Trà Vinh làm rõ những khó khăn để giải ngân nhanh vốn đầu tư công

Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn chỉ đạo các sở, ngành chức năng và các huyện, thị xã tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai việc giải ngân vốn đầu tư công được giao năm 2023.

Công trình nâng cấp mở rộng đường Hùng Vương (đoạn từ cầu Long Bình 1 đến Lê Lợi) do UBND thành phố Trà Vinh làm chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện các hạng mục cuối cùng để đưa vào sử dụng. Ảnh: Thanh Hòa- TTXVN

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh được bố trí năm 2023 hơn 4.730 tỷ đồng; trong đó, tỉnh quản lý nguồn vốn hơn 3.600 tỷ đồng, phân cấp cho cấp huyện quản lý hơn 940 tỷ đồng.

Ngoài ra, UBND tỉnh còn giao nguồn vốn thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình giảm nghèo bền vững với tổng nguồn vốn gần 469 tỷ đồng.

Tính đến cuối tháng 7/2023, nguồn vốn đầu tư công chỉ mới giải ngân được khoảng 1.600 tỷ đồng, đạt 33% kế hoạch năm; trong đó, nguồn vốn tỉnh quản lý giải ngân đạt gần 1.100 tỷ đồng, nguồn vốn huyện quản lý đạt hơn 450 tỷ đồng. Đối với nguồn vốn đầu tư 3 Chương trình mục tiêu quốc gia tuy các đơn vị chủ đầu tư có cố gắng triển khai thực hiện nhưng tiến độ giải ngân chưa đạt yêu cầu.

Ông Châu Văn Hòa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Trà Vinh cho biết, vướng mắc trong công tác giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh hiện đang gặp phải là một số công trình xây dựng cơ bản gặp khó trong công tác giải phóng mặt bằng. Việc kê biên, cơ chế định giá có nhiều bất cập, có nơi chưa quyết liệt trong việc tuyên truyền, vận động để người dân đồng thuận trong thực hiện thu hồi đất. Một số dự án thiết kế 2 bước tiến độ chậm so với yêu cầu do năng lực đơn vị tư vấn hạn chế và chủ đầu tư thiếu quan tâm.

Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho hay, để tháo gỡ khó khăn công tác đầu tư công, nhằm đảm bảo phục vụ cho yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh chỉ đạo lãnh đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện sâu sát theo dõi, kiểm tra việc tổ chức, triển khai chương trình, kế hoạch, tuyệt đối không kéo dài, không để rơi vào tình trạng dồn việc vào những tháng cuối năm tạo nên áp lực giải ngân, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý, điều hành.

Đối với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia các sở, ngành, địa phương được giao vốn phải rà soát, đánh giá lại kế hoạch thực hiện từng chương trình, dự án, dự án thành phần. Qua đó, làm rõ những khó khăn, vướng mắc, trách nhiệm để chấn chỉnh, đề ra giải pháp xử lý, điều chuyển kế hoạch vốn. Cơ quan thường trực của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành để có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Các địa phương được giao vốn thực hiện các dự án cần lồng ghép nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia với các chương trình, dự án khác trên địa bàn; huy động thêm các nguồn vốn khác, lựa chọn các công trình thật cần thiết, bức xúc đầu tư trước nhằm đảm bảo tính hiệu quả và đạt kế hoạch.

Đối với chương trình giảm nghèo, các địa phương tổ chức rà soát, lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo dự kiến thoát nghèo trong năm; trong đó, rà soát, xác định rõ nguyên nhân nghèo và mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của từng hộ để xây dựng kế hoạch hỗ trợ phù hợp; huy động tối đa các nguồn lực xã hội, lồng ghép các chương trình, dự án đang triển khai trên địa bàn để nâng cao hiệu quả việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia./.

Phúc Sơn/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tra-vinh-lam-ro-nhung-kho-khan-de-giai-ngan-nhanh-von-dau-tu-cong/300825.html