chọn cho mình một bệnh viện uy tín và có kinh nghiệm. Sau khi phẫu thuật được ba tháng, chị rất hài lòng với vòng hai như thời con gái của mình.

Ảnh minh họa: Internet

Ảnh minh họa: Internet

PGS.TS.BS. Đỗ Quang Hùng, Trưởng Khoa Tạo hình thẩm mỹ- Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, có hai nguyên nhân khiến da bụng người phụ nữ bị chảy xệ, rạn và nhiều mỡ.

Thứ nhất do quá trình mang thai, da bụng người mẹ bị giãn rộng cùng với sự phát triển của thai nhi. Thai nhi càng lớn thì da bụng càng bị giãn rộng gây ra các vết rạn. Thứ hai do sau khi sinh, người mẹ không thường xuyên vận động cũng khiến da bụng bị nhão không hồi phục dẫn đến chảy xệ.

Đối với các trường hợp ở mức độ nhẹ như giãn và nhão da, có những đường rạn nhẹ thì chỉ cần luyện tập và có chế độ ăn hợp lý và không cần phải phẫu thuật tạo thành bụng. Tuy nhiên, các trường hợp bị rạn da khắp bụng, ứ đọng nhiều mỡ, giãn thành bụng thì nên thực hiện phẫu thuật không chỉ để làm đẹp mà còn giảm bớt sự khó chịu, nặng nề và tăng sự tự tin.

Hình ảnh tạo lại thành bụng.

Tạo hình thành bụng được thực hiện thế nào?

PGS.TS.BS. Đỗ Quang Hùng cho biết, tạo hình thành bụng được thực hiện cụ thể trên từng người phụ thuộc vào mức độ nặng hay nhẹ với mục đích loại bỏ phần da bị hỏng (giãn, sẹo hay rạn) và căng lại da khỏe mạnh xung quanh.

Theo đó, bác sĩ sẽ cắt bỏ một vạt da lớn hình trám, tương ứng với toàn bộ hoặc một phần vùng giữa rốn và xương mu. Da ở sát trên, lành lặn, thường là nằm trên rốn, sẽ được phủ xuống dưới để tái tạo thành bụng mới với một lớp da chất lượng tốt hơn. Tiếp đó là tạo hình rốn. Hút mỡ dư thừa, căng lại các cơ thành bụng và băng định hình.

Trong quá trình thực hiện, cần tính toán kỹ các đường rạch da sao do da không bị thiếu hay thừa đồng thời phải đảm bảo đường rạch ngang bụng dưới phải nằm ở vị trí bên trong quần chíp, không bị lộ ra ngoài khi tắm biển hay mặc bikini.

Biến chứng có thể gặp

Biến chứng đáng sợ nhất khi tạo hình thành bụng là thuyên tắc phổi, thường gặp ở những người bị thuyên tắc tĩnh mạch chi dưới nên biện pháp ngăn ngừa là mang tất (vớ) chống huyết khối, ngồi dậy sớm sau phẫu thuật, điều trị chống đông máu…

Ảnh minh họa: Internet

Các biến chứng về nhiễm khuẩn có thể xảy ra cần sử dụng kháng sinh và đặt dẫn lưu; hoại tử da thường khu trú và có giới hạn; thay đổi cảm giác thành bụng, đặc biệt vùng dưới rốn nhưng cảm giác sẽ trở lại bình thường sau 3-12 tháng.

Bên cạnh những biến chứng này, PGS.TS.BS. Hùng còn cho biết, phẫu thuật thành bụng cũng có những trường hợp không đạt được mục đích như sẹo nhìn quá rõ, dính, không cân xứng hoặc bị kéo lên cao (không che được bởi quần chíp bên trong), rốn không ở đúng vị trí làm mất vẻ tự nhiên, hệ lông mu có thể bị xê dịch lên cao nếu mép da khâu bị căng quá mức.

Cơ sở nào thực hiện được tạo hình thành bụng?

PGS.TS.BS. Đỗ Quang Hùng cho biết, để thực hiện thành công một trường hợp tạo hình thành bụng cần có sự phối hợp của nhiều chuyên khoa như cận lâm sàng, gây mê, hồi sức… và cần có bác sĩ nhiều kinh nghiệm nên không phải cơ sở y tế nào cũng có thể triển khai phương pháp này.

Cụ thể trước khi thực hiện tạo hình thành bụng, người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định thực hiện các xét nghiệm cần thiết như các xét nghiệm máu, siêu âm bụng, siêu âm tim, X-quang tim phổi, điện tâm đồ… Người bệnh cũng sẽ được gây mê toàn thân vì thời gian phẫu thuật thường kéo dài, có thể đến ba giờ đồng hồ.

Ảnh minh họa: Internet

Không những thế, trong quá trình phẫu thuật có thể xảy ra biến cố bất ngờ cần có đơn vị hồi sức cấp cứu để ứng phó kịp thời. Do vậy, người bệnh cần sáng suốt lựa chọn cơ sở y tế hợp pháp có bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ tạo hình được đào tạo bài bản để đạt kết quả như mong muốn và tránh các hậu quả.

Theo Nguyễn Lê Phương/Sức khỏe và Đời sống

Nguồn PNSK: https://phunusuckhoe.vn/tra-lai-bung-thon-cho-me-bau-c20a309261.html