Trả lại vỉa hè, lòng đường cho người đi bộ: Việc không khó

Các chuyên gia giao thông cho rằng, để xảy ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường trách nhiệm đầu tiên thuộc địa phương. Do đó, để trả lại vỉa hè cho người dân thì phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu địa phương.

Ảnh minh họa

Nguyên nhân vỉa hè chưa dành cho người đi bộ

Tại các đô thị như Hà Nội, TP HCM, việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè đang là thực trạng nhức nhối và chưa có giải pháp. Trên các tuyến phố, hàng hóa, xe cộ, bàn ghế và biển hiệu lấn hết cả vỉa hè, thậm chí là một phần mặt đường cũng bị làm chỗ để xe hoặc bày biển quảng cáo, vật liệu,... khiến người dân, du khách đi bộ gần như không được đi trên lối đi vốn dành cho mình mà phải liều đi dưới lòng đường.

Những năm qua, chính quyền địa phương cũng đã tổ chức một số đợt ra quân nhằm lập lại trật tự nhưng ngay sau những đợt ra quân này việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè vẫn tái diễn, thậm chí một số nơi phát triển mạnh hơn, nghiêm trọng hơn trước.

Theo TS. Phan Lê Bình - Chuyên gia giao thông, để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chính quyền địa phương. “Giả sử có một ai đó ngang nhiên lấn chiếm vỉa hè, như để xây một căn nhà, thế thì ai sẽ là đơn vị đầu tiên đứng ra lập biên bản phạm? Chắc chắn là chính quyền địa phương, UBND phường, đội quản lý trật tự đô thị”, ông Bình nói.

Ông Bình cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc đã ra quân nhiều lần nhưng không thể triệt để được tình trạng này là do có một bộ phận người dân thu nhập thấp, không có điều kiện để mở cửa hàng nên bắt buộc dùng một phần vỉa hè làm chỗ kinh doanh, nếu chuyển đi sẽ mất nguồn thu nhập.

“Tuy nhiên, vỉa hè là dành cho người đi bộ. Dù có lý do nào đi nữa tôi nghĩ việc lấn chiếm là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Còn việc xử phạt cần xử lý thường xuyên, liên tục và lâu dài chứ không phải chỉ một vài đợt ra quân, rồi sau đấy lại buông lỏng”, chuyên gia giao thông nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc, TBT NXB Giao thông Vận tải cũng bày tỏ bức xúc khi vỉa hè bao nhiêu năm nay không giải phóng được. Theo ông có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đó là ý thức của người dân cũng chưa tốt; hạ tầng, giao thông công cộng không đảm bảo; cơ quan chức năng quản lý chưa mạnh tay, dứt khoát.

“Người dân nước ta còn khó khăn, vỉa hè nuôi cả gia đình nhưng cơ quan chức năng không có động thái xử lý dứt điểm thì người ta sẽ ỉ lại đó”, ông Thủy nói và cho rằng, hiện nay nước ta đang bước vào cơ chế thị trường, nên một bộ phận người dân thực dụng, ích kỷ chỉ vì lợi ích của mình bất chấp cả luật pháp.

Giải quyết triệt để: Cốt yếu vẫn ở chính quyền

Bàn về việc trả vỉa hè cho người dân, TS Bình đánh giá, việc cấm các cửa hàng ở trên các tuyến phố du lịch như Hàng Ngang, Hàng Đào không được đậu xe lấn chiếm vỉa hè là một biện pháp đã thực hiện được. Thực tế, các gia đình, cửa hàng đã phải lùi diện tích kinh doanh của mình vào phía trong nhà và để một phần diện tích trước cửa làm chỗ dựng xe máy cho khách đến mua hàng. Nên việc lấy lại vỉa hè không phải là không làm được.

Theo ông Bình, tất cả các biện pháp, xử phạt cần được triển khai đồng bộ, mạnh mẽ, bắt đầu triển khai từ từng tuyến phố hơn là làm tất cả cùng một lúc. “Trong giai đoạn đầu có thể sẽ khó để thay đổi thói quen của người dân vậy nên cần làm từng bước. Nếu vỉa hè chiều rộng 3 mét sẽ không cấm hết, để trống chỗ hẹp khoảng 50cm, chỗ nào rộng thì 1m để dành cho người đi bộ đi. Những trường hợp lấn lấn chiếm vào đó thì sẽ bị xử phạt. Nhưng nếu làm theo kiểu đánh trống, hoặc làm cho có phong trào như trước đây, tôi khẳng định hoàn toàn không thể thay đổi được ý thức của người dân”, ông Bình khẳng định.

Còn theo TS Nguyễn Xuân Thủy, để dẹp được “nạn” lấn chiến vỉa hè một cách triệt để thì các cơ quan chức năng cần tổ chức, xây dựng nên những cơ chế và thực hiện thật có trách nhiệm, cương quyết đúng theo Luật để giải phóng vỉa hè.

“Phải làm một cách cương quyết, nhiều lực lượng tham gia, có lộ trình. Ví dụ trong 1 tháng là phải dẹp, nếu không sẽ cưỡng chế. Riêng đối với cơ quan chức năng, người cao nhất phải chịu trách nhiệm, nơi nào làm không tốt phải xử lý nghiêm Chủ tịch UBND phường. UBND TP phải theo dõi giám sát và báo cáo từng ngày”, ông Thủy nhấn mạnh.

Ông Thủy cho rằng, giải quyết tình trạng lấn chiếm vỉa hè là một bài toán rất khó. Nhưng không phải không làm được. Theo ông, cần quyết tâm, kiên quyết trong xử lý và cũng cần kiên nhẫn, kiên trì tuyên truyền, động viên người dân.

Ban Chỉ đạo 197 thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 01/KHBCĐ197 về tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023. Theo đó, các cơ quan chức năng thành phố sẽ kiểm tra quyết liệt, đồng bộ, toàn diện về những nội dung trên trong phạm vi toàn địa bàn thành phố; phát hiện, xử lý 100% hành vi vi phạm trên lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông, đô thị, công cộng để tạo tính răn đe; kiên quyết xóa bỏ các điểm hè phố, lòng đường bị chiếm dụng trái phép để làm nơi kinh doanh buôn bán, trông giữ phương tiện, trả lại nguyên trạng hè phố với phương châm “giành lại vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ”.

Mỵ Châu

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/tra-lai-via-he-long-duong-cho-nguoi-di-bo-viec-khong-kho-post467932.html