Trả lời câu hỏi người dân

Vừa qua, Trung tâm Truyền thông tỉnh nhận được câu hỏi của một số người dân về lĩnh vực nội vụ. Sau khi chuyển đến cơ quan chức năng, Sở Nội vụ đã trả lời cụ thể các vấn đề liên quan.

* Bà Lương Thị Trang, thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu hỏi: “Tôi đi học Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh từ năm 2011 đến nay dưới hình thức huyện cử đi học. Khi về địa phương, tôi có thi vào hợp đồng phòng, sau đó hợp đồng huyện và vừa rồi thi viên chức nhưng không đỗ. Xin hỏi, với chế độ cử tuyển hiện nay thì có được ưu tiên gì không?”.

TL: Việc tuyển dụng công chức, viên chức phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế (hoặc tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập).

Đối với việc tuyển dụng công chức: Theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật viên chức năm 2019, người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật Giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học được ưu tiên tuyển dụng công chức thông qua xét tuyển (nếu đơn vị có biên chế, nhu cầu tuyển dụng và độc giả đáp ứng các điều kiện tiêu chuẩn theo yêu cầu của vị trí việc làm).

Đối với việc tuyển dụng viên chức: Hiện nay, theo quy định tại Luật Viên chức và Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ, không có quy định về việc ưu tiên đối với người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật Giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học.

Cán bộ Sở Tư pháp giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Thu Nguyệt

Cán bộ Sở Tư pháp giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Thu Nguyệt

* Ông Vũ Đình Sơn, khu 6, phường Yên Hải, TX Quảng Yên hỏi: “Tháng 5/2018 tôi được bầu giữ chức vụ Phó chủ tịch Hội Nông dân nhiệm kỳ 2018-2023. Đến tháng 01/2020 tôi được bầu là Trưởng khu và đến tháng 3/2020 được bầu là Bí thư chi bộ nhiệm kỳ 2020-2022. Hiện tôi đang giữ chức vụ: Phó chủ tịch Hội Nông dân, Bí thư chi bộ, Trưởng khu theo Nghị quyết 207/2019/NQ-HĐND ngày 30/7/2019 và hướng dẫn 3318/UBND ngày 15/10/2019 về thực hiện Nghị quyết 207 của HĐND tỉnh. Từ đó đến tháng 5/2020, UBND phường Yên Hải chi phụ cấp cho tôi là chức danh Phó Chủ tịch Hội Nông dân là 1,0 và 50% kiêm nhiệm của phụ cấp bí thư chi bộ, trưởng khu. Nhưng từ tháng 6 đến nay, Kho bạc đề nghị để lại không chi phụ cấp bí thư chi bộ, trưởng khu, mà chỉ chi phụ cấp phó chủ tịch Hội nông dân, như vậy có đúng không?”.

TL: Về nội dung này, Sở Nội vụ đã có văn bản đề nghị Bộ Nội vụ hướng dẫn. Ngày 13/10/2020, Bộ Nội vụ đã có Văn bản số 5399/BNV-CQĐP ngày 13/10/2020 hướng dẫn việc kiêm nhiệm đối với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, bản, khu phố. Theo đó, cán bộ, công chức cấp xã được kiêm nhiệm chức danh những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã (không bố trí cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm chức danh người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản, khu phố) và tùy tình hình thực tế ở địa phương, UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quy định cụ thể việc bố trí những người hoạt động không chuyên trách cấp xã kiêm nhiệm các chức danh khác đảm bảo theo quy định hiện hành.

Trên cơ sở đó, Sở Nội vụ đang tổng hợp những khó khăn vướng mắc trong việc triển khai Nghị quyết số 207/2019/NQ-HĐND, báo cáo UBND tỉnh xem xét, trình HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 207/2019/NQ-HĐND cho phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.

* Bà Lý Tiên, huyện Bình Liêu hỏi: “Tôi đang là công chức ở xã. Theo quyết định của UBND huyện tháng 5/2020, có cử tôi đi học liên thông lớp Đại học hệ vừa làm vừa học và được hưởng các khoản theo quy định hiện hành. Đi học theo kỳ, mỗi kỳ 3 tháng, khóa học kéo dài 2 năm. Khi tôi nhập học thì bị cắt hưởng một khoản phụ cấp khu vực, 1 khoản công tác phí. Vậy theo quy định hiện hành, tôi có bị cắt hưởng 2 khoản này không?”.

Một buổi học của lớp Cao cấp lý luận chính trị K69-B15 khóa 2018-2020, tại Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ, TP Hạ Long. Ảnh: Thu Nguyệt

TL: Căn cứ điểm c, mục 3, Phần II, Thông tư số 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT quy định: "… c) Trường hợp đi công tác, đi học, điều trị, điều dưỡng có thời hạn từ một tháng trở lên thì hưởng phụ cấp khu vực theo mức quy định ở nơi công tác, học tập, điều trị, điều dưỡng kể từ ngày đến nơi mới; nếu nơi mới đến không có phụ cấp khu vực thì thôi hưởng phụ cấp khu vực ở nơi trước khi đi".

Căn cứ khoản 1, Điều 4, Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ Tài chính quy định về nội dung chi cho đào tạo, bồi dưỡng CBCC, viên chức bao gồm:

"…a) Chi phí dịch vụ đào tạo, chi phí triển khai nhiệm vụ nghiên cứu và các chi phí (bắt buộc) khác (nếu có) liên quan đến khóa đào tạo phải trả cho các cơ sở đào tạo ở trong nước.

b) Hỗ trợ kinh phí mua tài liệu học tập bắt buộc;

c) Hỗ trợ một phần tiền ăn trong thời gian đi học tập trung;

d) Hỗ trợ chi phí đi lại từ cơ quan đến nơi học tập (một lượt đi và về; nghỉ lễ; nghỉ tết); chi thanh toán tiền thuê chỗ nghỉ cho cán bộ, công chức, viên chức trong những ngày đi tập trung học tại cơ sở đào tạo (trong trường hợp cơ sở đào tạo và đơn vị tổ chức đào tạo xác nhận không bố trí được chỗ nghỉ);

đ) Cán bộ, công chức, viên chức là nữ, là người dân tộc thiểu số được cử đi đào tạo được hưởng các chính sách, chế độ theo quy định của pháp luật về bình đẳng giới và công tác dân tộc".

Tuy nhiên, thông tin độc giả cung cấp chưa đầy đủ nên Sở Nội vụ thông tin đến độc giả một số quy định hiện hành để độc giả nắm và áp dụng vào điều kiện cụ thể của mình đảm bảo quyền lợi và các quy định của pháp luật.

Phòng Bạn đọc- Tư liệu (ghi)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/ban-doc/202105/tra-loi-cau-hoi-nguoi-dan-2531631/