Trả lương theo năng suất lao động: Hạn chế tư duy bằng cấp?

Với lý do khối lượng công việc xử lý cao gấp nhiều lần so với mặt bằng chung của ngành, lĩnh vực được so sánh với các địa phương khác, TP.HCM vừa đề xuất được điều chỉnh chế độ tiền lương để thu hút nhân tài và nâng cao trách nhiệm của công chức. Một lần nữa, câu chuyện trả lương theo năng suất công việc được xới xáo.

Trả lương theo năng suất lao động được cho là hướng đi hạn chế tư duy trọng bằng cấp. Ảnh: Hải Nguyễn

Ông Đỗ Phi Hùng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư cho hay, trong 3 năm qua, Sở này tiếp nhận trung bình 70.000 hồ sơ các loại/năm; năm 2014 cấp 54.000 giấy phép xây dựng; năm 2016 và 2017 đều cấp 60.000 giấy phép xây dựng/năm.

Như vậy, với khối lượng công việc tiếp nhận nhiều vượt trội so với mặt bằng chung, việc TP.HCM đề nghị xem xét được tự chủ về biên chế, thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức là hợp lý. Theo UBND thành phố, bảng lương hiện nay còn nặng về bằng cấp. Theo định kỳ 2 hoặc 3 năm công chức sẽ được nâng một bậc lương, thay vì căn cứ vào trình độ chuyên môn nghiệp vụ, vị trí việc làm và chức vụ đảm trách. Các mức lương trong bảng lương công chức hành chính chưa phản ánh được giá trị cống hiến của người lao động.

UBND TP kiến nghị điều chỉnh chế độ hưởng lương của công chức để thu hút nhân tài và nâng cao trách nhiệm của công chức. Theo đó, tiền lương tối thiểu của công chức ít nhất phải bằng tiền lương thấp nhất của người lao động đã qua đào tạo làm việc trong khu vực doanh nghiệp. Việc chi trả lương thông qua thang, bảng, bậc lương phải gắn với trình độ, thâm niên, chất lượng hiệu quả công việc.

Trước đó, tại các hội thảo về tiền lương, nhiều chuyên gia lĩnh vực lao động, việc làm và tiền lương đều cho rằng việc quy định hệ số lương theo cấp nhân trong khối nhà nước hiện nay vừa gia tăng gánh nặng cho nhà nước, vừa khó so sánh tương quan khu vực công – tư đối với vị trí, cấp bậc tương đương.

Ông Chang Hee Lee - Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho rằng, trong gói tiền lương của khu vực công, tỷ lệ các phụ cấp khác nhau trong toàn bộ gói tiền lương còn quá cao, làm cho hệ thống lương đã phức tạp càng trở nên phức tạp. Theo ông Chang Hee Lee, lương cơ bản theo cấp bậc nên chiếm ít nhất 50% tổng gói lương và vai trò của phụ cấp nên mang tính bổ sung. Nguyên nhân là việc đòi hỏi bằng cấp đối với các cấp bậc có thể dẫn đến việc phân biệt đối xử theo cấp giáo dục.

Nghị định số 53/2016/NĐ-CP ngày 13.6.2016 của Chính phủ và Thông tư số 28/2016/TT-BLĐTBXH ngày 1.9.2016 của Bộ LĐTBXH hướng dẫn thực hiện về lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước thì Nhà nước chỉ quy định nguyên tắc xác định quỹ tiền lương của người lao động và người quản lý công ty. Theo đó, quỹ tiền lương kế hoạch được xác định gắn với chỉ tiêu năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh kế hoạch của công ty so với thực hiện năm trước liền kề.

Quỳnh Chi

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/tra-luong-theo-nang-suat-lao-dong-han-che-tu-duy-bang-cap-592622.ldo