Trà Vinh xây dựng 15 mô hình khuyến nông giai đoạn 2023-2025

Giai đoạn 2023-2025, địa phương huy động nhiều nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa để thực hiện chương trình khuyến nông.

Nông dân huyện Châu Thành chăm sóc diện tích lúa Đông Xuân 2022-2023. Ảnh: Thanh Hòa- TTXVN

Nông dân huyện Châu Thành chăm sóc diện tích lúa Đông Xuân 2022-2023. Ảnh: Thanh Hòa- TTXVN

Theo UBND tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2023-2025, địa phương huy động nhiều nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa để thực hiện chương trình khuyến nông.

Cùng đó, tập huấn, thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân nhằm phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng chất lượng, hiệu quả, tăng sức cạnh tranh. Tỉnh tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ ở một số lĩnh vực sản xuất.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Trung Hoàng cho biết, giai đoạn này, UBND tỉnh chỉ đạo ngành chuyên môn xây dựng 15 mô hình khuyến nông ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.

Cụ thể, 7 mô hình trình diễn ở lĩnh vực trồng trọt gồm: trồng màu (ngô, dưa hấu, ớt…) sử dụng phân hữu cơ vi sinh, tưới tiết kiệm và liên kết thị trường tiêu thụ; phát triển cây lạc theo hướng an toàn tưới nước tiết kiệm và liên kết thị trường tiêu thụ sản phẩm; trồng táo trong nhà lưới theo hướng hữu cơ thích ứng biến đổi khí hậu và kết hợp du lịch; trồng nho theo hướng an toàn thích ứng biến đổi khí hậu và kết hợp du lịch; sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm và hỗ trợ ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất cho tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp; trồng xen dứa trong vườn dừa; trồng cây chà là sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ở lĩnh vực chăn nuôi, ngành chuyên môn xây dựng 5 mô hình trình diễn gồm nuôi bò vỗ béo kết hợp ủ chua thức ăn liên kết thị trường tiêu thụ sản phẩm; chăn nuôi dê lai hướng thịt liên kết thị trường tiêu thụ; chăn nuôi lợn sinh sản theo hướng an toàn sinh học phục vụ công tác tái đàn trên địa bàn tỉnh; chăn nuôi lợn rừng lai theo hướng an toàn sinh học gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm; duy trì và phát triển giống gà ta nuôi thả vườn theo hướng an toàn sinh học.

Ba mô hình trình diễn thủy sản gồm: Ứng dụng số hóa trong nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn kết hợp xử lý môi trường bằng hầm Biogas; nuôi lươn thương phẩm theo quy trình lọc tuần hoàn; nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh lót bạt bờ, sử dụng chế phẩm sinh học kết hợp siphong đáy (giải pháp hữu hiệu trong việc xử lý chất thải lắng tụ trong ao nuôi).

Tỉnh Trà Vinh hiện có 24.319 ha diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trong đó, trên 5.900 ha sử dụng công nghệ tưới phun bán tự động; gần 13 ha ứng dụng công nghệ nhà lưới và thủy canh; trên 7.452 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ (dừa hữu cơ 4.012 ha, lúa hướng hữu cơ hơn 2.891 ha, rau an toàn 142 ha, cây ăn trái GAP 407 ha); 11.000 ha nuôi trồng thủy sản thâm canh và siêu thâm canh.

Hầu hết các diện tích này đều cho năng suất, chất lượng và hiệu quả cao hơn nhiều so với cách sản xuất truyền thống trước đó, góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Năm 2022, ngành nông nghiệp tỉnh đã tổ chức 530 lớp tập huấn cho gần 16.000 lượt nông dân về kỹ thuật trồng lúa hữu cơ, chất lượng cao; trồng dừa theo hướng hữu cơ và phòng trị sâu đầu đen hại dừa; kỹ thuật trồng cây ăn trái, trồng lạc sử dụng phân hữu cơ vi sinh tưới nước tiết kiệm; trồng mít thái sử dụng phân hữu cơ sinh học tưới nước tiết kiệm; kỹ thuật chăn nuôi bò, biện pháp phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên bò; biện pháp phòng trị một số bệnh thường gặp trong chăn nuôi dê; kỹ thuật nuôi một số loại thủy sản...

Bên cạnh đó, từ nguồn vốn sự nghiệp và lồng ghép, ngành đã thực hiện 20 loại mô hình trình diễn để nông dân trong tỉnh nhân rộng./.

Thanh Hòa/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tra-vinh-xay-dung-15-mo-hinh-khuyen-nong-giai-doan-2023-2025/276319.html