Trả lại mùa hè cho trẻ

Những ngày này, các trường học trên cả nước đang rộn ràng tổ chức lễ bế giảng năm học 2022-2023. Thế nhưng trước đó, nhiều bậc phụ huynh đã chia sẻ với nhau địa chỉ những trung tâm dạy các môn năng khiếu, các khóa học phát triển kỹ năng sống, tham gia trại hè... Tại các thành phố, nhiều bậc phụ huynh không khỏi băn khoăn về việc cho con học gì, chơi gì, ở đâu vào mỗi kỳ nghỉ hè. Trong điều kiện hiện nay, sân chơi cho trẻ ngày càng ít dần, nên để con trẻ vừa tránh xa các thiết bị điện tử, vừa có kỳ nghỉ hè đúng nghĩa là nỗi trăn trở của không ít gia đình.

Ảnh minh họa: TTXVN

Ảnh minh họa: TTXVN

Nghị định số 84/2020/NÐ-CP ngày 17-7-2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục nêu rõ, thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt là 8 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm. Quy định này đã có sự tham vấn ý kiến của các chuyên gia và nghiên cứu, tính toán rất cẩn trọng, khoa học của cả hệ thống giáo dục trong nước. Thời gian nghỉ rất quan trọng, giúp thầy và trò tái tạo nguồn năng lượng, chuẩn bị tâm thế thật tốt trước khi bắt đầu năm học mới. Đặc biệt với con trẻ, sau một năm học, kỳ nghỉ hè là để các con được vui chơi, thư giãn, được làm những việc mà ngày thường do phải đến trường chúng không thể thực hiện. Chuyện quản lý con trẻ là rất cần thiết, song quan trọng hơn là làm sao giúp trẻ có sân chơi bổ ích dịp nghỉ hè.

Theo các chuyên gia tâm lý, áp lực học hành kéo dài sẽ khiến trẻ em dễ rơi vào tình trạng rối loạn tâm lý, căng thẳng quá khả năng chịu đựng, dẫn đến những hành vi tiêu cực, khó kiểm soát. Các vụ việc học sinh tự tử gia tăng trong thời gian qua là hồi chuông cảnh báo khẩn cấp đến các bậc làm cha mẹ về vấn đề này. Vì vậy, cùng với việc học văn hóa, trẻ cũng rất cần được vui chơi, giải trí và trải nghiệm thực tế cuộc sống.

Với sự phát triển của xã hội hiện nay, có rất nhiều cách để giúp trẻ vừa được vui chơi mà vẫn được bồi đắp kỹ năng sống một cách tự nhiên. Ví như, cho trẻ theo học môn năng khiếu mà trẻ yêu thích như múa, hát, vẽ, võ... để phát triển năng khiếu. Hay tham gia các khóa học như học kỳ Quân đội, trại hè Anh ngữ, hè bán trú, trại hè thiếu sinh quân... để trẻ được tôi luyện kỹ năng, học hỏi kiến thức từ thực tế, hòa mình với thiên nhiên; có cơ hội giao lưu, tương tác trực tiếp với các bạn cùng trang lứa. Hoặc đơn giản là khuyến khích trẻ tham gia hoạt động xã hội tại địa phương; đưa trẻ về quê thăm ông bà cũng là cách giúp trẻ có những trải nghiệm lý thú. Việc thay đổi môi trường là điều kiện để trẻ học hỏi về nếp sống, tăng cường giao tiếp, mở rộng kiến thức văn hóa, trau dồi vốn ngôn ngữ...

Có rất nhiều phương án để giúp con trẻ được hưởng một mùa hè ý nghĩa. Tuy nhiên, để trẻ sống trọn vẹn những ngày hè sôi động, đáng nhớ, quan trọng nhất là cần sự quan tâm, thấu hiểu, hỗ trợ của các bậc phụ huynh, sự tư vấn hỗ trợ từ phía nhà trường. Học văn hóa là hết sức quan trọng, nhưng trẻ em cũng cần được phát triển nhiều kỹ năng khác, cũng như có quyền được vui chơi, khám phá cuộc sống theo đúng nhu cầu, sở thích của bản thân.

Mùa hè-mùa vui-mùa trải nghiệm, hãy để trẻ được vận động, vui chơi, tham gia những việc có ích cho bản thân. Xin đừng “đánh cắp mùa hè” của trẻ, vì mùa hè cũng là một phần tuổi thơ trong trẻo, đẹp đẽ trong hành trang cuộc đời của các em sau này.

KIM ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/tra-lai-mua-he-cho-tre-729448