Trác Thúy Miêu: Những vị 'tà thần' tuyệt mĩ của tôi

Đối với phần lớn khán giả, nhất là nữ khán giả ái mộ sân khấu cải lương, thì những vai nam chánh, kép mùi trở nên những ông hoàng trong lòng người ái mộ. Nhưng kì cục là với riêng tôi, từ khi còn là một cô nhóc nhỏ, nhỏ xíu, thì lại lén lút hâm mộ tới mức thần tượng những ông hoàng bóng tối - những kép độc thiên tài của sân khấu cải lương Sài Gòn.

Nói là nhỏ, nhỏ xíu, vì hồi đó chừng như trước khi vô lớp 1, tức là chỉ lối 4,5 tuổi gì đó. Nhưng ký ức và ấn tượng thì vẫn đậm đà tới nỗi bây giờ còn nhớ rõ từng nét diễn, câu thoại của những vị ác thần trong giấc mộng sân khấu thuở xưa.
Và từ đó, 3 cái tên Diệp Lang, Minh Châu, Hùng Minh trở thành 3 thần tượng sân khấu và cũng là 3 đỉnh cao gian hùng của “hào quang đen” trong nghệ thuật diễn xuất lẫn tư chất nghệ thuật mà một nghệ sĩ cần có.

Từ trái: NSND Diệp Lang, NSƯT Hùng Minh và cố NSƯT Minh Châu. Ảnh: TL

Gọi là “hào quang đen” bởi ánh sáng nghệ thuật mà họ mang tới sân khấu là thứ quyền lực hắc ám của những phản đề bạo liệt, thứ ánh sáng của các tà thần và những nhân vật phản diện.
Sân khấu và những cái kết có hậu của nghệ thuật ắt sẽ nhạt nhẽo vô vị lắm, nếu không có những tuyến vai phản diện.
Để chọn con đường nghệ thuật gắn liền với kép độc, phản diện, ắt hẳn người nghệ sĩ đã có từ trong tư chất lòng khiêm hạ, biết coi mình bé mọn, bởi hầu như sẽ không có kịch bản nào cho phép một nhân vật phản diện làm nhân vật chính. Họ luôn phải chấp nhận rằng tình yêu của khán giả sẽ đồng nghĩa với nỗi sợ, sự phản bác, người ta phải ao ước cho họ thất trận, thua cuộc, bất hạnh và trả giá.
Trong cùng một hành vi tàn độc, sẽ là phong mạo kiêu hùng, sự bần cùng của ánh sáng lương thiện bị triệt tiêu, những ẩn ức số phần để biến nhân cách trở nên một quái thai dị dạng, tham tàn, đớn hèn và tiêu cực. Người nghệ sĩ phải buộc mình cọ xát với những trường cảm xúc cùng cực của đời sống, ngập ngụa trong nhập thần vào cái Ác để thể hiện nó thành công trên sân khấu.
Như cái cách người ta phải học ngôn ngữ của kẻ thù để chiến thắng.
Có lẽ vì khó, rất khó, và thiệt thòi, nên không mấy kép cải lương chọn cho mình con đường làm kép độc.
Và cũng vì lẽ đó, họ là những thần tượng sân khấu đầu tiên trong ký ức non nớt của vị khán giả 5 tuổi khi đó, là tôi.
Với tôi, đại úy biệt kích Sắc trong Tình yêu và lời đáp là cái đẹp điển hình của đàn ông Sài Gòn, mà có ai ngờ lại được biểu đạt bằng một kép độc gốc Nam Định. “So với tướng Thuần, tôi chỉ là một cái bóng mờ bên cạnh một ngôi sao sáng, thưa thiếu tướng!”.

Để chọn con đường nghệ thuật gắn liền với kép độc, phản diện, ắt hẳn người nghệ sĩ đã có từ trong tư chất lòng khiêm hạ, biết coi mình bé mọn, bởi hầu như sẽ không có kịch bản nào cho phép một nhân vật phản diện làm nhân vật chính.

Trác Thúy Miêu

Chỉ là một câu thoại mà chữ “mờ” được nhấn nhá vừa đủ cho khán giả cảm thụ cái rùng mình đầy dự cảm của viên sĩ quan gian hùng, hiếu sát và cũng đầy tham vọng binh nghiệp. Tinh xảo là từ duy nhất để tán thưởng lớp diễn đầu của kép độc Minh Châu trong tuồng Tình yêu và lời đáp. “…hơ, chỉ trong vòng 30 tiếng đồng hồ là Pleiku bị Bắc Việt nuốt trọng. Quân của ông Phú chạy như vịt về Phan Rang. Ban đầu chạy có 1000 thằng, về tới Phan Rang điểm danh lại còn…75 đứa”, đoạn Sắc cất tiếng cười mỉa mai sặc sụa mùi men rượu whisky và thuốc súng. Tiếp theo là liên tiếp 2 phần độc thoại tâm lý thần sầu dẫn đến phát súng tay sĩ quay gian hùng cuồng sát tự nã vào sọ mình.
“Nghe nói sáng nay trung tướng được mời vô Dinh Tổng Thống để bàn việc tử thủ tuyến Củ Chi. Thủ cái con mẹ gì, Củ Chi có còn là đất của trung tướng đâu, nó thuộc về trung đoàn 174 của Việt Cộng…”- giọng thoại đặc sệt mùi mỉa mai của kẻ thất trận chua chát. Sắc khi này minh mẫn hơn bao giờ hết trên tổng thể tuyến kịch.
Thấy chưa, tới tận bây giờ tôi, vị khán giả 5 tuổi khi ấy, đã không bỏ qua một lời thoại, một nét diễn nào của mái tóc hippy bết mồ hôi giấu bên dưới mũ beret, cặp ria tài tử giang hồ và cú rướn chân mày điệu nghệ của tay kép độc, mà theo tôi, là một trong những ông hoàng hắc ám đáng ngưỡng mộ nhất của sân khấu cải lương.

