Trả lời kiến nghị của cử tri Thủ đô: Về các chính sách, cơ chế trong công tác GPMB

KTĐT - Để giúp bạn đọc và cử tri Thủ đô theo dõi kết quả giải quyết kiến nghị với kỳ họp thứ 17 HĐND TP, từ số báo này, Báo Kinh tế & Đô thị trích đăng trả lời của UBND TP xung quanh các vấn đề bức xúc.

* Về đề nghị UBND TP rà soát, sớm điều chỉnh giá đền bù cây cối hoa màu cho phù hợp với tình hình giá cả thị trường, trong đó xem xét nâng mức đền bù đối với cây hoa cúc, hoa hồng. Tại khoản 1 điều 36 Quyết định số 18/QĐ-UBND ngày 29/9/2008 của UBND TP Hà Nội quy định: “Sở Tài chính ban hành thông báo mức giá tối đa hàng năm làm cơ sở tính bồi thường, hỗ trợ cho từng nhóm cây trồng, vật nuôi trên đất có mặt nước”. Ngày 2/1/2009, Sở Tài chính đã ban hành Thông báo số 14/TB-STC-QLCS về đơn giá làm cơ sở bồi thường, hỗ trợ cây cối, hoa màu thực hiện GPMB trên địa bàn Hà Nội trên cơ sở đề xuất của UBND các quận, huyện và ý kiến thống nhất của các Sở, Ngành. Ngoài ra, tại thông báo có nêu: “Đối với nhưng cây trồng đặc thù của địa phương, cây trồng chưa có trong thông báo giá này, hoặc theo thời giá tại địa phương chưa hợp lý, UBND quận, huyện có công văn đề xuất mức giá gửi về Sở Tài chính để được xem xét giải quyết kịp thời cho từng dự án”. Trường hợp mức giá quy định tại Thông báo số 14/TB-STC-QLCS ngày 2/1/2009 của Sở Tài chính chưa phù hợp với thực tế tại địa phương hoặc thiếu chủng loại, UBND các quận huyện có văn bản đề xuất, UBND TP sẽ chỉ đạo Sở Tài chính xem xét bổ sung hoàn chỉnh. Theo đề nghị của UBND huyện Ba Vì và Hoài Đức, UBND TP đã giao sở Tài chính kiểm tra bổ sung, hoàn chỉnh đơn giá đền bù đối với một số loại cây cối và hoa màu. * Về đề nghị UBND TP nghiên cứu nâng mức hỗ trợ ổn định đời sống, ổn định sản xuất và mức hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi Việc UBND TP Hà Nội ban hành các chính sách hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm cho các hộ dân đã phù hợp với các quy định hiện hành của Nhà nước và phù hợp với tình hình hiện nay của thành phố (cao nhất trong cả nước), cụ thể: UBND TP đã ban hành các chính sách hỗ trợ bằng giao đất, bán căn hộ chung cư hoặc bằng tiền cho các hộ dân trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp được giao quy định tại Khoản 2, Điều 40, Quyết định số 18/2008/QĐ-UBND TP, xây dựng đề án và thành lập Quỹ hỗ trợ ổn định đời sống, học tập, đào tạo nghề và việc làm cho các hộ dân bị thu hồi trên 30% diện tích đất sản xuất nông nghiệp (trong đó quy định hỗ trợ cho tất cả các đối tượng thuộc hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp). Ngoài ra, với tính chất đặc thù của Hà Nội, tốc độ đô thị hóa mạnh, các dự án thu hồi đất nông nghiệp triển khai liên tục, để tạo điều kiện cho các hộ ổn định đời sống, sản xuất; hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm cho các hộ, vừa qua UBND TP đã quyết định nâng mức hỗ trợ cụ thể như: hỗ trợ ổn định đời sống, ổn định sản xuất là 35.000đ/m2, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm là 30.000đ/m2. Đây là chính sách hỗ trợ riêng của thành phố Hà Nội (so với khung chính sách của Chính phủ) phù hợp với điều kiện của thành phố. * Về đề nghị UBND TP sớm điều chỉnh thống nhất cùng một mức giá đất nông nghiệp phía đông sông Nhuệ và tây sông Nhuệ vì hiện nay có những trường hợp cùng một dự án, cùng địa bàn xã nhưng ở hai bờ sông lại quy định bồi thường hỗ trợ khác nhau (dự án khu công nghệ cao sinh học - tại xã Thụy Phương, Cổ Nhuế).. Việc định giá đất nông nghiệp cụ thể tại các vị trí, khu vực để ban hành hàng năm của UBND TP phải đảm bảo các nguyên tắc đã quy định tại các Nghị định số 188/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004; số 123/2007/NĐ-CP ngày 27/07/2007 của chính phủ về phương pháp xác định giá, khung giá các loại đất cụ thể là: + Các mức giá phải đảm bảo trong khung quy định của Chính phủ; + Định giá đất nông nghiệp theo vị trí hoặc theo vùng, khu vực, mục đích sử dụng đất tùy theo đặc điểm sản xuất nông nghiệp và các yếu tố khác tác động đến sản xuất và giá đất nông nghiệp như điều kiện kinh tế xã hội, kết cấu hạ tầng, tốc độ đô thị hóa… của từng vùng, từng vị trí, từng khu vực; - Tại khu vực phía Đông và phía Tây sông Nhuệ có vị trí, điều kiện tự nhiên, điều kiện kỹ thuật hạ tầng khác nhau nên được xác định mức giá khác nhau là phù hợp với với quy định hiện hành của Chính phủ. - Đối với đất nông nghiệp khu vực phía Tây sông Nhuệ, UBND TP đã vận dụng vượt 20% mức giá tối đa theo khung giá của Chính phủ để quy định giá, cụ thể: giá đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản mức tối đa khung Chính phủ là 135.000đ/m2 x 20% = 162.000đ/m2 ; giá đất nông nghiệp trồng cây lâu năm mức tối đa khung quy định của Chính phủ là 158.000đ/m2 x 20% = 189.600đ/m2. Việc quy định như vậy, UBND TP đã cố gắng vận dụng mức tối đa quy định của Chính phủ để định giá bồi thường đất nông nghiệp, đảm bảo quyền lợi của người bị thu hồi đất. PV

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.com.vn/newsdetail.asp?catid=16&newsid=157619