Trắc trở Hiệp ước toàn cầu về di cư

Australia trở thành nước mới nhất rút khỏi Hiệp ước toàn cầu về di cư của Liên hợp quốc khi Thủ tướng nước này Scott Morrison cho rằng, việc thông qua hiệp ước có nguy cơ khuyến khích hoạt động nhập cư trái phép vào Australia và đẩy lùi những thành tích khó khăn lắm mới đạt được trong cuộc chiến chống nạn buôn người.

Huy động sự tham gia của cộng đồng hỗ trợ lao động nữ di cư Hàng trăm người di cư thiệt mạng mỗi năm khi vượt biên giới Mỹ-Mexico

Vấn đề di cư đang là thách thức mang tính toàn cầu.

Vấn đề di cư đang là thách thức mang tính toàn cầu.

Thủ tướng S.Morrison đã đề ra chính sách cứng rắn của chính quyền Australia đối với vấn đề người nhập cư. Theo đó, những người di cư trái phép tìm cách vượt biển vào nước này xin tị nạn sẽ bị giam giữ tại các đảo xa ở Thái Bình Dương. Ông S.Morrison thông báo sẽ tìm cách giảm số người di cư hợp pháp vào nước này từ mức trần hiện nay là 190.000 người/năm xuống khoảng 160.000 người/năm. Theo nhà lãnh đạo Australia, việc cắt giảm này là cần thiết để giải quyết tình trạng dân số quá tải tại các thành phố lớn của nước này.

Hiệp ước toàn cầu về di cư của Liên hợp quốc là kết quả đàm phán của 193 nước thành viên tổ chức này sau 18 tháng thương lượng. Động thái được thực hiện sau cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu hồi năm 2015, khi xuất hiện dòng người tị nạn lớn nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Văn bản đưa ra một cách tiếp cận chung đối với vấn đề di cư quốc tế, bao gồm 23 mục tiêu để kiểm soát tốt hơn làn sóng người di cư cũng như xác định quyền của họ một cách chính xác hơn, đồng thời quản lý tốt hơn dòng di cư toàn cầu hiện đã lên tới con số 250 triệu người, chiếm 3% dân số thế giới. Các cuộc đàm phán về hiệp ước đã vấp phải nhiều trở ngại xung quanh các biện pháp xử lý làn sóng di cư bất hợp pháp do một số chính phủ kiên quyết trả những người di cư không có giấy tờ phù hợp về nơi xuất xứ của họ. Cho tới nay, Australia, Mỹ, Hungary, Áo, Séc, Ba Lan và Israel đã công bố quyết định rút khỏi hiệp ước này.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phản đối hiệp ước trên từ năm ngoái với lý do văn bản "không phù hợp" với các chính sách của xứ Cờ hoa. Hungary, Ba Lan và Séc thì luôn giữ quan điểm cứng rắn đối với việc tiếp nhận người di cư, cho rằng vấn đề này đe dọa đến sự ổn định của châu Âu và tác động đến khu vực biên giới miền Nam của Hungary. Phó Thủ tướng Séc Richard Brabec cho biết, không chỉ Praha mà nhiều nước khác ở châu Âu từ lâu ủng hộ nguyên tắc tách bạch di cư hợp pháp và bất hợp pháp. Tuy nhiên, văn bản cuối cùng hoàn toàn không phản ánh nguyện vọng đó. Trong khi đó, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz tuyên bố, Áo sẽ không cử phái đoàn tham gia lễ ký kết chính thức hiệp ước tại một hội nghị diễn ra ở Morocco, ngày 10-12 tới, và sẽ bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu về hiệp ước tại phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc vào năm 2019. Theo Thủ tướng Áo, vấn đề di cư gắn liền chặt chẽ với chủ quyền và quyền tự quyết nên Áo sẽ có thể tiếp tục đưa ra những quyết định riêng của mình.

Trước tình hình này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã chỉ trích những nước rút khỏi hiệp ước và cảnh báo Liên minh châu Âu (EU) sẽ mất đi vai trò dẫn dắt trong việc giải quyết khủng hoảng di cư nếu có thêm các thành viên EU từ chối tham gia. Trong khi đó, ngày 21-11, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có bài phát biểu đầy tâm huyết trước Quốc hội để bảo vệ hiệp ước. Thủ tướng A.Merkel cho rằng, văn bản này là một phần “lợi ích quốc gia” của Đức bởi nó góp phần cải thiện điều kiện di trú toàn cầu. Người đứng đầu Chính phủ Đức cho rằng, giải quyết vấn đề di cư cần sự chung tay của tất cả các quốc gia.

Với việc thống nhất về Hiệp ước toàn cầu về di cư, đây là lần đầu tiên Liên hợp quốc muốn đặt ra các nguyên tắc để kiểm soát hoạt động di cư trên phạm vi toàn thế giới. Thế nhưng với những gì đang diễn ra, văn kiện này đang gặp nhiều trắc trở trước khi đi vào thực tế.

Trắc trở Hiệp ước toàn cầu về di cư

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/The-gioi/919351/trac-tro-hiep-uoc-toan-cau-ve-di-cu