Trả lời mail trên đường đi làm có được tính là làm thêm giờ?

Một nhóm nghiên cứu của Đại học Tây Anh Quốc cho thấy hơn 50% người lao động sử dụng thời gian di chuyển từ nhà đến công ty để giải quyết công việc.

Theo một nghiên cứu mới đây, mỗi ngày, có hàng triệu người di chuyển trên các tuyến xe buýt, tàu điện để đi làm. Họ tranh thủ thời gian này để giải quyết một số công việc ở nhiệm sở. Tiến bộ của công nghệ cho phép con người giải quyết nhiều việc mà trước đây chỉ có thể làm ở văn phòng. Tuy nhiên, giải quyết công việc trong lúc di chuyển vẫn chưa được tính là giờ làm việc.

Ảnh minh họa.

Trong một khảo sát tìm hiểu thói quen di chuyển bằng tàu điện của hàng nghìn người lao động, nhóm nhà nghiên cứu người Anh nhận thấy sự xuất hiện của WiFi trên ôtô và các phương tiện công cộng đã làm thay đổi cách thức làm việc của không ít người. Họ tranh thủ thời gian di chuyển để tiếp tục chăm chú với chiếc điện thoại. Họ chăm chỉ nhận và soạn thư điện tử, đọc thêm tài liệu, hoặc xóa giấy tờ không cần thiết.

Nhóm nghiên cứu của Đại học Tây Anh Quốc cho rằng những hoạt động này không khác gì làm thêm ngoài giờ. Báo cáo này cho thấy hơn 50% người lao động sử dụng thời gian di chuyển từ nhà đến công ty để giải quyết công việc.

"Khoảng thời gian này chưa được tính vào tiền lương. Trong khi ngày làm việc của mọi người bắt đầu từ 9h khi họ bước chân lên tàu điện. Điều này là một gợi ý cho người sử dụng lao động, cũng như nhà quản lý”, Tiến sĩ Juliet Jain, nhà nghiên cứu của Trung tâm Giao thông Xã hội thuộc Đại học Tây Anh Quốc cho biết.

Chuyên gia Juliet Jain cũng lưu ý rằng càng bộn bề công việc, những đối tượng được nghiên cứu càng nhận thấy "chuyện làm việc trên đường đến công ty không phải là làm thêm ngoài giờ, mà chỉ là cách giúp cuộc sống của họ 'dễ thở' hơn".

Điều này cho thấy ngay cả với người lao động cũng chưa ý thức hết được quãng thời gian mình phải bỏ thêm ra cho công việc. Trong hơn 40 tuần, nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Tây Anh Quốc thực hiện khảo sát trên 5.000 công nhân viên di chuyển hơn 400 km để đi làm trên 2 tuyến tàu điện ở phía tây bắc London. Nhóm nghiên cứu ghi lại cẩn thận cách những nhân viên này sử dụng WiFi trên tàu. Họ rút ra kết luận các nhân viên sử dụng thời gian di chuyển để làm việc, càng đi xa, càng nhiều công việc được giải quyết.

Hiện tại, nhiều quốc gia châu Âu đã bắt đầu nghiên cứu việc thay đổi luật, trong đó xét đến quá trình di chuyển của người lao động từ nhà đến nhiệm sở và thực tế rằng mọi người có thể online từ bất cứ đâu, vào bất cứ giờ nào với mạng 3G và 4G. Tuy nhiên, liệu các ông chủ có đồng ý với phương án mới được đề xuất này không vẫn đang còn là câu hỏi lớn.

Simon King, giám đốc tài chính của công ty Procorre có trụ sở tại Anh phản đối ý tưởng này: “Tôi nghĩ rằng việc luật hóa và quy định thời gian làm việc bắt đầu từ lúc di chuyển đi làm là không thỏa đáng. Tôi có đủ bằng chứng rằng điều này không phù hợp với chúng tôi và chúng tôi không muốn trả lương cho khoảng thời gian này”.

Hồi năm ngoái, một tòa án châu Âu đã ra phán quyết có thể ảnh hưởng đến quy định giờ làm việc tiêu chuẩn của cả châu lục. Tòa đưa ra kết luận rằng một số nhân viên ở Na Uy có thể tính thời gian di chuyển đến công ty vào thời gian làm việc chính thức. Tuy nhiên, điều này chưa chắc đã có thể áp dụng rộng rãi cho cả khu vực./.

Phan Tùng/VOV1

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/tra-loi-mail-tren-duong-di-lam-co-duoc-tinh-la-lam-them-gio-808306.vov