Tuyệt phẩm thứ 2 tới giờ không thể dứt ra được, là tay tư sản Thế Nam của Sài Gòn những giờ ngay sau khoảnh khắc giải phóng Sài Gòn, trong tuồng Bóng tối và ánh sáng. Tuy không khiến tôi mê mẩn trong bộ binh phục biệt kích như tay Sắc của kép Minh Châu, nhưng kép Hùng Minh lại là một giọng thoại như chuông đồng, ánh mắt giảo quyệt và lối thoại nhanh biết nhả từng biến cố tốc độ khiến sự khắc nghiệt và tàn độc cứ âm ỉ tăng cao vào suốt chiều dài kịch bản cho đến cái kết cục xứng đáng của tay tài phiệt đa mưu.

Ông đã hình thành một chân dung hoàn hảo của giới tư sản Sài Gòn, ăn to nói bạo, sành sỏi, bạt mạng, và mang đầy đủ nét tàn nhẫn ngầm cua một bố già Siciliano. Nếu nét diễn vai sĩ quan biệt kích Sắc khét lẹt mùi thuốc súng, thì kép độc Hùng Minh ngạo nghễ như một làn khói cigar đậm đà trưởng giả, với mọi mũi dao thép tanh lạnh bén ngót trong từng câu thoại trịch thượng được bỏ lửng tuyệt hảo.
Có lẽ còn lâu lắm, trong cái thị trường mà các anh kép đua nhau luồn những thanh sống mũi nuột nà và tập cho căng phồng những vòm ngực kích động của YMCA để trở thành những tên búp bê Ken vô nghĩa ngồn ngộn trên bàn tiệc chánh diện với ngai vàng kép mùi, kép đẹp, thì còn lâu lắm, lịch sử sân khấu miền Nam mới lại có cho mình những bản lãnh sân khấu thần sầu của những tay kép độc và thứ hào quang hắc ám tuyệt mĩ kia.

Cái Ác khi được thể hiện một cách tinh xảo, không là tiếng gầm gừ gào thét, trợn trạo vô tri bề mặt. Mà thứ độc dược an toàn của ngôn ngữ nghệ thuật sẽ ngấm chầm chậm, đẹp như một cơn chinh phục của Lucifer, vào tận tâm can khán giả, ngụy tạo một trường cảm xúc tiêu cực vừa giàu thẩm mỹ, vừa thú vị và đầy xúc động với nỗi kinh sợ, căm ghét tạm thời, để nhắc người ta nhớ Lương Thiện không phải là một thứ rẻ tiền mà nó cần được liên tục đấu tranh khốc liệt để có được.
Kép Minh Châu mất đã lâu, sáng nay nghe tin chú Hùng Minh đột quỵ. Tới những năm cuối đời nghệ sĩ này, ông vẫn ở nhà thuê. Cầu mong những gì may mắn nhất đến với ông, thần tượng thuở thơ ấu của tôi, vị tà thần hắc ám mà không kém kiêu hùng của sân khấu cải lương. Cảm thấy những nỗ lực của mình với sân khấu còn quả muộn màng, nhưng không bao giờ tuyệt vọng.

Trong xuất diễn cuối cùng giã từ cái tên Điểm Một Thời và rạp Chợ Lớn, chúng tôi cũng đã quyên góp được một món quỹ nho nhỏ giành cho các nghệ sĩ tại Viện dưỡng lão Nghệ sĩ, còn một số để dành, Phụng Hoàng Ban sẽ dùng số quỹ này để gửi tặng gia đình nghệ sĩ Hùng Minh trang trải thuốc men viện phí.

Điều duy nhất mà tôi còn có thể làm lúc này, cho người hùng phản diện của ký ức sân khấu, bằng trái tim vị khán giả lên 5 năm xưa.
Trác Thúy Miêu

NSƯT Hùng Minh đột quỵ sau ngày sinh nhật tuổi 80

Theo Người Lao Động, sáng 10.11, NSƯT Hùng Minh đã được gia đình đưa vào Bệnh viện 175 cấp cứu. Ông bị đột quỵ khi đang uống cà phê với vợ và NS Quốc Nhĩ.

Năm nay đã 80 tuổi, NSƯT Hùng Minh vẫn miệt mài với công việc. Ông vừa quay hình vai Diêm Vương trong bộ phim "Chuyện xưa tích cũ" của Đài Truyền hình Vĩnh Long. Hôm qua, gia đình tổ chức sinh nhật 80 tuổi cho ông.

Theo lời NS Quốc Nhĩ, lúc đang ngồi uống cà phê thì NSƯT Hùng Minh bị chảy máu mũi, sau đó chân tay co giựt. Vợ ông - NS Hoa Lan đã đưa ông đến bệnh viện.

Nghệ sĩ Hùng Minh là "kép độc" danh tiếng của sân khấu cải lương nhưng ở tuổi 80 ông vẫn chưa thể mua được căn nhà riêng. Ông vẫn ở nhà thuê tại quận Gò Vấp.

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/trac-thuy-mieu-nhung-vi-ta-than-tuyet-mi-cua-toi-16149.html